Hãy biết điều gì có giá trị đối với mình

Chia sẻ

Người chồng đóng vai trò “tàu con thoi”, di chuyển hai nơi, khi thì Hà Nội với vợ con, khi chạy về với bố mẹ, không có khó khăn gì, coi như gia đình khá giả, có hai nhà.

Cách đây 7 năm, người đàn ông ấy có một gia đình hạnh phúc. Anh bận rộn với những công trình xa, để lại ở quê nhà người vợ trẻ và một cậu con trai. Tuy ở nông thôn, nhưng người vợ có nghề cắt may quần áo, nên không phải chân lấm tay bùn với cấy hái, ruộng vườn. Đôi, ba tháng một lần người chồng về thăm vợ con, họ có một tuần vui vẻ, hạnh phúc bên nhau. Có điều kiện kinh tế, lao động không vất vả, nên họ có lối sống không khác gì “thị dân”. Buổi tối, họ cũng chở nhau lên phố huyện uống cà phê, nước ngọt. Họ cũng quen với việc ăn sáng ở quán xá đầu làng. Nghỉ hè, vợ chồng con cái tung tăng đi Nha Trang, Cửa Lò. Nhìn cuộc sống của họ, ai cũng ao ước, thèm muốn.

Rồi hạnh phúc ấy đã sụp đổ tan tành vào một chiều xuân.

Người đàn ông ấy về nhà, định mang lại sự bất ngờ cho vợ, nên anh không gọi điện hay nhắn tin trước. Về tới cổng, thấy đứa con đang chơi “xe chở cát” ở góc sân. Cánh cửa nhà khép hờ. Anh gọi con và đi thẳng vào nhà. Mở mạnh cánh cửa, anh thấy trong phòng chỉ có vợ anh và một người đàn ông cởi trần, chiếc quần dài anh ta đang mặc bị kéo trễ cạp, chiếc dây lưng cũng bị tháo tung. Sững người khi nhìn cảnh này, người chồng xông vào túm cổ người đàn ông và hét vào mặt vợ: “Các người làm gì thế này? Giữa ban ngày ban mặt, cô thèm đến nỗi đuổi con tôi ra chơi lang thang ngoài sân để cô được làm cái trò khỉ này à? Thằng này là thằng nào? Mày đến nhà tao bao nhiêu lần rồi? Hôm nay mày làm được gì chưa hay mới “mở hàng” ra cho vợ tao xem?...”. Cơn ghen tuông và giận dữ khiến người chồng không thể kiềm chế cảm xúc. Anh hung hãn, chửi bới, thoá mạ vợ và người đàn ông trẻ kia bằng những lời tục tĩu nhất có thể. Rồi người chồng còn lôi cổ người đàn ông trẻ kia vào góc nhà, nói rằng xem hàng họ của anh ta thế nào mà để vợ anh thích thú đến vậy, đồng thời muốn “chặt đứt”, để lại cho vợ sử dụng lâu dài. Người đàn ông trẻ sợ hãi xanh mắt mèo. Người vợ ra sức thanh minh rằng anh ấy là khách hàng đến may quần và chị đang lấy số đo vòng bụng, vòng mông, vòng đùi của anh ấy, chứ không làm điều gì khuất tất. Tuy nhiên, người chồng hét lên: “Cô đừng lừa dối tôi, dễ thường tôi không đi may đo quần áo bao giờ hay sao mà không biết? Sao phải cởi áo để đo quần? Sao phải cởi cúc, kéo khoá, kéo quần người ta xuống? Hay cô vừa đo, vừa lạm dụng, thoả mãn cơm thèm khát đàn ông của mình? Nếu tôi không bắt gặp, ai biết rằng mọi người sẽ còn làm gì?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc ghen điên cuồng rồi cũng kết thúc bằng cái tát nảy lửa vào mặt người đàn ông trẻ khiến anh ta toé máu miệng và hét “mày cút ngay, không tao chém chết mày bây giờ”. Tuy nhiên, cuộc ghen điên cuồng chuyển sang phía người vợ. Chửi bới, đay nghiến, hung hãn tra hỏi mấy ngày liền. Người chồng càng điên hơn khi anh ta định “làm với vợ” thì bị vợ từ chối, với lý do “mới đi thử, bác sĩ bảo đã có em bé”. Anh ta túm tóc vợ, dập đầu vào tường, bóp cổ vợ, tra hỏi “em bé của thằng kia à”. Vợ thanh minh rằng không có chuyện gì khuất tất, vợ đã tháo vòng mấy tháng trước, dự định năm nay sinh đứa con thứ hai vì thằng lớn cũng 5 tuổi, sắp đi học lớp một được rồi. May mắn là mới tháo vòng tránh thai vài tháng đã có kết quả. Tuy nhiên, niềm vui lúc này không có ý nghĩa gì với người chồng. Anh chồng cứ đinh ninh rằng đó là con do vợ “kiếm ở bên ngoài”, nên bắt vợ phá thai. Anh ta còn nói nếu không đi viện phá thai, anh ta sẽ đạp vào bụng cô cho đến khi cái thai ra thì thôi…

