Cùng con giữ Tết qua món ăn truyền thống

Chia sẻ

Dịp Tết, với nhiều bà mẹ chính là cơ hội quý để dạy con cái về các phong tục truyền thống của dân tộc, nhất là khi những đứa trẻ lớn lên ở đô thị cùng với internet, games…

1

Chị Nguyễn Thị Tuyền, sinh năm 1985, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc là mẹ của 3 bé nhỏ, trong đó có 2 bé Như Tuệ, học lớp 7 và Như Ngọc, học lớp 4 hiện đã có thể đỡ đần việc nhà cho mẹ ít nhiều. Quanh năm bận rộn với công việc kinh doanh, dịp Tết là cơ hội để chị dành cho gia đình thân yêu. Chị Tuyền tâm sự, cũng như bao nhà khác, trước Tết, chị thường cùng các con dọn dẹp nhà cửa, trang trí cây xanh, sắp xếp lại những chậu hoa, mua sắm đồ lễ Tết... Vừa chuẩn bị, chị vừa nói với các con về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền để các con hiểu Tết là lễ hội lớn nhất trong năm, là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người con xa quê trở về đoàn tụ với gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Chị Tuyền cùng các con làm xôi nghệ thuật đón TếtChị Tuyền cùng các con làm xôi nghệ thuật đón Tết

2

Vốn khéo tay, lại ham học hỏi, ngày Tết, cùng với các món truyền thống như bánh chưng, canh măng, canh miến, nem rán… trong mâm cỗ Tết của gia đình chị Tuyền luôn có một “đặc sản” độc đáo do chính tay chị tự làm. Đó là xôi nghệ thuật. Vẫn từ nguyên liệu gạo trắng là chủ đạo như xôi truyền thống, cộng thêm với hạt đậu trắng, món xôi truyền thống qua bàn tay của chị Tuyền đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật rất đẹp mắt. Trước Tết đôi ngày, chị cùng các con gái đi chợ, chọn đúng loại nếp nhung Bắc hạt tròn, mẩy về nấu xôi. Tối 29 Tết, chị hướng dẫn con cách vo gạo sao cho sạch, rồi ngâm từ 5-6 giờ để gạo được “uống nước” nở căng, mềm. Sáng 30 Tết, ba mẹ con cùng dậy sớm đồ xôi. Xôi muốn ngon phải qua 2 lần đồ, sau đó trộn thêm với cốt dừa, dầu ăn, đường, muối và công đoạn cuối cùng kỳ công nhất chính là bắt hoa trên xôi bằng đậu trắng bỏ vỏ, đồ chín, xay nhuyễn, sên chín. Hai bé còn nhỏ nên mới chỉ hỗ trợ mẹ được những công việc đơn giản như bóc đậu, pha màu vào đậu, trộn nguyên liệu… Song, qua đó, các bé đều hiểu để làm được một đĩa xôi nghệ thuật đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, tâm huyết của người nấu. Và dù mất nhiều thời gian nhưng nhờ vậy mà các con thêm hiểu rằng ngày Tết con cháu đều cố gắng nấu những món ăn thật ngon, đặc biệt nhất để thành kính dâng cúng đất trời, ông bà tổ tiên trong đêm Giao thừa, ngày mồng Một… Chị Tuyền cũng dạy con biết trân quý hơn từng món ăn và không bao giờ để lãng phí thức ăn, nhất là trong ngày Tết. Trong mâm cơm Tết, từng món đều được dọn ra vừa đủ, bày biện gọn gàng.

Sống ở phố xá, cách đón Tết trong gia đình chị Tuyền không quá cầu kỳ, cứng nhắc. Chị nghĩ rằng, Tết là dịp để mọi người được nghỉ ngơi, nhất là người phụ nữ chứ không nên bắt họ 3 ngày Tết cứ phải tất bật ngược xuôi. Tuy nhiên, những phong tục cổ truyền như mọi người cùng nhau chuẩn bị Tết, cùng nhau ăn cơm tất nhiên, cúng Giao thừa, tục các con cháu đi chúc Tết ông bà và các bậc bề trên; tục lì xì đầu năm mới… thì vẫn được gia đình chị bảo lưu trọn vẹn. Bởi theo chị không khí Tết mà các con chị được trải nghiệm hôm nay sẽ được các bé lưu giữ và tiếp nối.

