Việc của chị không phải là... tìm bố cho con

Chia sẻ

Việc người phụ nữ cần làm lúc này không phải là tìm bố cho con, bởi đây là quá khứ đen tối, cần chôn vùi, quên lãng. Thứ hai, con trai anh chị cũng đã học lớp 10, tức là có hiểu biết nhất định, nên không nói dối con quanh quẩn như nói với đứa trẻ lên 3...

Năm 18 tuổi tôi lấy chồng, năm sau tôi có đứa con gái đầu lòng. Chồng tôi có quá khứ bất hảo, đã từng đi tù vì tội đánh người thành thương tích. Tuy nhiên khi tìm hiểu, tôi không biết điều đó, chỉ sau này chung sống với nhau, anh ấy có hơi nóng tính với tôi, mọi người mới kể quá khứ của anh ấy. Tự nhiên tôi thấy chán và sợ chồng.

Khi con gái được 3 tuổi, tôi đem lòng yêu một anh sinh viên năm cuối, thuê trọ ở gia đình chồng tôi. Anh ấy đẹp trai, hào hoa, thơ văn giỏi, đàn hát hay, tóc quăn, kính cận, đúng mẫu người tôi ngưỡng mộ. Anh ấy cũng yêu tôi, dù biết tôi là “bà chủ nhỏ” và có chồng, có con. Do hai đứa rất yêu nhau, nên sau khi anh tốt nghiệp, chúng tôi đã bàn nhau trốn nhà đi để được chung sống trọn đời bên nhau. Trước khi đi xa, anh đưa tôi về nói chuyện với mẹ anh, đang sinh sống ở một huyện ngoại thành Hà Nội, nhưng mẹ anh đã ngăn cản chuyến đi và khuyên tôi trở lại với gia đình, chồng con, vì cả hai đứa đang bồng bột, không có tương lai gì đâu. Thế là anh giận mẹ anh ấy, dắt tôi đi.

Chúng tôi vào Nam, thuê nhà trọ, anh đi làm. Anh yêu và chăm sóc, nâng niu tôi, nói rằng sẽ bù đắp cho tôi, yêu tôi trọn đời. Anh càng chiều tôi hơn khi phát hiện tôi có thai. Tuy nhiên, tự dưng tôi thấy nhớ con ở quê, lại sợ ở trong Nam sinh con một mình, không ai biết, không ai giúp đỡ, nên tôi đã trốn anh, bắt xe trở lại Hà Nội. Về gần nhà, tôi hẹn chồng ra quán nói chuyện, nói rõ tôi có thai, nhưng không phải của anh, chồng tôi chấp nhận giữ kín chuyện này, chỉ cần tôi trở lại gia đình, chăm sóc con và quên đi mọi thứ vừa qua.

