Người Việt Nam ở nước ngoài: Bình tĩnh ứng phó với đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm chao đảo thế giới, tác động tiêu cực tới hàng tỷ người, trong đó có đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì bị động, rất nhiều người Việt đang nỗ lực vượt khó, bình tĩnh ứng phó với đại dịch.

Nỗ lực vượt khó

Những ngày qua, Ấn Độ vẫn đang là tâm điểm dịch của thế giới. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm định cư tại Ấn Độ từ năm 1986, hiện đang ở Chennai, bang Tamil Nadu kể lại: “Từng đó năm ở Ấn Độ, chưa bao giờ tôi chứng kiến thảm họa nào khiến nhiều người tử vong đến thế”. Là thợ trang điểm cô dâu, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, nguồn sống của chị Tâm khó khăn hơn do các đám cưới bị hủy. Mãi gần đây, khi xác định phải “sống chung với đại dịch” cộng thêm với quy định mỗi đám cưới chỉ có tối đa 50 người của chính quyền bang, các đám cưới đã bắt đầu được tổ chức trở lại. Đặc thù công việc khiến chị có nguy cơ cao mắc dịch Covid-19, song chị vẫn cố gắng làm để kiếm tiền nuôi con trai 14 tuổi.

Về tình hình cộng đồng người Việt tại Mỹ, chị Nguyễn Thu Hương, hiện sống tại Asheville, bang North Carolina, Mỹ cho biết nhiều bà con người Việt tại Mỹ làm việc tại các tiệm làm móng (nail) bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch Covid-19. Từ khi dịch lan rộng, các tiệm nail phải đóng cửa hoặc khi mở cửa trở lại chỉ được phép giới hạn số người vào tiệm. Vừa qua, Chính phủ Mỹ đã triển khai chương trình hỗ trợ người dân một khoản tiền 3.400 USD chia làm 2 đợt. Những người có thu nhập cá nhân dưới 75.000 USD/năm được nhận séc hỗ trợ này hoặc được Thuế liên bang IRS chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng cá nhân. Ngoài ra Chính phủ còn có chính sách cho vay miễn trả dành cho các doanh nghiệp nhỏ có dưới 250 nhân viên. Phần lớn các tiệm nail của người Việt là doanh nghiệp nhỏ nên đều được hưởng khoản vay này. Sự hỗ trợ của chính phủ cộng với nỗ lực tự thân đã giúp nhiều người Việt bớt khó khăn hơn.

Chị Thanh Tâm trở lại với công việc trang điểm cô dâu tại Ấn ĐộChị Thanh Tâm trở lại với công việc trang điểm cô dâu tại Ấn Độ.

Tại Ai Cập, Phạm Linh, cô gái Hà Nội làm dâu ở đất nước Kim Tự Tháp kể: Trung bình mỗi ngày, Ai Cập có khoảng 1.000 người nhiễm Covid-19, đưa tổng số người mắc Covid-19 hiện nay ở nước này lên con số 226.000 người. Cuối năm ngoái, Linh và cả gia đình chồng cô đều bị mắc Covid-19 trong bối cảnh bệnh viện đều đã quá tải. Vì thế, gia đình cô chọn điều trị tại nhà dưới sự theo dõi của bác sĩ và cuối cùng đã khỏi bệnh dù đến nay, sau 4 tháng, sức khỏe vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. “Covid nguy hiểm nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể vượt qua”. Lối suy nghĩ tích cực ấy đã giúp Linh có thể bình tĩnh sống trong đại dịch.

Chung tay nỗ lực phòng chống dịch

Trước sự hoành hành của dịch Covid-19, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch.

Chị Hương cho biết, tháng 4/2020, ca đầu tiên mắc Covid-19 được phát hiện tại Mỹ, sau đó dịch lan ra nhanh chóng trên tất cả các bang. Một số thành phố đã yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí như rạp chiếu phim, công viên, quán bar, các cơ sở dịch vụ làm đẹp… đóng cửa hoàn toàn, các siêu thị vẫn mở cửa hoạt động, tuy nhiên các lối đi giữa các kệ hàng được phân biệt lối vào và lối ra rõ ràng. Cũng từ tháng 5/2020, các trường học chuyển sang học online hoàn toàn cho đến vào năm học 2020-2021 mới triển khai lại kế hoạch học online xen kẽ.