Người vợ không chịu đựng nổi sự hành hạ, đánh đập, bức ép phá thai của chồng, đã bế con về nhà ngoại và chủ động viết đơn ly hôn. Thấy người vợ đang mang thai, toà án huyện ra sức hoà giải, nhưng người vợ kiên quyết không và người chồng cũng “ký đơn cái roẹt”, đinh ninh rằng vợ kiên quyết bỏ mình để “đến với thằng kia”. Cuối cùng toà đành chấp thuận cho họ ly hôn và anh chồng được nuôi đứa con 5 tuổi, bởi người vợ đang mang thai. Tuy nhiên, sau đó người vợ vẫn nuôi con vì anh chồng đi công trình liên miên, ông bà nội thì già, khó trông coi, đưa đón con đi học. Người chồng có trách nhiệm chu cấp cho đứa con…

Người đàn ông kể một mạch câu chuyện như trên của gia đình mình xảy ra cách đây 7 năm và mong muốn nhận được những lời tư vấn của các chuyên gia. Chuyên viên tư vấn hỏi thêm để biết thông tin về cuộc sống hiện tại của chính anh và tình hình của vợ con anh ra sao, anh ta lại tiếp tục câu chuyện của mình:

Ly hôn xong, vợ em nhờ một người quen giới thiệu xuống Hà Nội làm thuê cho một cơ sở cắt may nổi tiếng, đưa cả đứa con theo. Do tay nghề vững, vợ em được chủ tiệm quý mến, giúp đỡ nhiều, cho ở ngay một căn phòng trong tiệm, nên vợ em có điều kiện làm ngày, làm đêm, thu nhập khá. Gần ngày sinh, vợ em thuê nhà ở gần tiệm may để ở, để sinh em bé, không thể phiền nhà chủ mãi được. Mẹ vợ em xuống hỗ trợ mẹ con cô ấy trong thời gian cô ấy sinh con, ở cữ. Khi đứa bé được 3 tháng, vợ em đã sang làm luôn, nghỉ giải lao là chạy về nhà cho con bú, nên vẫn có thu nhập, vẫn duy trì được cuộc sống. Cô ấy và gia đình ngoại giấu kín chỗ mẹ con cô ấy ở, nên em phải thuê người giúp em theo dõi, điều tra, thật lâu sau em mới biết chỗ và đến thăm mẹ con cô ấy. Vừa nhìn thấy đứa con cô ấy, em đã sững người và nhận ra mình sai lầm. Đứa bé giống em và giống anh trai nó như đúc. Em khóc, xin lỗi, cho mẹ con cô ấy tiền, cô ấy không nhận. Không xua đuổi, không trách móc, không ngăn cản, nhưng nét mặt lạnh tanh, không mặn mà của cô ấy khiến em chết điếng. Cô ấy đã trở thành người rất khác, mạnh mẽ, tự chủ, tự do, kiên cường.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi được hỏi tình hình của chính anh thế nào, anh chồng kể tiếp:

