Nghệ sĩ Kiều Hưng: “Đời ca sĩ như con chim họa mi…”

Chia sẻ

ĐSGĐ-Hơn 20 năm sống lưu lạc nơi đất khách, nghệ sĩ–ca sĩ Kiều Hưng đã trở về quê hương như để tìm về chốn bình yên. Ở cái tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn rất gần gũi và giản dị.

 
Ở tuổi 76 mang trong mình căn bệnh tiểu đường và di chứng sau 2 trận tai biến não đã làm ảnh hưởng khá nhiều tới sức khỏe của ông. Nhưng kỳ lạ thay, khi nói tới âm nhạc thì ông vẫn phản xạ rất nhanh. Bên cây đàn dương cầm, nghệ sĩ vừa đánh đàn vừa hát. Những phím đàn vang lên hòa cùng giọng hát của ông, tuy giọng hát không rền vang như ngày nào nhưng dường như xúc cảm thì đầy hơn. Phải chăng bởi người nghệ sỹ tài hoa ấy đã trải qua tất cả mọi cung bậc của cuộc sống, đã nếm trải đủ cả những cay đắng và vinh quang…
 
Trong trái tim những người yêu nhạc đỏ, cái tên Kiều Hưng (tên đầy đủ là Kiều Tất Hưng) luôn được ghi nhớ bởi những ca khúc “không thể nào quên”. Ông sinh năm 1937, người gốc Hà Đông, vốn sở hữu giọng nam cao, lại biết cách ứng dụng thành công nghệ thuật thanh nhạc phương Tây vào cách hát những bài ca cách mạng, nên tiếng hát Kiều Hưng từng một thời lừng vang.
 
Nghệ sĩ Kiều Hưng: “Đời ca sĩ như con chim họa mi…” - ảnh 1
Nghệ sĩ Kiều Hưng
 
Tiếng hát của ông qua làn sóng phát thanh đã đến với tất cả khán thính giả trên mọi miền Tổ quốc. Giọng hát mê đắm quyến rũ của con người tài hoa một thuở ấy từng đóng đinh với một số tác phẩm tiêu biểu như: “Bài ca trên núi”; “Tiếng đàn bầu”; “Những thành phố bên bờ biển cả”; “Anh ở đầu sông em cuối sông”; “Chiếc khăn piêu”; “Rặng trâm bầu”; “Du kích sông Thao”; “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”... Và tiêu biểu nhất là bài “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” hát song ca cùng NSND Thu Hiền.
 
Có một thời giọng hát ông vang lên là nguồn cổ vũ, là động lực tinh thần to lớn giúp mọi người thêm hăng say lao động và cống hiến dựng xây cuộc đời, đặc biệt là đối với tầng lớp công – nông - binh. Ngày ấy, khi các phương tiện thông tin đại chúng chưa rầm rộ và đa dạng như bây giờ, mọi thông tin của đời sống, xã hội cũng như văn hóa nghệ thuật chủ yếu là thông qua ra – đi - ô, không nói ngoa khi cho rằng tiếng hát của ca sỹ Kiều Hưng luôn được mong chờ và đón đợi.
 
Nhiệt huyết đối với âm nhạc, cái tâm của người nghệ sĩ đã khiến bao lớp học trò của ông không khỏi cảm phục. “Thầy đã đi qua những năm tháng  tuổi thơ lam lũ. Thầy đã từng đi bán báo nhưng những khi rảnh rỗi người ta vẫn thường thấy một cậu bé bán báo ngồi ở ghế đá chăm chú lắng nghe trên đài phát thanh những làn điệu, những bài hát mang âm hưởng dân tộc, đất nước.
 
Nghệ sĩ Kiều Hưng: “Đời ca sĩ như con chim họa mi…” - ảnh 2
Nghệ sĩ Kiều Hưng và những người bạn
 
Một cuộc sống như vậy, một con người, một tâm hồn, một tình yêu với nghệ thuật như vậy đã kết tinh nên một giọng hát mà ở đó, chúng em học tập được một trái tim rất chân thành bằng cách trải lòng mình cho công chúng. Chỉ một thời gian rất ngắn như vậy, thầy đã để lại trong trái tim công chúng hàng trăm bài hát mà chúng ta vẫn gọi là những “bài ca đi cùng năm tháng”, ca sỹ Đức Chính, học trò “cưng” của nghệ sỹ Kiều Hưng tâm sự.
 