Khi sinh con ra, cháu là trai, giống hệt “bố nó”, chứ không giống chồng tôi. Chồng tôi buồn, nhưng không nói gì, coi như mọi chuyện bình thường. Tuy nhiên bố mẹ chồng, cô em gái chồng và em dâu thì nói móc, nói mỉa, nói bóng gió. Tôi chấp nhận bao lời cay đắng, cốt để chuyện cũ không bị bại lộ. Rất may, chồng tôi không hề nhắc đến chuyện này, dù biết đứa con của tôi sinh ra giống hệt “cậu sinh viên”. Thấm thoắt đã 16 năm, năm nay con trai tôi đã học lớp 10. Nhìn dáng đi, mái tóc, cặp kính cận của con trai… hình ảnh “bố nó” hiện về vì nó giống anh ấy như đúc. Chuyện cũ không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng, nhưng từ năm ngoái, mọi sự đã bị đảo lộn, xới tung lên.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước tiên, ông nội các cháu, tức bố chồng tôi, chửi mắng cháu trai, rằng “mày không phải cháu đích tôn, không máu mủ gì nhà này cả”. Cháu khóc, hỏi vợ chồng tôi, chúng tôi giải thích “ông già lẩm cẩm, kệ ông”. Rồi chị gái của cháu cũng nghe ai đó nói, về tâm sự với em rằng chị em mình cùng mẹ nhưng không cùng bố, rằng chị không biết bố em là ai, nhưng không phải là bố chị. Vợ chồng tôi lại nói chuyện riêng với cháu gái, nhắc cháu không đầu độc em trai bằng những câu chuyện nghe ở bên ngoài. Bố mẹ sinh ra, yêu thương các con, các con là con của bố mẹ, đơn giản vậy thôi. Chúng tôi bảo cháu nói lại với em, nhưng cháu kiên quyết không nói lại. Rồi đến thím của cháu cũng xúi giục ông bà nội nếu có viết giấy thừa kế tài sản thì đừng chia cho cháu trai nhà tôi, phải lập con trai cả của chú thím làm “đích tôn thờ phụng” và chia cho cháu đất đai phần nhiều hơn để cháu có trách nhiệm sau này với ông bà, tổ tiên. Mọi chuyện dồn dập đến, khiến cháu trai nhà tôi không thể thờ ơ, bình tâm học tập. Cháu suốt ngày nói sẽ tìm ra nguồn gốc của mình, sẽ bỏ học, nếu như bố mẹ không nói sự thật, rằng cháu cũng nhận ra mình không giống ai ở cái nhà này. Đêm đêm cháu thức, nói chuyện lảm nhảm, không ăn, không đi học, có lúc khóc tức tưởi. Tôi thương con vô cùng.

Tôi bí mật đi tìm bố thật sự cho con. Tôi trở về cái làng nơi 16 năm trước anh đưa tôi về gặp mẹ anh trước khi chúng tôi ra đi. Mẹ anh còn sống, nhưng đã già. Chị gái anh làm ở bưu điện xã cung cấp cho tôi thông tin về anh. Anh đã lấy vợ, có hai con còn nhỏ, nhưng làm ăn kinh tế khó khăn, cả gia đình anh đang trọ ở khu Cầu Giấy, lễ Tết mới về quê. Được chị gái cho số điện thoại, tôi gọi điện và hẹn anh gặp mặt nói chuyện. Anh chủ động bố trí gặp tôi ở một quán cà phê nhỏ, vắng vẻ. Tôi kể hết mọi chuyện cho anh, cầu mong anh đồng ý nhận đứa con trai, để cháu biết mặt bố, chứ không đòi hỏi trách nhiệm gì ở anh. Tôi cũng hứa không làm gì ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình anh. Anh trầm tư, nói rằng anh cần xét nghiệm ADN thằng bé. Hơn nữa anh nói, nếu có đúng là con anh thì đó cũng là kết quả của một thời thơ dại, bồng bột, anh không muốn có thay đổi gì khác. Anh hẹn tôi ngày giờ gặp mặt anh để tôi đưa cho anh vài thứ (móng chân, tóc…) để anh làm xét nghiệm, dù tôi đã thề là nó giống anh như đúc. Nhưng sau lần gặp ấy, anh chặn số điện thoại của tôi và cũng đổi số điện thoại của anh, tôi không thể nào gặp được anh nữa.

