Định hướng nghề nghiệp tương lai cho con cái: Cha mẹ “can thiệp” đến đâu?

Chia sẻ

Cha mẹ nên trao đổi, trò chuyện với con em mình để nghe các con nói lên nguyện vọng của mình rồi đưa ra các định hướng để cùng bàn bạc, phân tích và cuối cùng giúp các con có sự lựa chọn đúng đắn.

Vai trò quan trọng

Càng gần đến kỳ thi tốt nghiệp THPT là thời điểm các bậc phụ huynh và các em học sinh càng quan tâm tới việc đưa ra quyết định cho nghề nghiệp trong tương lai của con em mình. Cứ vào mùa xét tuyển, có khi cha mẹ còn thấy “nước sôi lửa bỏng” hơn con cái, can thiệp vào chuyện chọn trường, chọn nghề của con vì cho rằng các con còn nhỏ, chưa hiểu gì về cuộc sống và những biến đổi của xã hội trong nay mai. Nhiều bậc cha mẹ quan niệm như học kinh tế để... làm nhiều tiền; gia đình công chức thì hướng con học luật, hành chính...

“Con anh/chị nộp trường nào thế ạ?” là mối quan tâm hàng đầu khi các vị phụ huynh bắt gặp nhau không chỉ trong những buổi họp phụ huynh, mà còn ngay cả khi vô tình gặp trên đường. Những ai hướng được con theo ý mình thì hớn hở, mặt vui hơn đi trẩy hội. Còn ngược lại thì ngao ngán lắc đầu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” hay “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”… Tất cả những điều này rất tai hại vì đó là điều cha mẹ thích chứ chưa hẳn là điều con thích.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cha mẹ cần bàn bạc với con cái từ khi các em còn đang học những năm đầu THPT rồi chứ không đợi tới gần kỳ thi mới thực hiện.

“Trong việc lựa chọn nghề nghiệp, cha mẹ ngay từ những năm đầu học THPT đã phải giúp con em mình tìm hiểu hệ thống nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động, đòi hỏi của nghề nghiệp đối với mỗi học sinh, qua đó biết được mình thích làm gì và phù hợp với nghề nghiệp nào”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói. Cùng với đó, vị ĐBQH khóa XII này cũng cho rằng cha mẹ cần phải trao đổi, trò chuyện với con em mình để nghe các con nói lên nguyện vọng của mình rồi đưa ra các định hướng để cùng bàn bạc, phân tích và cuối cùng giúp các con có sự lựa chọn đúng đắn. Trước mỗi kỳ thi, phụ huynh có thể có những thông tin tham khảo liên quan đến các trường đại học năm ngoái, năm kia tuyển sinh số lượng là bao nhiêu, lấy điểm chuẩn như thế nào... để tính toán khả năng con em mình có thể vào trường nào trong số những trường mà mình cảm thấy phù hợp.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Lương Thị Hạnh Ngân (Dự án Xã hội hóa Giáo dục Đích thực) cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho các em không phải nằm ở giai đoạn trước khi thi tốt nghiệp THPT. “Việc định hướng nghề nghiệp trong giai đoạn này giống như việc chữa cháy vậy. Khi căn nhà đã bị lửa thiêu rụi đồ đạc mới nghĩ xem dập lửa thế nào và cứu đồ, cứu người ra sao thay vì ngay từ lúc đầu ta đã có những hoạt động chăm sóc nhà cửa, bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn cho căn nhà đó”, Thạc sĩ Lương Thị Hạnh Ngân nói.

Đứa trẻ lớn lên nhưng chưa được trang bị đầy đủ hành trang vào đời, chúng cần được giáo dục để trở nên phụ thuộc rồi, thì lúc đó sẽ cần đến việc định hướng nghề nghiệp. Lúc này, những hoạt động “định hướng nghề nghiệp” có vai trò giống như những sự gợi ý cho trẻ “chọn tạm” cho hành trình ngắn ngủi phía trước mặt, để tránh rơi vào tình trạng hụt hẫng vì không biết tiếp theo mình cần phải làm gì…

Con đường tốt nhất là con đường phù hợp

Trước thực trạng hiện nay nhiều bậc phụ huynh vẫn có suy nghĩ nhất định con em mình phải thi vào các trường đại học thay vì đi học nghề, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định xã hội chúng ta hiện nay vẫn có khuynh hướng trọng bằng cấp cao. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc định hướng nghề nghiệp cần phải căn cứ vào năng lực, hoàn cảnh, điều kiện của mỗi học sinh, từ đó mới quyết định nên đi theo hướng nào cho phù hợp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Nếu con đường đi học đại học mà có cơ hội phát triển thì tôi nghĩ rằng lựa chọn đó là đúng đắn nhưng trong trường hợp đi thi cốt chỉ để lấy cái tiếng đỗ đại học thì không cần thiết mà lúc đó cần phải tính một con đường khác như có thể đi học nghề, mà học nghề sau này vẫn có thể tiếp tục học lên nếu có điều kiện”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói. Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, việc phó mặc cho con em tự quyết là không nên bởi các em còn ít tuổi, chưa đủ kinh nghiệm để lựa chọn.

“Cha mẹ cũng không nên áp đặt nghề nghiệp cho con em mình, bởi vì nếu những nghề đó không phù hợp với sở thích, sở trường của các con thì sẽ rất khó phát triển”, ông nói. Trong khi đó, Thạc sĩ Lương Thị Hạnh Ngân cho rằng, đứng trước một bước ngoặt mới trong cuộc đời của những bạn học sinh – giai đoạn tốt nghiệp phổ thông hầu như các bạn đều rơi vào trạng thái băn khoăn và chọn lựa. Không nhiều em có trong mình một mục đích sống, một con đường, một chí hướng, một lộ trình rõ ràng. “Đa phần trong số các em được gieo cho một “nhiệm vụ” trong cuộc đời đó là có một công việc, có một sự nghiệp riêng. Như vậy, các em có một hướng để phấn đấu đó là tìm nghề. Nhưng nghề nào, nghiệp nào là phù hợp với các em, phù hợp với khả năng cũng như ước nguyện của các em? Đây là vấn đề khá khó khăn, bởi các em còn đang ở giai đoạn đầy hoài bão, đầy mơ mộng, đầy khao khát mà sự hiểu biết và vốn sống còn rất ít ỏi”, Thạc sĩ Lương Thị Hạnh Ngân phân tích.

Hầu hết các em đều mong muốn mình được trưởng thành, hạnh phúc và có được một cuộc sống tốt đẹp, được trở thành người có ích và có giá trị; mong muốn được góp sức mình tạo ra những thứ có ý nghĩa nhất cho xã hội. “Việc “Định” một “Hướng” “nghề nghiệp” nào đó cho các em là một công việc giúp các em giảm bớt việc trải qua những mất mát, thừa thãi không cần thiết để có thể biến ước mơ thành hiện thực, để đạt được mục tiêu trưởng thành – hạnh phúc – sống tốt”, Thạc sĩ Lương Thị Hạnh Ngân nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc của cha mẹ đó là giáo dục các em từ khi các em là một đứa trẻ, giúp các em nhìn nhận được bản thân mình, giúp các em biết điều ý nghĩa mà các em cần hướng đến thực sự là gì, bền vững nhất là gì, không phải là những thứ hời hợt như một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh, năm châu... thứ mà khiến con trở thành một con người đàng hoàng và đứng giữa trời đất chẳng phải sợ hãi điều gì. Muốn vậy, chính bản thân cha mẹ cần tự định hướng cho mình và tự đánh giá được chính mình.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.