Nhà này ai có quyền?

Chia sẻ

Chắc hẳn, đã từng có chị em thấy quen với câu hỏi này. Nó thường xuất hiện trong những lần vợ chồng cãi vã, khi không thể “nhịn” nổi sự “vượt phép” của vợ mình, người chồng sẽ “cảnh cáo” bằng việc chỉ ra, ai mới là người có quyền trong cái nhà này?

Đó là câu chuyện thường thấy. Sâu xa hơn, người phụ nữ - trong chính gia đình mà mình góp công vun đắp, đang được/không được/được cho/buộc phải quyết định những điều gì? 

Chọn chồng thế nào mới tốt?

Mỗi phụ nữ có một cách nghĩ, cách cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Chính vì vậy, họ cũng chọn người yêu, tìm chồng theo những tiêu chí khác nhau. Không có một thước đo hay chuẩn mực, nhưng...

“Đã rất lâu rồi tôi không cảm nhận được sự đồng cảm của chồng, luôn có cảm giác anh ở đẳng cấp khác, nhìn tôi với con mắt khinh miệt”, Vy, 25 tuổi, kết hôn được gần 2 năm và có một bé trai hơn một tuổi buồn bã kể.

Vy bảo rằng, từ khi chuyển việc từ một nhân viên văn phòng của công ty tư nhân sang làm cho một đơn vị tiếng tăm của nhà nước, chồng cô đã khẳng định được bản thân và thu nhập cũng gia tăng. Còn Vy quyết định “lùi lại”, an phận với công việc nhân viên văn phòng để sinh con và có thời gian chăm sóc cho gia đình. “Nhưng đó chính là bi kịch, khi anh luôn xem tôi như một người giúp việc chứ không hẳn là người vợ”. “Tôi cố gắng tiết kiệm, không làm đẹp, không mua sắm gì nhiều. Anh lo kinh tế và khi có cãi vã, anh chửi rủa, thể hiện rằng anh áp lực, mệt mỏi kiếm tiền nuôi hai mẹ con như thế nào. Tôi chỉ biết nín nhịn. Thậm chí, anh còn đánh tôi, chửi, khi đó tôi không nhẫn nhịn được nữa. Cảm giác thật tồi tệ. Có lúc cãi vã, anh nói “Cút về quê, không nuôi nữa”…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vy buồn vì chưa bao giờ cảm nhận chồng hài lòng về mình, dù cô có cố gắng anh cũng không ghi nhận, không động viên gì cả. “Anh luôn so sánh tôi với những người thành đạt bên anh và nói tôi tiếp xúc với quá ít người như thế. Có gì đó làm tôi đau đớn vô cùng. Mới gần 2 năm, tại sao khoảng cách giữa tôi và chồng lại xa cách đến vậy? Tôi đâu muốn thế nhưng tôi còn có thể làm gì hơn?”.

Lớn lên từ hai “chiếc nôi” nhân cách khác nhau, các cặp đôi mang trong mình vô số những mảnh ghép khác biệt khi đến với nhau, rồi cùng nhau mài giũa chúng để tạo lập “chiếc nôi” nhân cách mới cho thế hệ tiếp theo. Và hành trình mài giũa ấy cũng lắm gian truân, đôi khi, người phụ nữ nhận về nhiều thiệt thòi bởi sự coi thường từ chồng. Nếu như Vy bị chồng không bao giờ hài lòng vì những cố gắng của mình, thì Thương, lại bị chồng coi thường vì không còn trong trắng khi đến với anh ta.

“Đêm tân hôn khi biết sự thật, anh đã coi thường và tỏ thái độ miệt thị tôi. Anh dùng những lời lẽ xúc phạm và còn dọa sẽ ly hôn, nói hết sự thật cho bố mẹ hai bên cùng biết. Tôi sợ lắm và thấy mình sai thực sự nên cố gắng chịu đựng và cầu xin anh tha thứ. Tôi mong con cái sẽ là sợi dây gắn kết tình cảm giữa hai vợ chồng, nhưng khi đã có con, chồng tôi vẫn chẳng buông tha”. Nhiều lần, Thương đã đề nghị được chồng tôn trọng. Nhưng anh ta bảo rằng, con gái chưa chồng đã ngủ với đàn ông thì còn giá trị gì đâu mà đòi hỏi…

Phụ nữ được quyết định gì trong gia đình?

