Những mầm xuân đã xanh trên đảo Song Tử Tây!

Chia sẻ

PNTĐ-Đến với Song Tử Tây vào những ngày giáp Tết này, điều đọng lại trong tôi nhiều nhất là tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo của nhiều cháu nhỏ ở đây.

 
Những người mang hơi ấm từ đất liền
 
Bỏ lại đằng sau những nhọc nhằn của cuộc sống quê nhà, bảy hộ gia đình đến lập nghiệp tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Khu nhà dân nằm ngay sát cầu tàu, bên cạnh bãi cát thoai thoải của đảo Song Tử Tây, mà đến đây tôi có cảm giác như đang lạc vào khu biệt thự nghỉ dưỡng của một resort nào đó. Căn nhà nào cũng khang trang, sạch sẽ, rộng rãi và đầy đủ vật dụng sinh hoạt như ti vi, tủ, bàn ghế, giường… nhưng cửa không phải khóa. Trẻ con vô tư chạy chơi từ nhà này sang nhà khác.  
 
Trong đợt chở Tết ra Trường Sa lần này, đại tá Nguyễn Bá Ngọc - Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác đã tới thăm và tặng quà cho những hộ dân sống trên đảo Song Tử Tây. Chị Nguyễn Thị Chí – Chủ tịch Hội phụ nữ xã đảo Song Tử Tây – chủ nhân ngôi nhà số 1 rót ly trà nóng mời khách và kể lại hành trình ra đảo của gia đình.
 
Cách đây chừng 5 năm, Khánh Hòa phát động phong trào đưa người dân ra xây dựng huyện đảo Trường Sa. “Ai xung phong ra sống ở đảo?”. Chị mạnh dạn đăng ký để tìm kiếm sự đổi thay của cuộc đời nhưng họ hàng nội ngoại phản đối, thậm chí, có người còn bảo chị “hâm”. Nhưng từ khi tới đảo Song Tử Tây, cuộc sống của gia đình chị đổi thay hoàn toàn, khác hẳn với cuộc sống nhọc nhằn nơi quê nhà với cảnh chạy ăn từng bữa... Mỗi hộ dân được an cư trong ngôi nhà có diện tích hơn 100m2 còn thơm mùi vôi mới, với đầy đủ vật dụng sinh hoạt như bàn ghế, tủ, giường, ti vi... Hạnh phúc trào dâng trong chị!
 
Những mầm xuân đã xanh trên đảo Song Tử Tây! - ảnh 1
Những công dân nhí của đảo Song Tử Tây vui đùa bên đồ chơi
mới gửi ra từ đất liền
 
Thức dậy từ rất sớm, khi ánh mặt trời vừa ló rạng, chị Nguyễn Thị Mạnh Kiều (hộ số 2) cùng với những người phụ nữ trong xóm đến bếp ăn của doanh trại bắt đầu ngày làm việc. Chuẩn bị bữa cơm ngon, canh ngọt cho những chiến sĩ trên đảo được những người phụ nữ đảm đang này làm một loáng là xong. Không giấu nổi niềm hạnh phúc, chị Kiều tâm sự: Ra đây, gia đình có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, lương thực, thực phẩm như gạo, rau, cá lúc nào cũng dư thừa. Công việc phục vụ tại bếp ăn doanh trại của các chị và nghề đi biển đánh bắt cá, câu mực của các anh đã làm cuộc sống ở đây có phần dư giả. Điện 24/24h, lại có ti vi, điện thoại… đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú và cầu nối tình cảm giữa đất liền với hải đảo như ngắn lại. “Chúng tôi rất hạnh phúc với cuộc sống ở nơi này - một điều mà mấy năm trước, tôi chỉ dám mơ cho con cái của mình”.
 
Song Tử Tây được đánh giá là đảo có nhiều nước ngọt, thuận lợi cho cây trồng và vật nuôi phát triển, nên sau giờ đi làm, các chị còn tăng gia thêm rau quả, nuôi gà vịt. Hình như biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho con người nơi đây vị ngọt ngào, chân chất của đất liền, để bù lại những con sóng mạnh dội vào không ngớt, cho nên điều kiện trên đảo nuôi được bò, lợn, gà, trồng được nhiều rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa. “Nhờ hơi ấm của người dân từ đất liền mang ra đây lập nghiệp mà Song Tử Tây đổi thay từng ngày”.  
 
