Em về làm dâu nhà anh!

Chia sẻ

Bài thơ “Em về làm dâu nhà anh” của tác giả Khánh Nguyên thấm đẫm tình cảm yêu thương, cảm thông, chia sẻ với những vất vả, lo toan của người vợ và ẩn chứa trong đó lòng biết ơn kín đáo.

Em về làm dâu nhà anh
Giường đơn ghép lại để thành giường đôi
Đơn sơ gian tập thể thôi
Cái chạn em sắm, cái nồi em mua
Mẹ còng đi chợ trời mưa
Em như cô Tấm đón đưa mẹ về
Kiếm được con bống, con trê
Tần tảo mang về cho cái ngủ ăn
Đồng lương hẹp tựa vuông khăn
Tay em khéo gói cả năm vuông tròn
Trầu kính mẹ, sách phần con
Em ngồi ăn nhạt, anh còn khát chi…
Tuổi già mưa nắng bất kỳ
Em ngồi thủ thỉ đỡ khi mẹ buồn
Con thì dại, chồng thì ương
Lạt mềm là những sợi thương ngọt ngào
***
Trối trăn mẹ dặn hôm nào
Đưa con, đưa cháu đặt vào tay em…

                                        Khánh Nguyên

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sức hấp dẫn của bài thơ không phải ở ngôn từ bay bổng, càng không phải là hình ảnh mới lạ. Trái lại, với ngôn từ dung dị, thể thơ lục bát truyền thống thiên về tự sự, bài thơ đã tái hiện rất chân thực cuộc sống của một gia đình hai vợ chồng đều là công chức nhà nước. Chưa rõ bài thơ được sáng tác năm nào nhưng từ chính chất liệu bài thơ, người đọc hiểu rằng thi phẩm nói về những tháng năm gần nửa thế kỷ trước. Sống ở thời bao cấp, khó khăn thiếu thốn đủ mọi bề. Chủ thể trữ tình - người chồng - đã nhớ lại đến từng chi tiết những gian nan: “Em về làm dâu nhà anh/ Giường đơn ghép lại để thành giường đôi/ Đơn sơ gian tập thể thôi/ Cái chạn em sắm, cái nồi em mua”. Thật cảm động bởi sự chân thành trong cảm xúc của tác giả khi ôn lại những năm tháng tuổi trẻ. Đám cưới là dấu son thật đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, ai cũng mong muốn đủ đầy và sang trọng.

Vậy mà ở đồ dùng của đôi vợ chồng trẻ đơn sơ làm sao: Chiếc giường hạnh phúc chỉ là giường đơn ghép lại, căn phòng lứa đôi cũng chỉ là gian tập thể chật hẹp, ẩm thấp. Tuy hoàn cảnh khốn khó nhưng người vợ trẻ đã sớm biết lo toan, mua sắm những dụng cụ thiết yếu “cái chạn, cái nồi” phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Hoàn cảnh mẹ chồng già yếu nhưng vẫn chợ búa đỡ đần con và nàng dâu biết chia sẻ vất vả với mẹ: “Mẹ già đi chợ sớm trưa/ Em như cô Tấm đón đưa mẹ về/ Kiếm được con bống con trê/ Tần tảo mang về cho cái ngủ ăn”. Chỉ một từ cô Tấm đó thôi cũng đã hàm chứa biết bao yêu thương, trìu mến và cả ghi công cho người vợ hay lam, hay làm. Song hay nhất trong bài là những câu thơ: “Đồng lương hẹp tựa vuông khăn/ Tay em khéo gói quanh năm vuông tròn”. Với sự tiếp thu thi liệu của ca dao và nghệ thuật so sánh rất độc đáo đồng lương - vuông khăn, câu thơ tái hiện một sự thật đắng lòng: Đồng lương của viên chức thời bao cấp thật eo hẹp, chi dùng thiếu căn cơ, không đắn đo sau trước hẳn sẽ túng thiếu. Nhưng người chồng đã vô cùng cảm kích bởi người bạn đời của anh rất khéo lo toan, thu vén cho cuộc sống tương lai mọi sự được “vuông tròn”.

Ứng xử trong nhà “em” rất mực yêu thương, nhường nhịn: “Trầu kính mẹ, sách phần con/ Em ngồi ăn nhạt anh còn khát chi”. Điều người chồng thường lo lắng là quan hệ giữa vợ và mẹ, hai người phụ nữ quan trọng nhất đời anh liệu có xuôi chèo mát mái? Song với tác giả, nỗi lo ấy không còn hiện hữu dẫu mẹ anh tính khí thất thường: “Tuổi già mưa nắng bất kỳ/ Em ngồi thủ thỉ đỡ khi mẹ buồn”. Rõ ràng ở đây thêm một lần người chồng ghi công cho vợ - nàng dâu rất gần gũi tình cảm với mẹ. Tục ngữ của ông cha ta xưa đã rất khen ngợi những cô dâu, chàng rể khéo ăn ở, sống có nghĩa, có tình, khi đó “dâu hiền nên gái, rể hiền nên trai”, vợ của Khánh Nguyên đúng là con người như thế. Cuộc sống gia đình lắm thứ phải lo toan, nhất là khi “Con thì dại, chồng thì ương”, nhưng người vợ ứng xử mọi lúc thật khéo léo: “Lạt mềm là những sợi thương ngọt ngào”. Em vừa mềm mỏng, dịu dàng lại vừa kiên quyết, nhẫn nại, biết “lạt mềm buộc chặt”.

Xuất phát mọi hành động của em đều vì gia đình, từ suối nguồn của tình yêu thương mẹ và chồng con. Tác giả đã rất khéo khi mượn lời trối trăn của mẹ để kết thúc bài thơ “Tay con, tay cháu trông vào tay em”. Đây là sự tri ân và ghi công xứng đáng nhất đối với vợ. Đúng như ông cha dạy “Phúc đức tại mẫu”, tương lai của mỗi gia đình, dòng tộc trông cậy, phụ thuộc rất nhiều vào người phụ nữ. Nhận định như thế quả là lời khen tặng và tri ân vợ sâu sắc mà kín đáo, tế nhị. Liệu có người vợ nào lại không mát lòng, không nỗ lực hết mình vì gia đình, chồng con khi được thấu hiểu, được tôn vinh như thế?

THÁI DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.