Phụ nữ đừng chọn mạng xã hội làm chỗ dựa tinh thần

Chia sẻ

Thú thật, cả trong và sau mỗi trận đấu có đội tuyển bóng đá Việt Nam, thậm chí là ở các giải World cup, Euro… khi lướt mạng xã hội facebook, người viết giật mình vì thấy chị em là những người bày tỏ thái độ nhiều nhất.

Từ cảm xúc yêu quý đội nhà, yêu quý một thần tượng bóng đá đến bức xúc tẩy chay, la ó hành động phi thể thao nào đó hay lên án trọng tài, đả kích đội bạn… với một mật độ status bao giờ cũng lấn át cả cánh mày râu.

Nhưng ngẫm ra, điều đó cũng đâu có gì lạ. Hàng ngày, nếu chúng ta để ý sẽ có rất nhiều phụ nữ lên mạng xã hội facebook, zalo để bày tỏ thái độ về công việc, xã hội và đặc biệt là cuộc sống gia đình. Người xưa từng nói: “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, nhưng giờ đây, chỉ cần theo dõi trang cá nhân của một cô nàng là biết ngay tổ ấm của họ có thật sự “ấm” hay không…

Sáng thứ hai đầu tuần, vừa đến cơ quan, tôi đã nghe sếp gọi vào phòng, kèm với đó là một bài thuyết trình đến “không kịp vuốt mặt”: “Này, cậu xem lại cách cậu quản lý cán bộ của mình nhé”. Thật sự, cuối tuần tôi thường bận rộn, cũng chả có thời gian theo dõi mạng xã hội, thế nên khi nghe sếp nói, tôi cũng ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Thấy vậy sếp tôi bồi thêm:

- Đấy, cô vợ cậu D đã tung hê hết lên mạng xã hội thì tôi mới biết chứ. Nào là tin nhắn của cậu D với bạn gái, rồi hình ảnh ăn chơi đàn đúm, rồi đủ thứ. Cậu làm gì mà không nắm được tâm tư, tình cảm của cán bộ dưới quyền? Để thế này, mất mặt cả cơ quan mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi giật mình, vội lên facebook tìm vào trang cô vợ của cậu D thì quả đúng như vậy. Hoá ra, lời trách móc của sếp tôi là hoàn toàn đúng. Trên trang cá nhân của cô ta “bày” la liệt những chuyện gia đình như thể muốn cho cả thế giới được biết. Nào là “bóc phốt” chồng, nào là than vãn chuyện mẹ chồng, bố chồng, nào mỉa mai, cạnh khoé bằng rất nhiều “thủ pháp”.

Có lẽ, vợ của cậu D là một trong số các tín đồ sùng bái mạng xã hội. Hay nói đúng hơn, đó là những người chọn dư luận làm chỗ dựa tinh thần. Họ viết ra các tus, caption đó để ngóng đợi các bình luận đồng tình, tán thưởng để được hả hê, được tận hưởng cảm giác có người ủng hộ, thương cảm, tung hê cho mọi người hiểu nỗi khổ của mình. Họ coi bạn bè trên mạng xã hội là gia đình, anh em, họ hàng, đồng minh trong cuộc đấu tranh này.

Ngẫm ra, từ lúc có sự xuất hiện ồ ạt của mạng xã hội, chúng ta được kết nối và chia sẻ. Từ những kỹ năng sống, tình huống trong cuộc sống đến các thủ tục pháp lý, những khó khăn vướng mắc… đều tìm thấy sự động viên, an ủi, tư vấn, mách bảo của “cư dân mạng”. Nói không quá lời, mạng xã hội là thế giới đa dạng, phong phú của những tương tác hữu hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng bộc lộ những nguy cơ mà nếu người dùng không biết tiết chế, không biết kiềm chế cảm xúc thì rất dễ trở thành con dao hai lưỡi làm chính chúng ta bị thương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với sức lan toả của mạng xã hội, một tin tức, hình ảnh của cá nhân sẽ nhanh chóng trở thành câu chuyện làm quà, thành “mồi nhắm” cho các “bợm” chém gió, like dạo. Ở bình luận này, họ tỏ ra thương cảm, bức xúc thay cho chủ trang, nhưng chỉ ngay lúc đó, ở nhóm chat kia, họ bắt đầu làm “truyền thông” mạnh mẽ bằng sự thêm bớt của thứ thói quen “ngồi lê đôi mách”. Họ móc mói từ tên tuổi, lai lịch, nghề nghiệp đến gia đình, vợ con, đồng nghiệp…

