Trăn trở tìm hướng “níu chân” nghệ sĩ mùa dịch

Chia sẻ

Hàng loạt show diễn phải hoãn, huỷ do Covid-19 liên tục bùng phát với những diễn biến hết sức khó lường đã gây ra không ít thiệt hại cho các nhà hát cũng như nghệ sĩ. Để có thể trang trải cuộc sống, nhiều nghệ sĩ đã phải xoay sở bằng các nghề khác nhau như bán hàng online, chạy ship hàng…

Các nghệ sĩ mong mỏi trở lại những ngày sân khấu sáng đèn (Ảnh minh họa nguồn INT)Các nghệ sĩ mong mỏi trở lại những ngày sân khấu sáng đèn (Ảnh minh họa nguồn INT)

Mối lo nghệ sĩ bỏ nghề

Nhận nhiệm vụ Giám đốc nhà hát Cải lương Việt Nam từ tháng 9/2019, NSND Triệu Trung Kiên cho biết phần lớn thời gian ông phải đối diện với những khó khăn mà dịch bệnh mang lại. “Vốn đã kén người xem, đời sống của các nghệ sĩ cải lương giờ đây càng thêm khó khăn hơn khi hoạt động biểu diễn phải dừng lại hoàn toàn. Kinh phí của nhà hát chỉ còn đủ để nuôi nghệ sĩ trong vòng 9 tháng tới nếu tình hình không khả quan hơn”- ông chia sẻ.

Tình cảnh của nhà hát Chèo Việt Nam cũng tương tự. Theo kế hoạch, sẽ có 8 chương trình bảo tồn nghệ thuật chèo, 7 chương trình ghi hình cho truyền hình và tổ chức ghi âm các làn điệu chèo cổ do các nghệ nhân trình bày được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp dịch bệnh, kế hoạch này đang bị bỏ dở. Nghệ sĩ Thanh Ngoan, Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam lo lắng: “Không có nguồn thu từ các chương trình biểu diễn nghĩa là nghệ sĩ không có thu nhập. Hiện nay, chúng tôi đang rất lo sẽ có nhiều nghệ sĩ bỏ nghề”.

Cùng chung nỗi lo này, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói: “Tôi rất lo lắng cho lực lượng nghệ sĩ hợp đồng. Hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã ký hợp đồng lao động với 60 diễn viên trẻ bằng nguồn tự thu của đơn vị. Họ là lực lượng nòng cốt, là nhân tố chủ lực để tạo sức bật, cũng như sức sống mới cho các tiết mục và các chương trình biểu diễn”.

Được biết, thu nhập của các nghệ sĩ được hưởng biên chế là rất thấp, điển hình là nghệ sĩ chèo và tuồng. Do là ngành đào tạo của hai bộ môn này chỉ nằm ở hệ trung cấp. Do đó, khi ra trường, lương của họ chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Hiện nay với tình hình dịch bệnh, các đơn vị không có nguồn thu, không trang trải được lương cho các nghệ sĩ nên chuyện bỏ nghề là dễ hiểu.

Gian nan tìm hướng đi mới trong mùa dịch

Trước mối lo cơm áo gạo tiền trong thời gian nghỉ diễn, nhiều nghệ sĩ đã phải làm các nghề khác nhau như bán hàng online, làm ship hàng…

Cặp vợ chồng nổi tiếng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thường được biết đến với tiết mục dây da đôi là chị Dương Quyên và anh Lê Minh Sinh đã phải mở một shop nhỏ bán hàng online để có thêm thu nhập. Chị Quyên còn dạy thêm bộ môn yoga bay cho chị em phụ nữ bằng hình thức trực tuyến nhằm tìm một hướng đi mới cho cuộc sống hiện tại.

Một cặp vợ chồng khác cũng thuộc Liên đoàn Xiếc là nghệ sĩ Nguyễn Thùy Dương và Hoàng Đức Thắng. Hàng ngày, ngoài việc tập luyện cùng đồng nghiệp, chị Dương làm đồ ăn bán online còn anh Thắng dù nắng hay mưa cũng rất chịu khó giúp vợ đi ship hàng kiếm thêm.

Những tên tuổi lừng lẫy như nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long cũng bắt đầu công việc bán hàng online từ đợt dịch đầu tiên.

Nghề tay trái chỉ có thể tạm thời giúp nghệ sĩ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hầu hết nghệ sĩ đều mong muốn có một giải pháp căn cơ, dài hơn hơn cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam như đề xuất gói hỗ trợ tạm thời, miễn giảm thuế phí cho các doanh nghiệp biểu diễn, thay đổi cơ chế tự thu, đề án phát triển nhà hát online…

Đồng cảm với nỗi lo này, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam khẳng định vai trò của người làm quản lý càng cần phải được thể hiện rõ hơn bao giờ hết trong lúc khó khăn. Một trong những nỗ lực mà nhà hát Kịch Việt Nam đang thực hiện đó là trợ cấp khoản tiền từ 1,5-2 triệu đồng/tháng tùy hoàn cảnh nhằm giữ chân nghệ sĩ. Ngoài ra, việc xây dựng hai kênh truyền thông mới trên nền tảng TikTok và YouTube cũng là phương án được nhà hát Kịch Việt Nam tính đến để gỡ khó trong mùa dịch.

Trước những trăn trở và đề xuất của các nghệ sĩ, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề xuất các nhà hát có thể hợp tác với các đài truyền hình để tổ chức ghi hình một số vở diễn chất lượng nhằm phục vụ khán giả tại nhà, như vậy nghệ sĩ vừa được diễn, lại có thêm thu nhập. Lúc này là lúc các nhà hát, các nghệ sĩ cần nỗ lực hết sức tìm hướng đi chung, hướng đi riêng để giải quyết khó khăn, giữ vững tình yêu nghề nghiệp.

 Đỗ Hữu

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.