Thượng tá Nguyễn Trọng Bình – chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: Hiện nay mỗi hộ dân ở xã Song Tử Tây có mức thu nhập ổn định từ 15 - 20 triệu đồng/tháng (tương đương 180 - 240 triệu đồng/năm), góp phần đưa đời sống của họ trở nên sung túc, ấm no. Các hộ dân trên đảo được hỗ trợ thuyền thúng, ngư lưới cụ để đánh bắt hải sản; được hỗ trợ cây, con giống để tăng gia sản xuất tại vườn nhà, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn trở thành hàng hóa. Bên cạnh đó, các hộ còn được miễn phí các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, học tập của trẻ em... Đặc biệt, từ sự quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ và chính quyền trên các đảo trong đời sống hằng ngày, đã tạo nên tình đoàn kết, gắn bó quân dân ngày càng mật thiết.
 
Hôm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Vân (hộ số 7) có tin vui – cô con gái nhỏ Huỳnh Vy An tròn 1 tuổi. Mọi người tập trung ở căn nhà số 7 cuối xóm chúc mừng sinh nhật bé. Chị Thúy Vân chuẩn bị mâm hoa quả và ít đồ lễ ra thắp hương ở ngôi chùa Song Tử Tây. Ngôi chùa vẫn đỏ rực màu ngói mới đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và ngư dân bám biển vùng này. Đại đức Thích Thánh Thành – trụ trì chùa Song Tử Tây, trước đây tu hành tại chùa Cát (Nha Trang) cho biết: Kể từ khi chùa được trùng tu khang trang như hiện nay, bà con trên đảo, ngư dân bám biển vẫn thường xuyên đến lễ Phật, cầu cho mưa thuận gió hoà, đất nước phồn vinh, cuộc sống thái bình, an lạc. Đặc biệt, vào những ngày giỗ của các chiến sĩ hy sinh trên vùng đảo Trường Sa, chùa vẫn thường tổ chức lễ cầu siêu.

Và mầm xuân đã xanh
 
Đến với Song Tử Tây vào những ngày giáp Tết này, điều đọng lại trong tôi nhiều nhất là tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo của nhiều cháu nhỏ ở đây. Ấn tượng nhất với tôi là công dân nhí đầu tiên được sinh ra trên đảo Song Tử Tây – Hồ Song Tất Minh (4 tuổi). Ánh mắt trong veo của Tất Minh như có một cái gì đó khác lắm những ánh mắt của những đứa trẻ đồng trang lứa trong đất liền. Chị Trương Thị Liền - mẹ của Tất Minh nhớ lại: Hồi đó, trên đảo chưa có máy siêu âm, bác sĩ không phải chuyên ngành sản khoa. Các bác sĩ ngoài đất liền gọi điện ra đảo hỏi tình hình, rồi chẩn đoán.
 
Những mầm xuân đã xanh trên đảo Song Tử Tây! - ảnh 2
Phút chia tay đầy ắp tiếng cười của bé Huỳnh Nhật Quang
với các chú bộ đội hải quân
 
Ngày 16/5/2009, chị chuyển dạ, bác sĩ được Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa cử ra đảo đỡ đẻ vẫn còn đang lênh đênh trên biển. Cả đảo cứ cuống cả lên. 4 chiến sĩ cùng nhóm máu O với chị luôn túc trực bên cạnh. Cuộc vượt cạn của chị đã thành công, một bé gái nặng hơn 3 kg chào đời. Nằm giữa khu dân cư trên xã đảo Song Tử Tây, ngôi nhà của gia đình chị Liền ngày nào cũng tràn ngập tiếng cười và sự đầm ấm của tình làng xóm, tình quân dân. “Vì là công dân đầu tiên sinh ra trên đảo, mọi người cùng nhau bàn luận để đặt cho cháu một cái tên có ý nghĩa. Hồ Song Tất Minh, lấy đệm chữ Song của Song Tử Tây ra đời như vậy đó. Khi lớn lên, cái tên đó luôn nhắc bé nhớ nơi chôn rau cắt rốn này – anh Hồ Dương, bố bé tâm sự.
 
Giờ đây, xóm có thêm hai thành viên nhỏ tuổi hơn Tất Minh, đó là Huỳnh Vy An (sinh năm 2012 – thành viên hộ số 7) và Nguyễn Huỳnh Thanh Vy (sinh năm 2011 – thành viên hộ số 5). Tuy nhiên, hai thành viên mới này không có cơ hội sinh ra ở đảo mà mẹ của các bé vào đất liền “vượt cạn”. Nhìn những công dân nhí được sinh ra và lớn lên ở đảo đã cho tôi cảm giác những mầm xuân đã phát triển cho đảo mãi xanh tươi.
 
