Cần xử lý nghiêm “độc quyền” xe cấp cứu trong các bệnh viện

Chia sẻ

PNTĐ-Không chỉ ở bệnh viện Nhi trung ương xảy ra tình trạng độc quyền xe cấp cứu với giá cắt cổ mà ở nhiều bệnh viện cũng có hiện tượng này.

 
 Đây là hành vi đáng lên án, vì đã lợi dụng nỗi đau và tính mạng của người bệnh để kiếm tiền...
 
Cần xử lý nghiêm “độc quyền” xe cấp cứu trong các bệnh viện - ảnh 1
Bảo vệ bệnh viện Nhi Trung ương ngăn cán không cho
xe chở cháu bé đang hấp hối ra khỏi bệnh viện vào ngày 2/7
(ảnh cắt ra từ clip)
 
“Độc quyền” xe cấp cứu của bệnh viện
 
Tuần qua, dư luận vô cùng bức xúc trước hình ảnh thương tâm: bệnh nhi đang hấp hối trên xe cấp cứu và người mẹ kêu khóc thảm thiết, trong khi bảo vệ tại bệnh viện Nhi Trung ương (thuộc công ty bảo vệ AZ) nhất quyết không cho xe ra khỏi cổng đưa cháu về quê để cháu được trút hơi thở cuối cùng tại nhà. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc nhân viên bảo vệ và “cò xe cấp cứu” của bệnh viện không đồng ý cho xe cấp cứu ở nơi khác vào bệnh viện đón bệnh nhân. Nhằm trấn an dư luận, Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương Lê Thanh Hải và đại diện công ty bảo vệ AZ đã xin lỗi nhân dân, gia đình nạn nhân về những hành vi đó. Toàn bộ kíp bảo vệ trực tại cổng số 1 đã bị đình chỉ công tác.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng người nhà bệnh nhân bị gây “khó dễ” khi thuê xe cấp cứu từ bên ngoài vào không chỉ xảy ra ở bệnh viện Nhi Trung ương mà ở hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương… Bản thân tôi, cách đây 4 năm, sau khi mổ vỡ mâm chày ở bệnh viện V. và được bác sĩ cho xuất viện về nhà điều trị ngoại trú, nhưng khi làm thủ tục ra viện, người nhà tôi nhận được điện thoại xưng danh là người của đội xe cấp cứu của bệnh viện "làm giá" chở bệnh nhân về nhà (từ bệnh viện này về đến đường Nguyễn Trãi chỉ khoảng 8km) là 1,2 triệu đồng (nếu có y tá đi cùng) và 800 ngàn đồng (không có y tá). Trong khi nếu tôi di chuyển bằng xe taxi giá thành chỉ bằng 1/10. Một bệnh nhân khác cho biết, ở bệnh viện B. gia đình bệnh nhân muốn thuê xe cấp cứu từ bên ngoài nhưng không được đành phải khiêng bệnh nhân trên cáng ra hẳn ngoài đường rồi mới lên được xe để về quê.
 
BS Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương thừa nhận, tại Viện cũng đã từng xảy ra hành vi cãi vã, tranh chấp, tranh giành trong việc hoạt động xe cấp cứu. Sau vụ việc, bệnh viện đã rà soát các mối quan hệ “làm ăn” trong lĩnh vực này. Lãnh đạo một bệnh viện khác cho hay, trước đây, ở bệnh viện này tình trạng “cò” xe và xe “cấp cứu dù” hoạt động không phép ngang nhiên lộng hành. Để hạn chế tình trạng này, bệnh viện đã có một đội xe cứu thương “xã hội hóa”. Nhưng lại nảy sinh tình trạng “độc quyền” xe cấp cứu, người bệnh chỉ được phép sử dụng xe cấp cứu của bệnh viện, các loại hình xe cấp cứu của cơ sở khác không được phép ra vào bệnh viện đón khách.

Chấn chỉnh “độc quyền” xe cấp cứu
 
TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay: Nếu bệnh viện có đội xe cấp cứu “trực” sẵn, mà chất lượng, giá cả của các xe này tương đương xe cấp cứu bên ngoài thì người bệnh không phải gọi xe từ nơi khác đến. Nhưng cùng là xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân song xe cấp cứu của bệnh viện có giá cao hơn hẳn xe cấp cứu bên ngoài mà chất lượng tương đương mà bệnh viện lại không cho phép xe cấp cứu nơi khác đến, như vậy là có dấu hiệu độc quyền.
 
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện huyết học Truyền máu Trung ương cho rằng, hiện nay đa số bệnh viện đều thiếu xe cấp cứu. Theo quy định, xe cấp cứu của bệnh viện chỉ được làm đúng nhiệm vụ chức năng là chuyển bệnh nhân đi hội chẩn, cấp cứu… Còn xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân theo yêu cầu người bệnh, mang tính dịch vụ nằm ngoài chức năng của bệnh viện nên nhiều bệnh viện đã tổ chức liên kết với một số hãng vận chuyển để phục vụ bệnh nhân. Tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, khi cần thì bệnh nhân có thể gọi hãng cung cấp dịch vụ xe cấp cứu được dán bảng giá ở các buồng bệnh và hãng nà̀y không phải trả thêm loại phí nào cho bệnh viện.
 
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hiện tại ở Hà Nội có Trung tâm cấp cứu 115 và 4 công ty hành nghề vận chuyển cấp cứu được cấp phép hoạt động. Số xe còn lại hoạt động “chui”, không được cấp phép. Những xe này móc ngoặc với các “cò xe” tại các bệnh viện để đón trả bệnh nhân. Vì thế, nhiều bệnh viện tại Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố nhằm siết chặt hoạt động của loại “xe cấp cứu dù” trong thời gian qua nhưng hiệu quả chưa cao.
 
Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhằm chấn chỉnh hoạt động thiếu kiểm soát của dịch vụ vận chuyển người bệnh ra vào tại một số cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh rà soát và gỡ bỏ ngay các quy định nội bộ về hạn chế người bệnh và người nhà lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra viện, xin về trong trường hợp không cần trợ giúp y tế... Xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên bảo vệ có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh ra vào cơ sở khám chữa bệnh.
 
Thiển nghĩ, đây là dịp để “làm sạch” nạn “cò cấp cứu” và “cò xe cấp cứu” ở các bệnh viện, mong rằng, bạn đọc sẽ lên tiếng tố cáo các hành vi trên đến các cơ quan chức năng để tất cả các sai phạm đều bị xử lý nghiêm, trả lại môi trường sạch cho bệnh viện.

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...