Trẻ thiệt thòi vì không được đăng ký khai sinh

Chia sẻ

PNTĐ-Trẻ em sinh ra có quyền được khai sinh, song do sự thiếu hiểu biết của gia đình và thiếu trách nhiệm của chính quyền mà nhiều trẻ em đã không được đăng ký khai sinh theo đúng quy định.

 
Trẻ thiệt thòi vì không được đăng ký khai sinh  - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Chị H có hộ khẩu thường trú cùng bà ngoại và người cậu ruột tại quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi sinh cháu Đ, do cậu ruột không cho mượn sổ hộ khẩu nên chị H không thể tiến hành đăng ký khai sinh và nhập khẩu cho con.
 
Tương tự, gia đình ông B (Đan Phượng, HN) cũng gặp khó khăn khi làm giấy khai sinh cho cháu nội. Sau khi sinh con, mẹ cháu bé đã bỏ đi không rõ tung tích, còn bố cháu bị bắt và bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Cháu bé được công an đưa về ở với ông bà nội khi được 9 tháng tuổi. Ông B ra UBND xã để làm giấy khai sinh cho cháu nhưng cán bộ tư pháp không làm giấy khai sinh vì chưa có văn bản hướng dẫn về trường hợp này. Ngoài ra, còn do mẹ của cháu bé không có giấy tờ tùy thân nên cháu bé không được đăng ký khai sinh. 
 
Theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ  đầu năm 2017 đến nay, đã có 25 trường hợp về đăng ký khai sinh cho trẻ em được tổng đài can thiệp, trong đó, vẫn còn 16 em chưa được đăng ký khai sinh. Giấy khai sinh như một tấm giấy “thông hành” để công nhận sự ra đời của một đứa trẻ và bảo đảm những quyền lợi về sau cho trẻ như quyền được bảo vệ, được đến trường, được xã hội quan tâm, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục, y tế. Không có khai sinh hoặc khai sinh quá muộn, các em không thể tham gia bảo hiểm y tế để được khám chữa bệnh miễn phí đối với trẻ dưới 6 tuổi, không được tham gia phổ cập giáo dục, không có căn cứ để cấp thẻ căn cước công dân khi đủ 14 tuổi...
 
Bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng phòng Dịch vụ -Tư vấn, Trung tâm tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc chậm trễ làm giấy khai sinh cho trẻ của người lớn khiến trẻ chịu nhiều thiệt thòi. Một trong các nguyên nhân do thiếu quy định cụ thể về việc khai sinh cho trẻ em trong một số trường hợp đặc biệt như mẹ sinh con ngoài giá thú rồi bỏ đi hay người mẹ bị thất lạc giấy tờ tùy thân… 
 
Ngoài ra, một số trường hợp trẻ chưa được làm giấy khai sinh, làm giấy khai sinh muộn còn do sự thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức còn hạn chế, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu hợp tác của chính người thân của trẻ. Bố mẹ trẻ nghĩ giấy khai sinh không quan trọng nên chậm hoặc thậm chí không đi đăng ký khai sinh cho con, đến khi trẻ bắt đầu đi học bắt buộc phải có giấy khai sinh thì lúc đó mới đi đăng ký. Chính sự chậm trễ này khiến cho thủ tục làm giấy khai sinh rườm rà, một số thông tin về ngày tháng, năm sinh, tên tuổi, nguyên quán... của trẻ cũng có thể bị sai lệch do gia đình nhớ không chính xác.
 
Một số người dân nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi nhưng do không biết các quy định về thủ tục trình báo theo đúng quy định pháp luật nên đến khi làm đăng ký khai sinh cho trẻ gặp khó khăn như không biết nguồn gốc của trẻ, không có ai làm chứng. Đó là chưa kể, một số trẻ không được đăng ký khai sinh do cán bộ tại một số địa phương có thái độ làm việc sách nhiễu, thiếu trách nhiệm. Chính quyền địa phương yêu cầu phải có giấy chứng sinh, giám định ADN trong một số trường hợp… thì mới làm giấy khai sinh cho trẻ trong khi pháp luật không quy định như vậy.
 
Trong khi có nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ chi phí để làm xét nghiệm ADN để chứng minh quan hệ cha – con, mẹ - con dẫn tới việc không đủ giấy tờ để khai sinh cho trẻ. Có trường hợp, cán bộ tư pháp xã không chịu làm giấy khai sinh cho trẻ mặc dù có công văn hướng dẫn cụ thể của Sở Tư pháp. 
 
Như trường hợp của chị P.T.P (Đan Phượng, Hà Nội) gọi tới Tổng đài đề nghị hỗ trợ về việc chị nhận nuôi 1 cháu trai sơ sinh tại bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng. Sau khi nhận cháu bé về, chị liên hệ cán bộ tư pháp xã để làm thủ tục nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho con, nhưng cán bộ tư pháp xã không giải quyết với lý do không đủ thẩm quyền. Chỉ đến khi được Cục Trẻ em can thiệp, cháu bé mới được làm giấy khai sinh.  
 
Để đảm bảo cho trẻ được hưởng quyền lợi tốt nhất, theo bà Hải người thân của trẻ (bố mẹ, ông bà…) cần nhận thức trách nhiệm của mình trong việc đăng ký khai sinh cho con trong vòng 60 ngày sau khi trẻ chào đời. Đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, phường cũng cần được đào tạo bài bản, làm việc có trách nhiệm, tránh trường hợp “gây khó” cho người dân trong việc khai sinh cho trẻ.
 
Vân Khánh

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.