Giờ đây, tuổi tác cùng với việc trải qua cơn bạo bệnh, giọng hát của ông đã không thể nào như xưa được, việc phát âm thi thoảng bị vấp và đôi khi ông cũng bị quên lời... Chỉ có niềm đam mê ca hát là vẫn chưa hề nguôi. Tròn hai chục năm xa xứ, ngay cả khi phải làm nhiều nghề để kiếm sống, ông cũng chưa bao giờ ngưng hát. Ông hát ở bất cứ nơi đâu, trong nhà máy nơi ông làm việc, hội sở, quán ăn, nhà hàng và sẵn sàng hát không cần cát-xê. Chỉ cần được hát mà thôi. Bởi ông quan niệm rằng, trời cho mình tiếng hát, mình phải hát phục vụ mọi người. Có khi ông hát xong, cũng có những người Việt xa xứ như ông chạy lên ôm ông và khóc. Và những ngày tháng đó, lòng ông lúc nào cũng luôn hướng về đất mẹ và tha thiết mong ngày trở lại. Dường như, với ông, hát còn là để thỏa lòng mong nhớ…
 
Mấy chục năm xa xứ, ông cũng đã sáng tác được khoảng 30 bài hát, trong đó có 3 bài được ông phổ nhạc từ những bài thơ của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc - tác giả của cuốn nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi”.
 
Có những bài trở nên khá phổ biến như bài “Nhớ quê”, “Tiếng ru”, “Lá quê hương”... Ca sĩ Kiều Hưng ngậm ngùi tâm sự: “Riêng bài Nhớ quê, hầu như trong bất kỳ buổi biểu diễn nào tôi cũng hát. Bài hát ấy như nói thay lòng tôi. Bài hát có đoạn: Tôi ở nơi đây, có những chiều nhớ nhung vời vợi. Ước gì tôi được về quê cũ... Tôi ở quê tôi nước sông trong, đầu làng náo nức vui phiên chợ, gồng gánh chen nhau chật sông Cầu. Tôi nhớ quê tôi... Những đêm trằn trọc lệ tuôn rơi... Cuộc đời mỗi con người cũng như một dòng sông, có những khúc quanh, có khi đầy khi cạn, có những lúc êm đềm và có những khi nổi sóng, nhưng có một điểm chung duy nhất là sông nào dù to, dù nhỏ cũng đều phải có ngọn nguồn.
 
Nghệ sĩ Kiều Hưng: “Đời ca sĩ như con chim họa mi…” - ảnh 3
Dù nghệ sĩ Kiều Hưng có ở bất cứ nơi đâu thì giọng hát và con người
của ông vẫn sống mãi trong trái tim người hâm mộ
 
Giờ đây, ông trở về cố hương sau nhiều năm sống ở nước ngoài, ông vẫn nhận được sự quan tâm yêu mến của công chúng dành cho mình, điều đó càng trở nên quý giá đối với một người nghệ sỹ tài hoa như ông. Ông thường tâm sự với người thân rằng: “Đời ca sĩ như con chim họa mi. Khi họa mi ngừng tiếng hót, có nghĩa là nó đã chết...”. Có lẽ bởi thế mà trong trái tim ca sĩ Kiều Hưng, có lẽ tiếng hát chưa bao giờ ngừng nghỉ.
 
Bao nhiêu năm qua, người bạn đời của ca sỹ Kiều Hưng vẫn luôn bên ông sẻ chia những ngọt bùi, cay đắng. Tôi bị ám ảnh bởi lời tâm sự quá đỗi chân thật của bà, nhân lúc tôi nói về giao thông ở Hà Nội: “Mỗi con người sống trong dòng chảy cuộc đời cũng giống như đang tham gia giao thông. Mà đã tham gia giao thông thì có va quệt. Ai không may mắn trong dòng người ấy thì bị tai nạn, trong đó có người bị thương nhẹ, có người bị thương nặng, có người mất cả cuộc đời...”.
 
Khi hỏi về ước mơ của ông hiện tại, nghệ sỹ Kiều Hưng cười rất hiền: “Tôi chỉ cần sức khỏe và mong muốn những tác phẩm của mình đến với công chúng. Kiều Hưng dù không còn sức hát cho mọi người nghe, nhưng Kiều Hưng vẫn còn có những ca khúc viết về quê hương, đất nước, về tình yêu cuộc sống...”.     
 
    Nguyễn Huệ

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.