Với mùa Tết mới

Chia sẻ

Trước thềm xuân mới, lòng người lại khấp khởi niềm vui. Năm qua, xuân về dẫu là quy luật của đất trời nhưng với mỗi cái Tết, chúng ta lại có những suy nghĩ và tâm thế khác. Dù ở thời đại nào tôi vẫn tin vào một điều: Tết về từ đôi bàn tay của những người phụ nữ, những người biết tạo ra sự ấm áp cho ngôi nhà của mình.

Nhớ lại ngày xưa, mới thấy các bà, các mẹ biết nhìn xa từ trong năm. Họ để mắt đến khóm lá dong, đến đôi gà sống mới nhú lông đuôi, đến vạt lúa nếp, quả bí đao, luống cải, khóm hành... qua bao ngày tháng. Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà trong khó khăn, thất bát của mùa màng, ngày Tết trong nhà vẫn có đôi gà sống thiến, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành... Sự lo toan cho những cái Tết đọng trên nếp nhăn in hằn bao năm tháng…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Càng sống và trải nghiệm, ta càng nhận ra phụ nữ là những người luôn cảm nhận và hình dung về Tết tinh tế và sâu sắc như thế nào. Với cảm quan của họ, những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc được lưu giữ bằng sự chân cảm với tình yêu cái đẹp từ bình lay ơn đỏ, cành đào, đến cách trang hoàng ngày Tết, những món ăn mang hương vị năm mới. Nhờ sự nhạy cảm của họ, Tết trở nên mới mẻ, linh hoạt hơn với từng thời điểm, từng hoàn cảnh.

Tôi cảm nhận được sau hai năm, một cái Tết bình thường mới đang về. Bình thường ở đây không có nghĩa là Tết vẫn theo kiểu “bổn cũ soạn lại”, chị em lại hối hả, bày vẽ, cầu kì. Mà dịch bệnh đã làm cuộc sống thay đổi, chẳng can cớ gì cách ăn Tết của mỗi nhà không có những đổi thay.

Điều đầu tiên mà chúng ta dễ dàng nhận ra là những ngày cuối năm này, chị em ít nhắc tới những chuyến đi trong mấy ngày đầu năm mới. Không hẳn vì họ cảm thấy lo lắng trước dịch bệnh, không hẳn vì kinh tế khó khăn phải “thắt lưng buộc bụng” mà dường như những người phụ nữ đang hướng nội. Bấy lâu nay chúng ta nhắc đến sự rạn nứt của đời sống gia đình từ xu thế hướng ngoại, ly tâm của những người vợ, người mẹ. Họ có nhiều lý do để không còn đủ thời gian bao quát công việc gia đình. Bởi, ngoài bận rộn việc cơ quan, việc kinh doanh trên thương trường họ còn phải thiết lập các mối quan hệ quan trọng. Chi gái tôi bảo: Tết nào, cũng đến Ba mươi Tết chị mới có thời gian ngó ngàng xem chị giúp việc đã sắm được gì vì còn phải lo đi Tết cơ quan cho chồng. Người vợ lo cho sự thăng tiến của chồng hơn là sự đầy đủ trong nhà vào dịp Tết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng giờ đây, chính đại dịch đã khiến những người như chị tôi nghĩ khác đi. Trước những cái chết của người dân xấu số trong đại dịch, trước nghĩa cử của những người xa lạ dành cho nhau trong khó khăn, thiếu thốn, dường như đã đánh thức ý thức về giá trị sống trong từng người phụ nữ. Có cần thiết phải bon chen, phải đánh đổi những cái Tết sum họp để rồi quên bữa cơm với mẹ, quên mua cái áo cho cha; gác lại giấc mơ cho một cây đàn piano cho con chơi bản nhạc đầu xuân… hay không? Ai cũng mong bình an, may mắn nhưng qua hoạn nạn, gian nguy mới thấy quý giá trị của gia đình. Phụ nữ không chỉ biết nghĩ cho mình mà còn tạo ra định hướng cho gia đình và điều tốt đẹp cho xã hội.

Xuân đã cận kề, nhiều người phụ nữ đang tìm cách chăm chút cho gia đình bằng những cách thức khác nhau. Sự thay đổi có thể thấy rõ ở cả hai xu hướng ăn Tết và chơi Tết. Nhiều người bảo: Tết sợ nhất là chuyện ăn. Vốn cả năm đã “ngập mặt” với tiệc tùng sinh nhật, “rửa” xe mới, “rửa ghế” lên chức, tân gia, đầy tháng… mà mấy ngày Tết vẫn phải bữa này, bữa khác, giao đãi qua lại với anh em, bạn bè nên ai cũng ngại. Những khi ấy, phụ nữ là người lên món, đặt mâm, mệt bã người và... lên cân. Tết này, họ vẫn chuẩn bị những bữa cơm đầm ấm nhưng ở phạm vi gọn hơn, với những người thật sự thân tình chứ không còn là những cuộc đàn đúm dông dài. Ăn Tết như thế mới đúng nghĩa là nhấm nháp và thưởng thức chứ đâu cần ồn ã, náo nhiệt .

Trải qua những ngày giãn cách, một lúc nào đó người phụ nữ chợt nhận ra những bộ váy áo đẹp của mình còn mới nguyên trong tủ. Họ cảm thấy ái ngại nếu như lại vội vã đi mua sắm. Chẳng lẽ cứ phải sắm mới chỉ vì mùa xuân?

Sau những làn sóng dịch bệnh bùng phát, việc giảm sút thu nhập khiến nhiều chị em có ý thức tiết kiệm chi tiêu hơn, lựa chọn những gì hợp với mình, nền nã, hài hoà. Đó là cách lựa chọn điềm đạm, khiêm nhường nhưng ai cũng cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Thay vì lựa chọn đưa cả gia đình đến những nơi đông vui, họ bắt đầu tìm đến những điểm đến tĩnh lặng như một khu homestay vắng vẻ, một làng văn hoá, thậm chí về quê để tụi trẻ được trải nghiệm với đồng đất. Đi chơi Tết cũng là để trở về với những nơi đã từng lớn lên, từng quên lãng trong nhịp sống hối hả, gấp gáp bấy lâu nay. Tết về quê, là dịp kéo những đưa trẻ ra khỏi màn hình máy tính, games và thế giới ảo. Một công đôi việc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Là quá sớm để nói rằng những cái Tết chuộng hình thức sẽ không còn nữa bởi những thói quen đã hằn sâu không thể từ bỏ trong ngày một, ngày hai. Nhưng, lắng nghe những câu chuyện mà phụ nữ nói với nhau dịp cuối năm đầy sóng gió này và nhìn vào cách họ lựa chọn cành đào nhỏ để cắm trong chiếc bình xinh xắn thay vì cây đào đồ sộ kín phòng khách; chọn thay vì dâng lễ giải hạn ở chùa chiền là chút lòng thành mà họ mong ông bà tổ tiên phù hộ may mắn cho vợ chồng, con cái… đã thấy họ có những thay đổi trong suy nghĩ.

Tết đến từ sự chuyển biến của bàn tay từng người phụ nữ vun vén để gia đình có một mùa xuân quây quần ấm áp. Những đổi thay mang đến không khí mùa xuân mới trong tự thân mỗi người. Bất giác, người viết thầm nghĩ, đâu chỉ trong quá khứ mà trong mùa xuân này, chính bàn tay những người mẹ, người vợ cũng đang mang mùa xuân về.

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.