Vì sao người tiểu đường thường mất cảm giác ở chân?

Chia sẻ

Sự suy giảm hoặc mất cảm giác ở chân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, ở bệnh nhân đái tháo đường thì nguyên nhân thường gặp nhất là do tổn thương thần kinh, cụ thể là các dây thần kinh ngoại vi.

Triệu chứng thường thấy

Người bệnh thường có các triệu chứng như: tê bì, mất cảm giác, kiến bò, kim châm, ngứa ran cho đến nóng rát hoặc đau, cảm giác những cái chạm nhẹ đã gây khó chịu hoặc đau.

Các triệu chứng thường nặng hơn khi nghỉ ngơi hoặc vào ban đêm, thường khởi phát ở ngón chân, đối xứng hai bên. Đồng thời có thể lây lan chậm lên phía trên, cho đến khi tăng đến giữa bắp chân hoặc đầu gối mới bắt đầu có triệu chứng ở đầu ngón tay.

Mức độ nguy hiểm

Tổn thương thần kinh ngoại vi do đái tháo đường khiến người bệnh không cảm thấy đau ở chân nên có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, thông thường, mọi người đều cảm thấy đau khi có vết thương ở chân để nhận biết rằng cần phải điều trị. Nhưng người bị tổn thương thần kinh ngoại vi không cảm thấy bất kì cảm giác đau nào, thậm chí không biết rằng có vết thương ở chân. Vì vậy những vết thương này có thể bị nhiễm trùng hoặc lở loét do không được điều trị kịp thời.

Tương tự như vậy, đồng thời sự tổn thương thần kinh ngoại vi có thể dẫn đến các vấn đề về xương, cơ và khớp bàn chân, gây biến dạng bàn chân, gãy xương và té ngã.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cách phát hiện sớm tổn thương

Tổn thương thần kinh ngoại vi do đái tháo đường thường tiến triển chậm và khởi phát âm thầm nên đôi khi người bệnh không thể phát hiện ra được. Các đối tượng cần thăm khám và tầm soát để phát hiện sớm biến chứng này bao gồm:

Người bệnh đái tháo đường: nên được tầm soát tổn thương thần kinh ngoại vi tại thời điểm chẩn đoán đái tháo đường type 2 và 5 năm sau khi chẩn đoán đối với đái tháo đường type 1.

Người bệnh tiền đái tháo đường: có các triệu chứng thần kinh ngoại vi cũng cần được tầm soát.

Nếu đã được tầm soát ban đầu không có tổn thương thần kinh ngoại vi, tất cả người bệnh đái tháo đường nên được kiểm tra lại 1 năm/lần về sự phát triển của bệnh.

Cách phòng ngừa

Các yếu tố nguy cơ gây tổn thương thần kinh ngoại vi do đái tháo đường bao gồm đường máu cao kéo dài, hội chứng chuyển hóa (béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp), hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia.

Người bệnh nên được quản lý tốt các vấn đề sau để làm chậm sự tiến triển của tổn thương và phòng ngừa các biến chứng:

Kiểm soát đường huyết và yếu tố nguy cơ: Người bệnh nên tuân thủ phác đồ của bác sĩ, có chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp. Đồng thời tái khám thường xuyên để điều chỉnh đường huyết, mỡ máu, huyết áp, kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc lá và rượu bia.

Chăm sóc bàn chân: Bạn nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện sớm các tổn thương, rửa chân bằng nước ấm và xà phòng, lau khô, bôi kem dưỡng ẩm khi cần. Cắt móng chân cẩn thận, không cắt quá sâu. Không đi chân đất, mang tất và giày vừa vặn, kiểm tra bên trong giày trước khi mang.

Phòng tránh nguy cơ gây té ngã: Chẳng hạn như trơn trượt (đặc biệt trong nhà tắm) hay trong lúc tập thể thao.

Bổ sung vitamin B12: Người bệnh đái tháo đường thường được kê dùng Metformin, gây giảm hấp thu Vitamin B12 ở ruột. Việc thiếu vitamin B12 có thể làm các triệu chứng nặng thêm. Do đó người bệnh dùng Metformin kéo dài nên được làm xét nghiệm Vitamin B12 để bổ sung kịp thời.

Phương pháp để giảm đau bàn chân

Khoảng 15 – 20% người bệnh tổn thương thần kinh ngoại vi do đái tháo đường bị đau ở bàn chân, với triệu chứng bỏng rát hoặc đau như dao đâm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù tổn thương thần kinh ngoại vi là không thể chữa khỏi nhưng có các phương pháp có thể làm giảm triệu chứng đau, bao gồm:
Sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ: thuốc chống trầm cảm như Duloxetine, venlafaxine, amitriptyline hoặc thuốc chống động kinh như pregabalin, gabapentin, acid alpha lipoic…

Liệu pháp điều trị tại chỗ/không dùng thuốc: kem capsaicin, miếng dán lidocaine, kích thích điện thần kinh, châm cứu.

BS. TRẦN ĐÌNH TRỌNG
(Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.