Trên đây là câu chuyện một người phụ nữ trung tuổi chia sẻ với chúng tôi và có ý “nhờ” chúng tôi hai việc. Thứ nhất là tư vấn cho chị xem chị nên làm gì lúc này? Thứ hai, nhờ chúng tôi tìm anh người yêu cũ, động viên anh ấy nhận con. Việc thứ hai chúng tôi từ chối ngay, vì không cần thiết và không phải là công việc chúng tôi buộc phải làm. Còn tư vấn cho chị, chúng tôi sẵn sàng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trao đổi với người phụ nữ, chúng tôi giúp chị nhận ra mình đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, khiến suốt 16 năm qua cuộc sống gia đình của chị bất ổn. Thứ nhất, chị đã làm tổn thương nặng nề người chồng của mình khi đột ngột bỏ nhà theo chàng sinh viên mới ra trường rồi mang theo cái thai của người khác về. Vì thương con còn nhỏ, không muốn tan vỡ gia đình, vừa muốn giữ thể diện cho vợ, cho mình và danh tiếng gia tộc, người đàn ông ấy đã nghiến răng chịu đựng, chấp nhận đứa con sinh ra là của mình. Đáng lẽ chị phải biết ơn chồng, sống hết lòng tận tuỵ, vun vén cho gia đình, chấp nhận những phiền phức do dư luận xôn xao để mọi chuyện lắng xuống, dịu đi. Đáng ra khi con trai đã lờ mờ nhận ra rằng mình có nguồn gốc bất thường, vợ chồng cần bàn bạc với nhau cách thức và thời điểm cho con biết một phần sự thật, vậy mà chị không làm, lại âm thầm đi điều tra, tìm kiếm bố cho con trai mình. Không biết chị định làm gì? Không lẽ chị muốn người đàn ông kia đến gia đình chị, xin với chồng chị cho được nhận con ngoài giá thú? Mọi chuyện sẽ thế nào khi điều đó xảy ra? Gia đình chồng, họ hàng và cả những đứa con của chị ấy sẽ nhìn chị ấy ra sao? Đặc biệt, chị ấy lại “giết chết” chồng mình một lần nữa. Nhưng thực tế là người đàn ông mà chị ấy mong hợp tác, cứu con chị, đã không đón nhận tin vui bất ngờ này. Anh ấy cũng thú nhận đó là lỗi lầm của một thời trai trẻ, dại dột, không muốn khơi lại quá khứ để ảnh hưởng đến hiện tại. Có thể anh ấy chưa chuẩn bị tinh thần để nhận đứa con rơi, cùng không biết nói thế nào với người vợ hiện tại và hai đứa con còn nhỏ, kinh tế gia đình anh ấy cũng đang khó khăn, điều quan tâm lớn nhất của anh ấy là kiếm tiền, nuôi vợ con, nên anh ấy đã “trốn chạy” bằng cách cắt đứt liên lạc với người phụ nữ đường đột này. Thật ra, đây cũng là điều may mắn.

Việc người phụ nữ cần làm lúc này không phải là tìm bố cho con, bởi đây là quá khứ đen tối, cần chôn vùi, quên lãng. Thứ hai, con trai anh chị cũng đã học lớp 10, tức là có hiểu biết nhất định, nên không nói dối con quanh quẩn như nói với đứa trẻ lên 3, mà phải nói đúng, đàng hoàng. Vợ chồng cần bàn bạc xem nên nói với con thế nào là vừa phải. Có thể cho con biết con là con do chính mẹ đẻ ra. Còn bố của con hiện tại, tuy không phải là bố đẻ, nhưng người đã đón nhận, yêu thương, chăm sóc cho con suốt bao năm nay. Còn người bố sinh học, thì cho đến giờ không ai biết là ai, kể cả người mẹ. Việc chia sẻ sự thật có thể khó khăn với vợ chồng anh chị ấy, hoặc cháu trai sẽ có cú sốc khi đón nhận “sự thật một nửa” này, thì gia đình có thể nhờ các chuyên gia tư vấn tâm lý hỗ trợ công tác tư tưởng, cũng như chăm sóc tinh thần cho các thành viên gia đình khi có khủng hoảng xảy ra. Hầu như mọi thành viên của gia đình này đều cần được hỗ trợ tâm lý, nếu không muốn chuyện trở nên ngày càng trầm trọng hơn và bi kịch hơn.

Người phụ nữ cũng đã tự nhận mình là “dại” và “bồng bột”. Chị cũng sẽ cố gắng thực hiện những điều đã trao đổi, thống nhất với các chuyên gia tư vấn và nói thường xuyên gọi điện hoặc xin phép gặp gỡ để được hỗ trợ trong thời gian tới…

Chuyên gia tâm lý tư vấn ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.