Thuận vợ, thuận chồng - bí quyết tạo bình đẳng trong gia đình

Chia sẻ

Từ xưa đến nay, quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn thường được đưa ra để phân chia vai trò của chồng/vợ trong gia đình.

Tuy nhiên, ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi chất lượng cuộc sống cũng phải cao hơn, khái niệm về vai trò của người chồng, người vợ trong gia đình cũng ít nhiều thay đổi. Nhiều phụ nữ đã thay chồng làm trụ cột kinh tế, còn chồng lại đứng sau hỗ trợ vợ vun vén việc nhà, chăm sóc con.

Khi vợ là… trụ cột kinh tế

Trong gia đình anh Trí (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), vợ anh – chị Hoà thu nhập cao hơn gấp nhiều lần chồng. Công việc của chị Hoà vì thế cũng bận rộn hơn nhiều. Anh Trí làm công chức, lương tháng chỉ dao động từ 5-7 triệu đồng, còn chị Hoà là giám đốc một công ty tư nhân, thu nhập không dưới 50-70 triệu đồng/tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian chị Hoà dành cho công việc cũng nhiều hơn chồng. Không phàn nàn, trách móc, anh Trí thay vợ nhận nhiệm vụ đưa đón con, dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, cơm nước, giặt giũ, tắm rửa, ăn uống... Khi chị Hoà trở về thì cũng là lúc mọi công việc nhà đã hoàn tất. Các con đã được bố chăm chút thơm tho, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Mấy bố con vui mừng đón mẹ về để cùng vào bữa tối nóng sốt đợi sẵn.

Vợ chồng “đổi vai” cho nhau, nhưng anh Trí chưa bao giờ coi mình “thấp bé” hơn vợ. Anh vừa tạo điều kiện vừa cố gắng sắp xếp để vợ yên tâm phấn đấu cho sự nghiệp. Anh cười: “Trong gia đình, mỗi người đều có một sự lựa chọn và phân vai để gia đình được hạnh phúc. Vợ chồng chúng tôi chấp nhận và cảm thấy hài lòng với sự phân vai ấy để các con được sống vui vẻ” – anh Trí nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dù làm “trụ cột tài chính” nhưng trong ứng xử, nhiều người vợ vẫn luôn “nâng tầm” chồng trong gia đình. Như chị Tuyên (Hoàng Mai, Hà Nội), mặc dù bản thân thu nhập cao hơn chồng, nhưng chị và các con luôn mặc định bố là trụ cột gia đình. Chị làm marketing cho một công ty nước ngoài, thu nhập tính hàng nghìn đô một tháng. Chồng chị là giảng viên đại học, lại thích cuộc sống điềm tĩnh, nghiên cứu hơn là hoạt động sôi nổi, đi lại nay đây mai đó như vợ. Mặc dù là “trụ cột tài chính” trong nhà, thu nhập cao hơn chồng, nhưng sau mỗi chuyến công tác, chị lại về nhà, gạt bỏ công việc để chuẩn bị cho gia đình những bữa ăn hợp khẩu vị. Trong gia đình, chị và các con vẫn coi chồng chị là “người trụ cột” để dựa vào, bởi anh có tiếng nói nhất. Nề nếp trong nhà được thực hiện bằng các “chỉ thị ngầm” là cách ứng xử chuẩn mực của người bố. “Chồng tôi có sự điềm đạm, gương mẫu cần thiết để nuôi dạy các con. Mỗi lần các con tranh luận điều gì đó, bố luôn là người đứng ra hoà giải” – chị Tuyên cho biết.

Vợ chồng hãy là chỗ dựa tinh thần của nhau

Ở mỗi gia đình, vợ chồng thường phân công công việc cho nhau. Mỗi người giữ một vai trò, trách nhiệm nhất định để “bánh xe gia đình” được quay đều đặn theo quỹ đạo của nó. Khi người chồng kiếm tiền về nuôi gia đình, người vợ ở nhà tề gia, nội trợ, dù không kiếm tiền, nhưng vai trò của người vợ cũng rất quan trọng. Người vợ vừa vun vén việc nhà, nuôi dạy chăm sóc con cái, tạo ra các giá trị tinh thần, đạo đức, văn hoá khác trong gia đình. Phụ nữ có quyền được tôn trọng, được ghi nhận từ chồng và các thành viên khác. Tuy nhiên, không ít người lại bị chồng đối xử bất công, phán xét, chê bai, ruồng rẫy… Có nhiều người vợ kiếm được nhiều tiền, nhưng tự cho mình quyền coi thường, dè bỉu chồng thua kém hơn mình, dẫn đến gia đình rơi vào bi kịch…