Từ đấy đến nay em chưa lấy vợ, vẫn đi làm. Em có mua được một mảnh đất ở quê, gần nhà bố mẹ em hiện nay. Một vài lần quen với những bạn gái chưa từng kết hôn, trẻ hơn em cả chục tuổi, họ sẵn sàng đến với em, nhưng em lại đắn đo. Mỗi lần đi thăm mẹ con cô ấy, em thấy họ sống bình an, hạnh phúc, đầy đủ mà không cần có em, em thấy mình mới là kẻ bại trận. Vợ cũ của em cũng thôi căm giận em. Cô ấy cũng không lấy ai, nhưng kinh tế phát triển hơn trước. Hiện tại cô ấy và hai con đã ở trong một căn nhà chung cư tự mua bằng tiền của cô ấy và ông bà ngoại hỗ trợ chút đỉnh. Em có bóng gió xa xôi về việc xin nối lại tình cảm và đón mẹ con cô ấy về V. P quê em, cô ấy nói rằng cô ấy đã quen ở Hà Nội, nơi cưu mang cô ấy trong những năm khó khăn nhất của cuộc đời. Cô ấy cũng quen việc ở đấy rồi. Em thì lăn tăn quá…

Thấy vấn đề đã sáng rõ, câu chuyện cũng đã khá dài, chuyên viên tư vấn của chúng tôi muốn cùng người đàn ông ấy chốt lại vấn đề. Cả hai nhất trí bỏ qua chuyện quá khứ và mừng vì giờ đây vợ cũ không hận, không giận. Đặc biệt, qua gian nan, khó khăn, người vợ đã trở nên cứng cỏi hơn, tự lập hơn, điềm tĩnh hơn. Bản thân người đàn ông, sau cú sốc ly hôn, nhận ra mình sai lầm, cũng không vội tái hôn, mà duy trì sự đi lại, thăm mon con cái. Đó chính là điều khiến người vợ cũ cảm động, mới mở lòng đón nhận thiện ý “nối lại tình xưa” của chồng cũ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Giờ đây, cả hai đã chín chắn hơn, cần nhận ra điều gì là quý giá nhất, là quan trọng nhất đối với bản thân mình. Chỉ cần vợ cũ đồng ý quay lại, còn mọi chuyện khác đều là chuyện nhỏ. Bố mẹ chưa thật già để cần người hàng ngày cơm nước, chăm sóc, nên vẫn duy trì cuộc sống tự lập ở quê. Mảnh đất mua rồi ở trên V. P coi như chút vốn để dành. Cuộc sống của ba mẹ con cô vợ cũ coi như ổn định, không cần xáo trộn. Người chồng đóng vai trò “tàu con thoi”, di chuyển hai nơi, khi thì Hà Nội với vợ con, khi chạy về với bố mẹ, không có khó khăn gì, coi như gia đình khá giả, có hai nhà.

Một chút đắn đo về thủ tục pháp lý cũng đã được chia sẻ và quyết định. Quan trọng nhất là chuyện “tái hợp tình cảm”. Nếu khi về chung sống, cả hai thấy cần thiết thì đưa nhau đi đăng ký kết hôn lại, giống như một số đôi vợ chồng cũng đã từng làm thế và việc “lên xe hoa” có thể bỏ qua. Một vài mâm cơm mời anh em, họ hàng thân thiết coi như “mừng tái hợp” là xong.

Một cuộc hôn nhân thăng trầm, có lúc lao đao và đổ vỡ, nhưng lại có cái kết tạm gọi là “có hậu”. Chia tay nhau, cả phòng tư vấn đều ra bắt tay người đàn ông, chúc mừng anh ấy sắp có vợ, có con sau nhiều năm chia cắt. Người đàn ông ấy chỉ luôn miệng “cảm ơn”, “cảm ơn”!

Chuyên gia tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.