Bé Su, con gái út của chị Hiền giúp mẹ muối kiệu TếtBé Su, con gái út của chị Hiền giúp mẹ muối kiệu Tết

3

Sinh ra ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, phong tục Tết truyền thống đến với chị Hoàng Thị Hiền chính từ những ký ức thuở nhỏ trong ngôi nhà của ba mẹ. Đó là cảnh bầy trẻ con được nhận lì xì, rồi cùng nhau đốt đèn, đốt pháo hoa. “Tuy nhiên, hồi đó nhà mình còn nghèo lắm, mẹ thì vất vả quanh năm nên mẹ cũng ít có thời gian vào bếp”. Chị Hiền tự nhủ sau này có điều kiện sẽ nấu nhiều món ăn để bù đắp cho mẹ.

Khi lên thành phố lập nghiệp rồi làm mẹ, dịp Tết hàng năm, chị đều tự tay chuẩn bị hết các món ăn, gần như hạn chế việc mua ở ngoài. Phần vì chị khá kỹ tính trong lựa chọn món ăn, phần vì chị muốn các con được hưởng không khí Tết. Món kiệu muối chua, từ 3 tuần trước Tết, chị đã bắt đầu mua kiệu về, là loại kiệu Huế nhỏ. Mà chị muối tới 10kg và phải mất cả ngày mới hoàn thành với sự trợ giúp của hai con. Vừa làm, chị vừa kể cho các con về việc vì sao trong mâm cỗ Tết hay có món kiệu, và kiệu ngon thì phải đạt được độ trắng, giòn, chua dịu, độ mặn ra sao. Hay như món thịt kho mật mía phải chọn loại mật thế nào, thành phẩm làm ra đạt được màu sắc, độ sánh. Mâm cơm tất niên của gia đình chị, ngoại trừ món chả quế là mua, còn lại, gần chục món cổ truyền từ bánh chưng, xôi, canh, bắp bò ngâm mắm, thịt đông, cá trắm kho riềng… đều do 3 mẹ con chị tự làm. Cả các món “nho nhỏ, xinh xinh” như mứt, ô mai… bày trong nhà dịp Tết cũng vậy.

Từ những lời dạy của mẹ, các con chị Hiền đã biết cách lựa nguyên liệu tươi ngon, thời gian chuẩn bị từng món ăn để đón Tết như thế nào cho phù hợp như khi nào muối kiệu, khi nào ngâm măng, ngày nào bắt đầu gói bánh chưng... Các bé cũng học được cách kết hợp các món ăn với nhau để ăn vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe, biết món nào sẽ đi với loại rau, gia vị nào, ý nghĩa của các món ăn trong mâm cỗ Tết, cách bày biện một mâm cỗ đẹp mắt… Các bé còn có thể tự nấu được một vài món ăn Tết đơn giản.

3 mẹ con chị Hiền đi chơi trong dịp Tết3 mẹ con chị Hiền đi chơi trong dịp Tết

Các món ăn sau khi hoàn thành, không chỉ để dùng trong gia đình mà còn được mấy mẹ con cẩn thận đóng hộp gửi về quê tặng ông bà, họ hàng, đây cũng là cách để chị thực hiện tâm nguyện bù đắp cho mẹ khi xưa. “Bình thường, sát Tết tôi mới về nhà. Vì vậy, tôi muốn gửi đồ ăn do mấy mẹ con tự nấu về trước, thường là từ ngày 25, 26 Tết, để mẹ tôi thấy được sự hiện diện của con cháu”, chị Hiền tâm sự.
Chị Hiền hay cùng các con đăng tải những mâm cỗ Tết truyền thống lên trang facebook cá nhân để lan tỏa hương vị Tết Việt và cổ vũ các gia đình cùng nhau vào bếp “đón Tết”. Mấy năm nay có dịch, dù ít khách tới nhà nhưng không vì thế mà việc chuẩn bị Tết của gia đình chị kém đi sự rộn ràng. Trong 3 ngày Tết chính, nhất định ba mẹ con cũng phải một lần nổi lửa để đun lại nồi thịt kho trứng thơm phưng phức, đủ vị mặn, ngọt, bùi. Chị tin rằng, hơi ấm từ căn bếp luôn đỏ lửa sẽ đem lại hạnh phúc, may mắn, hâm nóng tình cảm cho mọi gia đình trong dịp Tết.

Chị Hiền chia sẻ, điều khiến chị thấy vui nhất chính là đã giúp cho các con hiểu về Tết Việt. Ban đầu, các bé thấy chuẩn bị Tết thật là vất vả, mất nhiều thời gian, nhưng, dần dần thì các bé đều mê vào bếp cùng mẹ, quên cả Ipad, điện thoại…

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.