Khảo sát mô hình của nhiều gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy, phần lớn vợ là người giữ tiền để chi cho những hoạt động sinh hoạt thường ngày, nhưng quyết định lớn trong gia đình như mua sắm tài sản đắt tiền, tổ chức đám cưới, xây sửa nhà cửa… vẫn thuộc về người chồng. Người phụ nữ vẫn chưa có tiếng nói quyết định trong các vấn đề kinh tế của gia đình, chưa kể đến tỷ lệ những người phụ nữ không được quản lý kinh tế, phụ thuộc hoàn toàn vào những quyết định liên quan đến kinh tế trong mỗi gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bên cạnh hoạt động sản xuất để đóng góp kinh tế vào ngân sách chung của gia đình, việc quản lý ngân sách chung cũng rất quan trọng. Theo kết quả nghiên cứu của Học viện Phụ nữ Việt Nam, gần một nửa số phụ nữ được hỏi (46,9%) khẳng định người vợ là người quản lý thu nhập trong gia đình và 40,7% cho rằng người vợ cùng với chồng quản lý thu nhập. Điều đó cho thấy, trong gia đình Việt Nam hiện nay, dù không tuyệt đối có sự phân chia lĩnh vực ảnh hưởng của hai giới nhưng người phụ nữ trong gia đình vẫn chưa có tiếng nói quyết định với các vấn đề kinh tế của gia đình.

Theo Ths tâm lý Phan Thị Cẩm Giang - Học viện Phụ nữ Việt Nam, là người lo liệu việc sắm sửa, mua những vật dùng cần thiết cho gia đình, nhưng nếu cần tiền mà phải hỏi ý kiến chồng hay xin tiền chồng sẽ khiến chị em mất đi cảm giác an toàn và tự tin.

Bên cạnh đó, có đến 23,3% lao động nữ làm công việc gia đình không hưởng lương vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả lý do người phụ nữ chọn chăm sóc gia đình theo ý muốn của người chồng. Nếu nam giới đã không muốn vợ chung tay kiếm tiền, mà ngay cả việc giữ tiền, cũng giành với vợ, thì quan hệ vợ chồng sẽ mất đi sự bình đẳng, luôn có sự phân công thứ bậc người làm ra tiền – người phụ thuộc, ăn bám, vô cùng bất lợi cho hạnh phúc gia đình và sự hòa hợp lâu dài.
Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, phụ nữ có nhiều cơ hội phát triển và thăng tiến. Họ vừa là lãnh đạo công ty vừa là trụ cột gia đình. Do đó, nếu trong gia đình vẫn còn quan niệm “đàn ông kiếm tiền”, “phụ nữ gánh vác việc nhà” thì sẽ tạo áp lực cho cả chồng và vợ. Ai có năng lực ra ngoài kiếm tiền tốt hơn thì người còn lại có thể đảm nhận việc nhà nhiều hơn. Việc nhà tuy không tạo ra của cải nhưng lại tạo ra các giá trị khác lớn hơn trong gia đình. Vợ chồng cùng nhau chăm sóc gia đình sẽ tạo ra sự gắn kết, nâng đỡ tinh thần của các thành viên. Phụ nữ hay nam giới “lùi” về chăm sóc gia đình đều không phải là “ăn bám”, mà điều quan trọng là cả hai cùng bàn bạc, thống nhất, chia sẻ và thấu hiểu cho nhau.

Năm 2021, trong khuôn khổ Đề án 938 của Chính phủ về phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề phòng chống bạo lực trên cơ sở giới là nội dung trọng tâm tổ chức thực hiện tuyên truyền vận động và hỗ trợ phụ nữ. Đặc biệt tự chủ về tài chính được xác định là tiền đề quan trọng để đảm bảo yếu tố bình đẳng. Khi được trao quyền kinh tế trong gia đình, người phụ nữ sẽ được nâng cao địa vị, hình thành sự bình đẳng trong chức năng kinh tế, góp phần tạo dựng sự bình đẳng trong gia đình ở các khía cạnh khác.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.