Đoàn viên sau đại dịch

Chia sẻ

Về nhà – chỉ vì đại dịch, mà trở thành một phần thưởng vô giá, để mỗi đứa con xa quê cứ ngóng mãi, mong mãi trong những ngày Tết đã cận kề.

Lớn lên để… trở về

9 tháng sống và làm việc tại TP.HCM vừa qua của Đặng Hoàng Trang (biên tập viên tạp chí điện tử) đọng lại bằng rất nhiều câu chuyện đáng nhớ. Nhưng chung quy lại, cô bạn vẫn cho rằng, mình được nhiều hơn mất, dù đã trải qua rất nhiều cảm xúc từ tích cực đến tiêu cực, cho đến cả những tủi thân của một đứa con sống xa nhà, ngay giữa lòng đại dịch.

Những ngày này, Hoàng Trang đang chuẩn bị dần hành lý để chờ ngày về nhà ăn Tết. “Mình náo nức lắm rồi, đã quá lâu không được về nhà, ngủ trên chiếc giường quen thuộc, ăn đồ ăn mẹ nấu, chơi với những người hàng xóm chất phác và tận hưởng cuộc sống thanh bình”. Có lẽ, những gì đã trải qua khiến Trang càng thấm thía hơn sự ấm áp của gia đình…

“2 tuần mắc Covid-19, 1 tháng sốt xuất huyết, 3 tháng mất ngủ, 6 tháng sống giữa tâm dịch” là đúc kết lại 9 tháng vừa qua của Trang ở TP.HCM. Bệnh tật có thể không làm cô gục ngã, nhưng phải chịu đựng đau ốm một mình mới là cảm giác khiến bất cứ ai cũng có thể yếu lòng. “Khi vào viện 1 mình, ngồi trên xe lăn, bác sĩ hỏi mình:

- Ủa em nhập viện 1 mình hả? Người nhà em đâu?

- Dạ, em không có người nhà (ở đây) - giây phút đó, dù không đủ sức để nói tiếp, nhưng mình đã rơi nước mắt...”, Trang nhớ lại.

Nhưng càng nhận ra mình đang yếu đuối, Trang càng phải tự vực dậy bản thân mình. “Có lẽ vì thế mà mình cảm nhận mình đang được nhiều hơn mất. Những ngày tháng TP.HCM hỗn loạn vì dịch bệnh, may mắn thay mình vẫn được nhìn thấy gương mặt, nụ cười của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và người thân mỗi ngày. Biết rằng họ còn khoẻ mạnh và bình an, yên tâm rằng họ vẫn biết tự bảo vệ sức khoẻ hằng ngày. Mình được làm việc, được nhận lương, được gặp gỡ làm quen với những đối tác mới, được cống hiến giữa mùa dịch.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dù biết điều này đã lâu nhưng sau 9 tháng vào TP.HCM, mình mới được trải nghiệm thế nào là “có hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Mình được sếp và các anh chị đồng nghiệp yêu thương, được bạn bè quan tâm chăm sóc, từng bát cháo, tô canh hầm tự tay nấu gửi vào viện, những giỏ hoa quả bồi bổ dưỡng sức, những cuộc gọi, dòng tin nhắn, món quà từ Hà Nội động viên sớm lành bệnh.

Cũng bởi vì những ngày đau ốm đó, mình mới nhớ lại những con người ngày trước, luôn luôn kề cạnh, sẵn sàng ở bên mình mỗi lúc khó khăn, hoạn nạn. Đã lâu rồi không liên lạc, mình nghĩ đây là lúc để tìm về, không chỉ để xin lỗi vì những chuyện đã qua, mà là vì biết ơn.

Và cũng bởi vì trải qua 9 tháng với nhiều thăng trầm. Mình nhận ra đâu mới là người mà mình có thể nương tựa, yên tâm mà dựa dẫm. Đi qua 1 năm, mình đã luôn hết lòng, thế nên khi dừng lại mình cũng không còn gì để nuối tiếc. Và mình tin rằng những điều tốt đẹp và xứng đáng nhất đang chờ mình ở phía trước. Thật vui vì tất cả chúng ta đã cùng đến, cùng đi và cùng vượt qua 2021 một cách tuyệt vời nhất. Trân trọng và biết ơn!”.

Trang bảo rằng, giờ đây bạn mới hiểu rõ ý nghĩa thật sự của câu “Đi thật xa để trở về”, là khi trải qua nhiều sóng gió, mới thấy tình yêu thương quan trọng đến nhường nào. Vì vậy, giá trị của tình cảm gia đình càng thêm vô giá và đáng trân quý. Và giờ đây, trước ngày về nhà, cô bạn đã kịp dặn mẹ, Tết này ngoài nấu bánh chưng, làm mứt, thì phải làm cho con gái thật nhiều bồ kết để gội đầu nhé. “Ốm lâu quá khiến mình rụng tóc nhiều quá rồi. Nhưng không sao, chỉ cần được về với mẹ, là mọi điều sẽ qua hết!” - Trang cười.

Đoàn viên sau đại dịch - ảnh 2

Tết sắp đến rồi, về đi!