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đảo Song Tử Tây không thiếu khát vọng lớn. “Sau này con muốn học làm cô giáo để quay trở về với những đứa trẻ ở đảo Song Tử Tây” – đó ước mơ của bé Huỳnh Thị Bảo Trâm, một công dân nhí của đảo. Ước mơ của Bảo Trâm xuất phát từ hình ảnh đẹp đẽ của những người “gieo mầm” chữ ở đảo Song Tử Tây. Họ vốn là bốn lãnh đạo UBND xã Song Tử Tây kiêm nhiệm luôn việc dạy học. Họ đã được tập huấn chương trình giảng dạy học sinh tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những lớp học hết sức lạ so với đất liền vì cùng học với thầy chỉ có từ 1-2 học sinh.
 
Chiều nay, thầy giáo Đoàn Quốc Thái (Bí thư Đoàn xã Song Tử Tây) đang đứng lớp 4 với hai học sinh Ngô Thị Trường Giang và Nguyễn Quang Vinh. Lớp học được bố trí bàn ghế và bảng đen đầy đủ như lớp học ở đất liền. Nói về những khó khăn trong việc dạy và học trên đảo, thầy Thái tâm sự: Đôi khi, các thầy cũng bị “cháy” giáo án vì những câu hỏi ngây ngô nhưng hóc bùa của trẻ như Em bé sinh ra từ đâu? Cây lúa trông như thế nào? Máy cày dùng để làm gì?... Những bài học phù hợp với trẻ em đất liền, được các thầy giáo “cập nhật”, “tự học” qua sách báo, internet… giúp các em ở đảo xa dễ dàng tiếp thu kiến thức. Thậm chí, nhiều vấn đề tự nhiên - xã hội có cách tiếp cận mới, thầy Thái lại gọi về đất liền nhờ các đồng nghiệp hướng dẫn. Gắn bó 5 năm với đảo và các em học sinh, thầy giáo Thái phải hy sinh nhiều hạnh phúc riêng tư. “Vợ chồng cưới nhau được gần 5 năm, nhưng vì cứ xa nhau biền biệt nên vẫn chưa có con” – thầy Thái ngậm ngùi chia sẻ cuộc sống riêng tư.
 
Theo anh Trần Vũ Lân, Phó Chủ tịch UBND xã - cũng là một thầy giáo của trường tiểu học Song Tử Tây thì ở đây có 5 lớp học mẫu giáo đến lớp 4, sau đó các em phải vào đất liền học tiếp lên cấp 2, 3 và đại học. Đây cũng là điều trăn trở của không ít phụ huynh về con đường học hành của con em. "Thầy giáo ở đây không chỉ dạy các em các kiến thức trên lớp học mà còn dạy các em nhân cách làm người”. Những đứa trẻ ở đây rất ngoan, gặp người lớn tuổi đều đứng lại khoanh tay, lễ phép chào. Thầy Lân khoe nhiều tấm giấy khen học sinh giỏi, khá của các em học sinh đã từng học ở trường. Đó chính là món quà vô giá, minh chứng cho công lao đóng góp của những người thầy nơi đảo xa này.
 
Sau giờ học, các em tập trung ở sân UBND để chơi thú nhún, bộ đu quay… sắc màu sặc sỡ, sinh động – món quà từ bờ gửi ra. Cuốn theo những đứa trẻ đang vô tư nô đùa, tôi chợt nhận ra bọn trẻ trên đảo có cách sống rất hòa thuận, sẵn sàng chia nhau từng món đồ chơi và rất thích đánh cờ tướng…
 
Khi được hỏi về những ước mơ sau này, bé Trường Giang nhanh nhảu đáp: “Cháu ước mơ trở thành bác sĩ giỏi để chăm sóc sức khỏe cho mọi người…”. Còn bé Nhật Quang lại muốn sau này lớn lên sẽ trở thành một người lính hải quân canh giữ biển trời Tổ quốc… Những ước mơ ấy của con trẻ đang sống ở Song Tử Tây đã và đang viết tiếp khát vọng cháy bỏng của thế hệ đi trước với quyết tâm bám biển, xây dựng đảo mãi xanh tươi.
Những mầm xuân đã xanh trên đảo Song Tử Tây!
 
Thanh Xuân

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.