Tại Ai Cập hiện đang diễn ra tháng chay Ramadan của người theo đạo Hồi, kết thúc là lễ hội Eid al-Fitr. Tuy nhiên, để phòng chống dịch, chính quyền Ai Cập đã đưa ra quy định đóng cửa các bãi biển, khu vui chơi, nơi tập trung đông người, nhà hàng chỉ được mở tới 9 giờ tối thay vì xuyên đêm như trước. Hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở Cairo nơi Linh ở, thay cho sự đông đúc như trong những mùa lễ hội trước là cảnh vắng vẻ, yên bình. Bản thân Linh và bà con người Việt đều nghiêm túc thực hiện các quy định của chính quyền, hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết.

Anh Hoàng Điệp nghiên cứu sinh tại thành phố Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh miền Nam Ấn Độ chia sẻ: Từ ngày 5/5, chính quyền bang cũng đã ra lệnh phong tỏa với các bang khác để phòng, chống dịch. Anh cùng các sinh viên phần lớn chỉ ở trong ký túc xá, hàng ngày cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác.

Đường phố CairoĐường phố Cairo

Theo chị Tâm, nhìn chung tại Ấn Độ, bà con người Việt đều rất có ý thức phòng, chống dịch. “Ngay từ hồi chính quyền còn chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, bà con cũng đã chủ động đeo khẩu trang để phòng bệnh”.

Tiêm chủng vắc-xin - giải pháp giúp ngăn chặn dịch

Năm 2020, châu Âu từng trở thành tâm điểm dịch của thế giới. Đến thời điểm này, theo bà Nguyễn Thị Anh Đào, Tổng thư ký người Việt Nam tại Anh, tình hình dịch bệnh về cơ bản ở Anh được kiểm soát. Tất cả các hoạt động gần như đã bình thường hóa trở lại. Cuộc sống của khoảng 100.000 người Việt cư trú rải rác khắp nước Anh và Ireland đều ổn định. Theo bà Đào, một trong các lý do giúp tình hình dịch bệnh được kiểm soát là do tỷ lệ người dân Anh đã được tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 khá cao. Bà Đào và nhiều người Việt tại Anh khác đều đã được tiêm chủng vắc-xin nên không còn quá lo lắng về dịch bệnh.

Tương tự, chính phủ Ai Cập cũng đang triển khai chương trình tiêm vắc-xin cho người dân từ ngày 16/4. Đến nay, theo thống kê của Bộ Y tế, đã có 1,23 triệu người dân đăng ký tiêm vắc-xin và 320.000 người đã được tiêm.

Tại Mỹ, theo chị Nguyễn Thu Hương, nước Mỹ đã tiến hành tiêm vắc-xin cho người dân. Đợt đầu tiên ưu tiên người trên 65 tuổi, đội ngũ nhân viên y tế, đội ngũ nhân viên trong ngành giáo dục, sau đó triển khai tới các đối tượng còn lại. Hiện tại khoảng hơn 35% dân số Mỹ đã được tiêm cả 2 mũi đầy đủ và khoảng 25% dân số đã được tiêm mũi thứ nhất. Vắc-xin có sẵn ở mọi nơi như ở hiệu thuốc trong các siêu thị (tại Mỹ các hiệu thuốc được phép tiêm các loại vắc-xin cho người dân như vắc-xin phòng cúm, và hiện tại là vắc-xin phòng Covid-19). Người trên 16 tuổi có thể ghé vào bất cứ hiệu thuốc nào hoặc đặt lịch hẹn ở các cơ sở y tế công lập để tiêm vắc-xin.

Tại Ấn Độ, theo chị Tâm, từ đầu tháng 3, chính phủ cũng đã triển khai việc tiêm chủng vắc-xin cho những người dân trên 65 tuổi. Tới đầu tháng 4, tiếp tục tiêm chủng cho người trên 40 tuổi và đầu tháng 5 là từ người 18 tuổi trở lên. Người dân chỉ cần đến bệnh viện, mang theo giấy Adhaar (giống như chứng minh thư), sau khi kiểm tra đủ điều kiện sức khỏe là được tiêm phòng. Các bệnh viện nhà nước triển khai tiêm miễn phí vắc-xin cho người dân. Với bệnh viện tư, người dân phải trả chi phí 250rs/1 mũi tiêm, tương đương 85.000 đồng Việt Nam. Chị Tâm đã đăng ký tiêm vắc-xin ngay trong đợt đầu tiên, đến nay đã được tiêm đủ 2 mũi. Ở xa nhưng chị Tâm vẫn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh ở quê nhà. “Tôi tự hào vì Việt Nam được thế giới tôn vinh là điểm sáng trong phòng, chống và kiểm soát dịch. Hiện nay, nhà nước Việt Nam đang triển khai tiêm chủng vắc-xin cho người dân. Việc này sẽ góp phần ngăn ngừa dịch bệnh”, chị Tâm nói.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.