Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Người phụ nữ Việt đầu tiên được UNESCO kỷ niệm ngày sinh

Chia sẻ

Trong năm 2022, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm ngày sinh/ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Quyết định này được UNESCO thông qua ngày 23/11/2021 trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 của UNESCO tại Paris (Pháp).

Hồ Xuân Hương là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh tính đến nay.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Người phụ nữ Việt đầu tiên được UNESCO kỷ niệm ngày sinh - ảnh 1

Kết thúc bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống” nổi tiếng của mình, Hồ Xuân Hương viết: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”. Câu thơ đã trực tiếp cất cao bản lĩnh, chí khí, khát vọng của nữ sĩ nói riêng và những phụ nữ bản lĩnh hơn người nhưng bị định kiến trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến đè nén.

Sống trong xã hội mang nặng quan niệm hôn nhân “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, Hồ Xuân Hương suốt đời đi tìm một chân tình. Có lúc nữ sĩ rơi vào vòng xoáy của số phận. Ở tuổi đôi tám, bà chấp nhận làm vợ lẽ của một hào phú có biệt hiệu Tổng Cóc.

Những tưởng cuộc sống hôn nhân bên người chồng dòng dõi văn nhân, lại mến chuộng tài thơ, Hồ Xuân Hương sẽ được hạnh phúc.Thế nhưng, phận làm lẽ, lại hành xử, suy nghĩ khác người, “Bà Chúa thơ Nôm” trở thành cái gai trong mắt của người vợ cả và họ hàng Tổng Cóc. Họ tìm cách rẽ thúy chia uyên.

Không phải bỗng dưng mà Hồ Xuân Hương viết những bài thơ sâu cay về đề tài thân phận làm thiếp, làm lẽ, chồng chung, không chồng mà chửa. Có lúc bà đã không đừng được mà để cảm xúc bung ra không chút che đậy: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Hay vừa thương thân vừa giễu đời: “Quản chi miệng thế lời chênh lệch/ Chẳng thế nhưng mà thế mấy ngoan” mượn ý dân gian: “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường”.

Bài thơ Khóc Tổng Cóc viết sau khi Hồ Xuân Hương nghe theo tiếng gọi trái tim, dứt áo ra đi cùng tình quân - Tú tài Phạm Viết Ngạn - Cử nhân khoa thi Nhâm Dần đời Thiệu Trị (1842) tại nhiệm tri phủ Vĩnh Tường (nên thường được gọi là ông Phủ Vĩnh Tường) khi đang mang thai đứa con với Tổng Cóc. Hẳn là một sự ra đi đầy đớn đau, tủi nhục. Và bài Khóc Tổng Cóc viết không phải để tế người đã khuất mà là để tiễn đưa một đoạn tình dang dở. Sau đó, đứa bé con chung với Tổng Cóc không may yểu mệnh qua đời khi mới lọt lòng. Hồ Xuân Hương nếm trải nỗi đau mất con, mối duyên với ông Phủ Vĩnh Tường cũng đứt đoạn khi ông khuất núi chỉ sau hơn 2 năm gắn bó với Hồ Xuân Hương. Kết quả của mối duyên này là một người con trai được cho có tên là Phạm Viết Thiệu.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Người phụ nữ Việt đầu tiên được UNESCO kỷ niệm ngày sinh - ảnh 2

Lựa chọn, ứng xử với tình yêu, với cuộc đời riêng của Hồ Xuân Hương là biểu hiện tư tưởng tiến bộ của con người, của người phụ nữ không chịu đựng để hoàn cảnh chi phối, điều khiển.

Bài Khấp Vĩnh Tường quan (Khóc ông Phủ Vĩnh Tường) là tiếng khóc bi ai của một người thiếp, một nữ thi tài đáo để tiễn biệt một tri âm tri kỷ. Trong lịch sử dòng thơ Nôm của dân tộc, Bắc Cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân cũng từng viết bài Ai tư vãn để khóc tiễn chồng là vua Quang Trung – Nguyễn Huệ về nơi chín suối.

Danh sĩ Phạm Thái thời Lê trung hưng với Văn tế Trương Quỳnh Như khóc tình nương được xem là áng khốc văn rúng động tâm can. Thế nhưng, chỉ có Hồ Xuân Hương với bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường là khóc tình quân – một trang nam tử như cây tùng, cây bách để nương tựa nhưng sớm khuất bóng. Khóc tình quân nhưng cũng là khóc cho những cuộc đời tài hoa, khóc cho số phận hẩm hiu của chính mình.

Trong tiếng khóc chồng của Hồ Xuân Hương vẫn ẩn chứa niềm hy vọng, niềm tin vào tương lai – đứa con chung dòng dõi trâm anh. Sinh thời nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng như nhiều văn nhân nổi tiếng được người dân địa phương nhờ cậy viết những bài thơ để nói hộ lòng mình. Như bài Thị Đểu, nữ sĩ thay lời một người đàn bà kém sắc bị chồng hắt hủi, mượn ý dân gian: “Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh” để cảnh tỉnh, nhắc nhở người bạn đời nghĩ lại và giữ hạnh phúc gia đình.

Cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến với muôn ngàn vất vả, khổ ải cũng là nguồn cảm hứng trở đi trở lại trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, cụ thể, rõ nét trong các bài: Thân phận người đàn bà, Thương ôi phận gái, Thương thay phận gái. Ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, “Bà Chúa thơ Nôm” đã đề cập đến hoàn cảnh những người không may mắn mang thân phận phụ nữ nhưng không đủ đầy, trọn vẹn về mặt sinh lý trong bài Vô âm nữ.

Cũng bởi vậy, thơ Hồ Xuân Hương vẫn được phụ nữ đương đại vô cùng yêu thích, bởi mỗi tiếng thơ của bà là đều là đại diện cho lên tâm tư, tình cảm, khát vọng yêu và sống, sự quyết liệt trong đấu tranh bình quyền… của người phụ nữ.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Người phụ nữ Việt đầu tiên được UNESCO kỷ niệm ngày sinh - ảnh 3

Hồ Xuân Hương (1772 – 1822), tên thật là Hồ Phi Mai, quê gốc ở Nghệ An, sinh trưởng ở Thăng Long (nay là Hà Nội). Nếu thơ chữ Hán đoan trang, mực thước, thì thơ chữ Nôm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương bày tỏ lập trường đứng về phía nước mắt, phía cất lên tiếng nói thẳng thắn bênh vực quyền sống và khát vọng tự do của phụ nữ trong xã hội phong kiến. 

Trước Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu, có 4 danh nhân nước ta từng được UNESCO vinh danh và kỷ niệm năm sinh, năm mất đó là Đại thi hào, nhà yêu nước Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại thi hào Nguyễn Du và Nhà giáo Chu Văn An.

MỘC ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.