Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đổi thay toàn diện ở vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hơn 15 năm nay, trong các Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội các nhiệm kỳ đều đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về công tác dân tộc, và tạo nên bước chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo ở các vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô.

Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết một vài nét về đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội hiện nay và kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 của Thủ đô Hà Nội trong năm 2023?

Đổi thay toàn diện ở vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô - ảnh 1
Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân 

Ông Nguyễn Nguyên Quân: Trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 108 nghìn người DTTS thuộc 50/53 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Đồng bào các DTTS sống quần cư tại 13 xã và 1 thôn ở 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức), dân số trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS trong toàn Thành phố. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%; còn lại là các DTTS khác.

Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt gần 11%, thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng, đến nay đạt 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm (năm 2008 là 7 triệu đồng/ người/năm), tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng DTTS giảm còn 0,72% (tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 trên 20%); 100% xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở các xã có đồng bào DTTS sống đã được đầu tư, nâng cấp, 100% số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% số xã có đài truyền thanh và phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình…

Những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đạt được kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ban Dân tộc Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND Thành phố về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 (2021-2025) đã đề ra 9 nội dung thực hiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.

Tổng mức vốn đầu tư chương trình, dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng. Đến nay, Thành phố đã bố trí 1.172,065 tỷ đồng

Năm 2023, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 114,530 tỷ đồng, luỹ kế đến nay là 1.050,23 tỷ đồng cho 95 dự án.

Các dự án đã bố trí vốn được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo được tiến độ theo yêu cầu, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đến nay đã có 52/95 dự án hoàn thành đã đưa vào sử dụng; 15 dự án cơ bản hoàn thành chuẩn bị bàn giao;13 dự án chuyển tiếp đang tổ chức thi công; 15 dự án phân bổ vốn năm 2023 các huyện đang tích cực thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô toàn diện, bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào vùng DTTS, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chỉ còn 0,72%, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh đạt từ 55 đến 66 triệu đầu người/năm, 13/13 xã vùng đồng bào DTTS đã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS từng bước được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị.

Phóng viên: Được biết, các chương trình, chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng với các hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng kiến thức, đặc biệt là quan tâm đến người uy tín ở các địa phương. Thành phố đã có những hoạt động gì để động viên người có uy tín phát huy tốt hơn trách nhiệm và vai trò của mình tại địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Nguyên Quân: Ban Dân tộc Thành phố đã quán triệt, thực hiện hiệu quả chủ đề của năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” triển khai thực hiện kip thời, đầy đủ các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội.

Ban đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt, bầu bổ sung, thay thế và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2023 đảm bảo đúng đối tượng, quy định pháp luật. Tổ chức thăm hỏi, tặng 129 suất quà trị giá 500.000đ/1người/1suất cho người có uy tín nhân dịp tết nguyên đán năm 2023.

Tổ chức tập huấn và đưa Đoàn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh Miền Trung đảm bảo an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

 

Thực hiện Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về chính sách hỗ trợ hàng tháng đối với người có uy tín, trong năm 2023 UBND các huyện vùng DTTS đã chi hỗ trợ với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ hàng tháng thể hiện sự quan tâm của Thành phố, phần nào khắc phục những khó khăn, động viên người có uy tín phát huy tốt hơn trách nhiệm và vai trò của mình tại địa phương.

Thực hiện Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 15/5/2020 của UBND Thành phố về việc thực hiện Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025, Ban Dân tộc Thành phố đã tổ chức 13 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc (đối tượng 3 và 4) cho trên 1000 học viên là cán bộ, công chức của các sở, ngành, quận, huyện, đảm bảo nội dung, chương trình theo quy định.

Năm 2023, Ban đã phối hợp với các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ tổ chức 13 lớp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho trên 3.000 đại biểu, các đối tượng là cán bộ làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở, đại diện lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, các đoàn thể, cán bộ chủ chốt và người DTTS tiêu biểu ở các xã vùng DTTS của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Ban đã tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cho hơn 2.000 đại biểu; 7 hội nghị về Bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho gần 2.000 đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc, trưởng các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng chi hội Nông dân, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ, bí thư chi đoàn Thanh niên và hội viên hội phụ nữ ở các thôn và cụm dân cư.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đáng kể trên, các trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hà Nội có gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

 Ông Nguyễn Nguyên Quân: Các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 được đẩy mạnh, thường xuyên rà soát, tham mưu đề xuất bổ sung, cập nhật phù hợp thực tế tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho các ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội tại các huyện vùng DTTS và miền núi của Thành phố. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn Thành phố đảm bảo ổn định, giữ vững.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số dự án, đề án, nội dung thuộc nguồn vốn sự nghiệp của một số đơn vị, địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Công tác phối hợp thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo về thời gian và chất lượng. Việc xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dự liệu công tác dân tộc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ triển khai chậm so yêu cầu.

 

Nguyên nhân của tồn tại trên là do một số dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chưa đảm bảo tiến độ do chưa đủ các văn bản của các bộ, ngành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá để triển khai thực hiện. Số lượng công chức làm công tác dân tộc cấp huyện còn hạn chế, kiêm nhiệm, khi triển khai thực hiện nhiệm vụ có việc còn thiếu tập trung.

Phóng viên: Ông có những kiến nghị, đề xuất với thành phố và Ủy ban dân tộc như thế nào để tháo gỡ khó khăn trên? Những mục tiêu trong năm 2024 và các năm tiếp theo để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ở Hà Nội?

Ông Nguyễn Nguyên Quân: Ban Dân tộc thành phố đề nghị UBND Thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 để đảm bảo sớm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Kế hoạch đề ra.

Đồng thời, đề nghị HĐND Thành phố tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa vùng đồng bào DTTS; tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành, đồng thời, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

 

Mục tiêu khác là giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chỉ đạo của Trung ương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư thực hiện Chương trình là 2.144,523 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng (cho 121 dự án); vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng (ngoài ra còn có các chương trình lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới).

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục

Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư

Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư

(PNTĐ) - Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc Bộ Chính trị đã quyết định phân công đồng chí Đại tướng Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư.
Kiều bào quyên góp ủng hộ các tiểu thương bị hỏa hoạn

Kiều bào quyên góp ủng hộ các tiểu thương bị hỏa hoạn

(PNTĐ) - Sau khi vụ cháy tại xảy ra tại Trung tâm Thương mại Marywilska, cộng đồng người Việt tại Ba Lan và các nước lân cận đã chia sẻ sâu sắc, động viên kịp thời đến bà con gặp nạn. Tính đến ngày 14/5, số tiền quyên góp ủng hộ tiểu thương bị hỏa hoạn tương đương khoảng 6,5 tỷ VNĐ.
 Hội LHPN Hà Nội chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024

Hội LHPN Hà Nội chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024

(PNTĐ) - Nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024, thay mặt lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, chiều 16/5, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đã đến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tại chùa Bà Đá. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp đoàn.