Trong nhiều năm qua cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mang lại cho cả phụ nữ và nam giới những nguồn lực kinh tế xã hội quan trọng như sự gia tăng về trình độ học vấn, thu nhập. Đồng thời, những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam qua các cam kết quốc tế cũng như các văn bản pháp luật cấp quốc gia sẽ là những yếu tố thúc đẩy quan hệ giới trong gia đình ngày càng bình đẳng hơn. Những thay đổi tích cực về văn hóa ảnh hưởng tới khả năng hai vợ chồng cùng là người quyết định, xóa bỏ rào cản chỉ nam giới là người quyết định các công việc trong gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vừa qua, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức giới thiệu Kết quả điều tra “Quyền quyết định của phụ nữ trong thực hiện các chức năng gia đình”. Được thực hiện trong 2 năm (2019-2020) trên phạm vi 7 tỉnh, thành phố đại diện cho 7 vùng kinh tế của cả nước, dự án điều tra hơn 2.100 phụ nữ và nam giới với kết quả hơn 160 bảng thông tin số liệu từ 2.030 phiếu đảm bảo chất lượng. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng cơ sở dữ liệu về quyền quyết định của phụ nữ trong gia đình, nhằm nhìn nhận cụ thể, toàn diện hơn về vấn đề phụ nữ và giới tại Việt Nam, làm căn cứ để Hội LHPN Việt Nam xây dựng các kế hoạch can thiệp, hỗ trợ phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình.

Tiến sĩ Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ rằng, nhận thức về quyền ra quyết định của phụ nữ trong gia đình hiện nay đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, nhận thức về quyền quyết định của phụ nữ trong thực hiện các chức năng gia đình vẫn còn bất bình đẳng, phân biệt đối xử. Các quan điểm còn chịu tác động bởi tư tưởng định kiến giới như vợ quyết định những công việc nhỏ, chồng quyết định các công việc lớn, quan trọng. Người chồng cũng quyết định các khoản chi tiêu lớn, quan trọng, người vợ quyết định các khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày. Định kiến giới còn thể hiện rõ trong nhận thức khi cho rằng nội trợ là lĩnh vực do phụ nữ đảm nhận và quyết định, hay việc không ủng hộ phụ nữ từ chối nhu cầu sinh lý của chồng. Quyền tham gia các hoạt động xã hội của phụ nữ, quyền tự quyết của phụ nữ với các công việc cá nhân chưa được đồng tình ở mức cao, thậm chí người vợ đi đâu phải xin phép chồng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, phụ nữ đảm nhận chính các công việc trong gia đình, đặc biệt là trong giáo dục, nuôi dạy con cái, chăm sóc người già, người ốm… Dù nhiều gia đình cho biết, người chồng có tham gia trong việc chăm sóc gia đình nhưng công việc này vẫn chủ yếu do phụ nữ làm.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyền của phụ nữ trong thực hiện các chức năng của gia đình. Trong đó, những yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất là nhận thức về quyền tự quyết cá nhân, nhận thức về quyền liên quan đến đối nội đối ngoại trong gia đình, yếu tố dân tộc... Dường như, nhóm càng ít tuổi, trình độ học vấn càng cao, số năm kết hôn càng ít, thu nhập càng cao thì càng có nhận thức cởi mở, bình đẳng và dân chủ về quyền quyết định của vợ, chồng trong thực hiện các chức năng của gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực hiện bình đẳng và công bằng giới là một nhiệm vụ rất lớn lao, ý nghĩa, và cần sự chung tay của toàn xã hội, chứ không phải chỉ ở sự thay đổi nhận thức về quyền quyết định trong gia đình của mỗi người chồng, người vợ. Nhưng, những điều nhỏ bé được góp nhặt sẽ để lại sự thay đổi lớn lao. Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, thay vì “coi thường nhau”, vợ chồng hãy nhìn nhau một cách bao dung hơn để cho nhau những lời góp ý, động viên nhau sửa đổi. Việc “cải tạo” nhau là để mỗi người hoàn thiện hơn, để cuộc sống chung dễ chịu hơn và đặc biệt là trở thành cặp cha mẹ gương mẫu hơn trước con cái. Vì vậy, điều tối kỵ là chê bai, chỉ trích, hạ thấp nhân phẩm hoặc xúc phạm đến lòng tự trọng, danh dự cá nhân và gia đình của bạn đời.

“Muốn được quyết định một cách thật sự, bản thân người phụ nữ phải tập cho mình sự tự chủ tương đối. Bởi sự chủ động ấy giống như một “tấm áo”, một vẻ bề ngoài khiến bất cứ ai khi dành ánh nhìn đầu tiên đều phải mặc nhiên chấp nhận rằng, à, cô ấy có đủ tự tin để giữ vai trò quyết định”, ông nói thêm.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.