Hiến 27m2 đất để xây dựng đường làng ngõ xóm

Chia sẻ

PNTĐ-“Vì xóm, vì làng đất vàng cũng hiến” là lời tâm sự của bà Phạm Thị Nhã, một trong những tấm gương phụ nữ điển hình trong phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới.

 
Chúng tôi đến gia đình chị Phạm Thị Nhã, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm vào một ngày đầu Đông đẹp trời. Vốn là người sống khép mình nên khi được hỏi về việc hiến đất làm đường, chị cười xoà rồi nói: “Ngõ này hàng trăm người suốt ngày qua lại, thôi thì vì xóm vì làng mình chịu thiệt một chút cũng chẳng sao!”.
 
Khu đất ở gia đình bà Nhã đang sử dụng có diện tích 282 m2 thuộc khu đất giãn dân được cấp cho gia đình từ năm 1980. Mấy năm trước khi con gái ra ở riêng, bà đã cắt cho con 100m2 để làm nhà ở và mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng nên hiện tại diện tích đất ở của bà chỉ còn chưa đầy 200m2. Bà Nhã nói, Trung Dương là một trong những thôn có nền kinh tế phát triển khá đa dạng của xã Kiêu Kỵ. Ngoài làm ruộng, kinh doanh, dịch vụ, một bộ phận lớn hộ dân theo nghề may da truyền thống nên đất ở tại đây có giá trị khá cao.
 
Hiến 27m2 đất để xây dựng đường làng ngõ xóm  - ảnh 1
“Ngõ này hàng trăm người qua lại, thôi thì vì xóm làng,
mình chịu thiệt một chút cũng chẳng sao”
 
Theo bà Nhã thì tuy đất ở của gia đình bà trong ngõ song ở ngay đường vành đai của thôn nên đã có người trả trên 15 triệu đồng một mét vuông, song bà không bán. Khi thôn tổ chức họp dân trong xóm triển khai việc cải tạo và mở rộng đường giao thông trong ngõ theo chuẩn nông thôn mới, thì đoạn đường này sẽ chạy dọc và ăn sâu vào đất ở của cả hai mẹ con bà Nhã, có đoạn vào sâu tới 1,2 m với tổng diện tích lên tới 27m2. Khi Ban vận động làm đường của thôn đến gia đình vận động hai mẹ con bà Nhã hiến đất làm đường, thì quả thật lúc đầu bà Nhã cũng đắn đo, suy tính.
 
Không suy tính sao được bởi bà vốn chỉ là một phụ nữ nông thôn, suốt ngày chỉ quẩn quanh với ruộng vườn. Mới đây bà có làm thêm công việc thu gom rác của xí nghiệp Môi trường đô thị huyện nhưng cũng ít khi ra khỏi “lũy tre làng”, hiểu biết về xã hội cũng có phần hạn chế. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào 3 sào ruộng, cộng với tiền công của một vệ sinh viên nên đời sống còn tùng tiệm, bây giờ một lúc bảo bà bỏ đi vài trăm triệu đồng thì xót xa lắm chứ.
 
Khi lãnh đạo thôn đặt vấn đề hiến đất cho việc mở rộng lòng đường bà đã suy nghĩ rất nhiều giữa cái lợi của tập thể và cái thiệt của gia đình bà. Qua nhiều lần họp gia đình, được các con ủng hộ, bà nói: “ Thôi thì vì làng đất vàng cũng hiến” và quyết định hiến 15m2 đất ở cho xóm làm đường. Bà cũng vận động con gái mình là Lê Thị Mỹ Lệ hiến 12m2 để làng có mặt bằng thi công con  ngõ chạy thẳng ra đường vành đai cho tiện việc giao thương sau này.
Việc hiến đất làm đường của mẹ con bà Nhã được thôn Trung Dương tuyên truyền rộng nên hiện trong thôn đã có thêm 2 hộ tự nguyện hiến 25m2 cho việc mở thông ngõ, góp phần động viên khích lệ các hộ trong thôn tích cực góp công, góp của để đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục

 Nữ công an Hà Nội “năng khiếu” với nghề và đam mê với công tác phong trào

Nữ công an Hà Nội “năng khiếu” với nghề và đam mê với công tác phong trào

(PNTĐ) -Sinh năm 1983, là một người vừa có đam mê vừa có “năng khiếu” trong công tác tham mưu. 10 năm qua, Thiếu tá Trần Thị Minh, cán bộ Đội Tham mưu Cảnh sát, Phòng Tham mưu, CATP Hà Nội đã nỗ lực không ngừng để đạt được nhiều thành tích trong công tác cũng như các hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ Công an TP Hà Nội.
Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề

(PNTĐ) -Họ là những nữ nghệ nhân không chỉ mang trong mình ước mơ “giữ lửa” nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới. Dưới đây là một số gương nghệ nhân tiêu biểu được Hội LHPN Hà Nội vinh danh trong chương trình “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề và quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống” thành phố Hà Nội năm 2023.
Nữ tổ trưởng Tổ phụ nữ 23 năm “vác tù và hàng tổng”

Nữ tổ trưởng Tổ phụ nữ 23 năm “vác tù và hàng tổng”

(PNTĐ) -Chị Nguyễn Thị Lan Hương, sinh năm 1965 đã có “thâm niên” 23 năm làm Tổ trưởng tổ phụ nữ số 13 kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. 23 năm “vác tù và hàng tổng” nhưng chị không thấy mỏi mệt mà ngược lại càng mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.