Vậy là, chuyện nhà cửa của một ai đó trở thành cái chợ để người ta bàn luận, trách móc, trở thành một thứ “điển tích” để hàng ngày mỉa mai, giễu nhại. Suy cho cùng, trên mạng xã hội chẳng mấy người thực lòng cảm thông, vỗ về thương xót mà chỉ nói cho vui miệng.

Và đương nhiên, cậu D trong câu chuyện của tôi đã có phản ứng gay gắt trước hành động ấy. Cậu ta cho rằng cô vợ đã “bóc mẽ” mình và khi đã không còn giữ danh dự cho nhau thì chẳng việc gì phải giữ gìn, chẳng còn chút tình cảm nào để hàn gắn. Lạ nỗi là sau cả khi được bố mẹ, anh chị em trong gia đình khuyên bảo nên “đóng cửa bảo nhau” rồi “xấu chàng thì hổ ai” thì cô vợ của D vẫn không bỏ thói quen lu loa trên mạng xã hội như thế. Cô ta vẫn tin ở quyết định chơi tới cùng của mình. Sự việc càng ngày càng trở nên nghiêm trọng dẫn đến cuộc ly hôn chóng vánh, những đứa trẻ ngơ ngác nhìn bố mẹ trong phiên toà. Điều đó khiến ai cũng cảm thấy ái ngại.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng, mọi chuyện cũng xuất phát từ việc D là người đàn ông trăng hoa, thiếu trách nhiệm với gia đình đến mức nào thì người vợ mới phải làm thế. Nếu như anh ta biết dừng lại ở những giới hạn, nghĩ đến con trẻ và kiềm chế thú vui, dục vọng của mình thì người vợ sẽ khó có lý do để bóc mẽ bộ mặt thật của anh ta trước xã hội. Người phụ nữ trong câu chuyện tôi vừa nhắc đến vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng thương. Giữa áp lực cuộc sống, trong sự thất vọng và mệt mỏi, chị đã sai lầm, ngộ nhận, tìm đến những điểm tựa từ dư luận cộng đồng để rồi vẫn là người thất bại, là người thiệt thòi nhất. Nếu như, những người phụ nữ biết khéo léo vun vén, biết bảo ban chồng mình, dù anh ta đã lầm lạc, sa ngã nhưng nghĩ đến tương lai, dành cho anh ta một đường lui, hối cải để quay về với vợ con thì tốt biết bao.

Thiết nghĩ, hôn nhân không hẳn là một con đường trải hoa hồng, sóng gió và thử thách không buông tha bất cứ cặp uyên ương nào. Chỉ khi cả hai đều biết suy nghĩ, biết bao dung, tha thứ mới có thể giữ được hạnh phúc gia đình. Dù khó khăn, thử thách đến đâu, dù rơi vào khó khăn nào, người phụ nữ cũng cần tỉnh táo, biết giữ cho gia đình, biết nhẹ nhàng khuyên bảo thì mọi chuyện sẽ không đi quá giới hạn.

Người phụ nữ hãy coi mạng xã hội là ô cửa sổ để nhìn ra thế giới, để giao tiếp nhưng xin đừng chọn nơi đó làm chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống hôn nhân của mình. Bởi, gia đình luôn là nơi nhân ái, bao dung khi mọi thành viên đều cư xử với nhau bằng cái tình.

KIẾN VĂN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.