Những ngày đầu tiên của tháng Chạp đã bước qua nhẹ nhàng. Trong cái se se gió lạnh hanh hao lùa vào da thịt là mơn man hơi thở của đất trời giao thoa, để thấy rằng khoảnh khắc mùa xuân đến rất gần. Cũng những ngày này, công việc của Quốc (22 tuổi, nhân viên giao hàng) bận rộn hơn rất nhiều. Những đơn hàng cuối năm chất đầy trên thùng gắn sau xe máy. Quốc bảo, hầu hết đều là những đơn hàng đồ gia dụng, trang trí nhà cửa, “vì sắp Tết rồi mà, tầm này các chị em rục rịch sắm sửa lắm rồi”. Mang những niềm vui nhỏ ấy đến với khách hàng đúng hẹn, Quốc vừa vui lây, nhưng cũng khiến cảm giác nhớ nhà bất giác dội về trong lòng cậu bạn. Dù nhà không quá xa nơi làm việc, ngay ngoại thành Hà Nội thôi, nhưng cũng mấy tháng rồi Quốc chưa về nhà, vì muốn dành thêm chút thời gian, kiếm thêm chút tiền từ việc giao hàng để cuối năm được về biếu bố mẹ một khoản “nặng tay” hơn chút.

Từng là sinh viên ngành Du lịch, đã biết gắn bó, biết yêu những chuyến đi cùng du khách đến nhiều nơi của Tổ quốc, nhưng dịch bệnh ập đến, Quốc phải tạm ngừng công việc yêu thích để chuyển sang một nghề khác hợp thời hơn – shipper”. Nhà em còn nghèo, em không thể vì dịch bệnh mà nghỉ hẳn về quê được”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Càng xa quê lâu, càng bươn trải nhiều, nỗi nhớ nhà càng cháy bỏng trong lòng Quốc những ngày cuối năm này. Quốc muốn về nhà lắm rồi, bởi bố mẹ bạn chỉ tin tưởng giao việc rửa lá dong, gói bánh chưng cho cậu con trai cẩn thận nhất nhà là Quốc. “Mẹ em nói: “Bánh chưng có thơm ngon một phần lá dong phải thật sạch”. Tết năm nào em cũng ngồi nguyên một buổi sáng để tỉ mẩn rửa từng chiếc lá trong làn nước giá buốt đến khi từng chiếc lá sạch sẽ bóng loáng thì thôi. Tay cứng đờ mà thấy ấm áp lắm!”.

Rất nhiều người con xa quê, có lẽ đang cùng chung cảm giác “muốn chạy về nhà ngay” như Quốc. Đỗ Thành cũng vậy, năm nay bạn sẽ được về nhà sau 2 cái Tết đằng đẵng không thể từ nước ngoài trở về vì dịch bệnh. Bố mẹ mất sớm, Thành ở với ông bà, được ông bà nuôi nấng bằng tình cảm bình dị nhưng chứa chan, và vì thế, hương vị Tết càng in sâu trong trí nhớ của Thành. “Cứ tầm này, mình sẽ lại giúp ông chất thêm củi lên chạn bếp để dự trữ, nhất là những cây củi to và chắc được chất riêng để dành nấu bánh chưng. Còn bà thì thở phào, vì mấy luống gừng để dành đã đủ để làm mứt Tết. Các cô, các thím rất thích mứt gừng bà làm, năm nào về quê đón Tết xong cũng gói ghém phần mứt còn để mang theo vào Nam.

Nhớ sao cái khoảnh khắc mỗi lần đi học xa về, vừa bước xuống xe chưa kịp kéo áo để che gió đã thấy bà đứng ngay trước mặt, đầu bà ướt mềm vì những cơn mưa phùn rả rích, chắp miếng trầu nhai dở sang một bên rồi móm mém cười tươi: “Cháu tôi về đế́n rồi, có say xe không con!?”.

Và Thành, hai năm dài ròng rã không được về quê vì dịch bệnh, năm nay, bạn sẽ về với ông bà, với những người thân yêu nơi quê nhà để nhìn bà móm mém nhai trầu, khom mình bên bếp lửa sên mứt. “Hôm mình báo tin sẽ được về ăn Tết, ông bà vui lắm, như khỏe hẳn ra. Nhìn thấy ông bà còn vui, còn khỏe, là Tết đã về rồi”. Từ Nhật Bản xa xôi, tấm vé máy bay đã cầm chắc, đó có lẽ là sự chuẩn bị đầu tiên trong hàng chục thứ cần sắm cho ngày Tết của những người con sống xa quê như Thành.

Thời nào cũng thế, khát vọng đoàn viên trong ngày Tết luôn mạnh mẽ trong người Việt, trở thành gốc rễ bền chặt để bất cứ ai cũng tìm về. Dẫu biết nhiều người sẽ lỡ lời hẹn về một cái Tết ấm no vì bao khó khăn năm qua, nhưng không cần giàu sang, không cần vật chất, chỉ cần gia đình có nhau, là đủ. Tết này, sau gần hai năm đầy biến động vì đại dịch, vẫn sẽ có đào, có mai, có những mâm cỗ bình dị mà đủ đầy - như tình thương bao la mà gia đình luôn để dành cho những đứa con xa nhớ, để con cháu vây quanh ông bà, bố mẹ, để những giọt lệ sẽ rưng rưng vì đoàn viên!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.