Đạo hiếu mùa Vu lan trong thời mạng ảo

Chia sẻ

PNTĐ-Mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa Vu lan là mạng xã hội lại tràn ngập hình ảnh, status báo hiếu, tưởng nhớ công ơn cha mẹ của những người con. Tuy nhiên...

 
Mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa Vu lan là mạng xã hội lại tràn ngập hình ảnh, status báo hiếu, tưởng nhớ công ơn cha mẹ của những người con. Tuy nhiên đằng sau hàng ngàn lượt like và chia sẻ trên mạng ảo ấy là một góc nhìn khác về đạo hiếu đáng suy ngẫm.
 
Đạo hiếu mùa Vu lan trong thời mạng ảo - ảnh 1
Cầu nguyện bình an cho cha mẹ trong ngày Vu lan là phong tục văn hóa đẹp. Ảnh minh họa (nguồn internet)

Một người bạn của tôi vốn là “hot facebooker”. Mỗi status cô ấy đăng lên luôn nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và yêu thích. Cô sinh ra ở một miền quê, lấy chồng và lập nghiệp ở thành phố, kinh doanh online khá thành công. Cứ mỗi mùa Vu lan, cô đều đăng tải trên trang cá nhân những hình ảnh của người mẹ già ở quê cùng lời lẽ biết ơn mẹ sâu sắc, kèm theo hình ảnh cô đi chọn quà để tặng mẹ gồm: quần áo, trang sức, đồ bổ dưỡng...
 
 Mùa Vu lan năm nay, biết tôi về quê, bạn tới gửi tôi mang hộ quà mua tặng mẹ. Bạn khoe xuất xứ của những món quà gửi về: “Sâm tươi này tớ vừa mua trong chuyến du lịch Hàn Quốc mua tận gốc mà cũng cả chục triệu. Bộ quần áo này được may từ lụa Nhật, tớ phải đặt vải từ bên đó về rồi may cho mẹ. Tính cả tiền vải lẫn tiền công cũng gần 4 triệu...”. Tôi nhẩm tính tổng giá trị số quà bạn gửi về báo hiếu mẹ ngày Vu lan cả mấy chục triệu đồng. 
 
Tôi ghé thăm mẹ bạn, chuyển quà con gái gửi cho bà. Bà cụ sống một mình kể từ khi chồng mất đến nay chừng 11 năm. Cậu con trai đi lao động xuất khẩu bên Đức, kết hôn với cô gái bản xứ rồi định cư luôn bên đó nên bà còn mỗi cô con gái để trông cậy tuổi già. Nhận quà con gái gửi về nhưng bà không mấy vui:
 
- Năm nào nó cũng gửi sâm, gửi thuốc về nhưng tôi nào có dùng được đâu. Tôi bị bệnh cao huyết áp không dùng được sâm tươi. Quần áo cũng chỉ mặc dăm ba bộ, còn lại tôi treo mới trong tủ. Nhiều lần, nó gọi điện về tôi bảo đừng mua cho mẹ mà nó không nghe. Tôi chỉ ước thay vì gửi quà đắt tiền thì vợ chồng con cái nó tranh thủ về chơi với mẹ mấy hôm. 
 
Hôm đó, tôi mới biết đã 3 năm nay, bạn tôi chưa về quê thăm mẹ lần nào. Cô giao phó việc chăm sóc mẹ cho người chị họ góa chồng ở cùng bà với tiền công mỗi tháng 4 triệu đồng. Bà cụ nói số tiền đó là do vợ chồng con trai ở bên Đức gửi về thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng mẹ ở nhà. Ngồi một lúc, bà hỏi thăm tôi tình hình của mấy đứa cháu ở Hà Nội với nỗi nhớ nhung hiện rõ. Tôi mở facebook (FB) của bạn cho bà cụ nhìn thấy ảnh chụp gia đình con gái. Bữa đó, bà cụ cứ cầm mãi điện thoại của tôi, bàn tay già nhăn nheo vuốt lên hình ảnh hai đứa cháu ngoại và con gái đầy âu yếm. Bà nói: “Giờ mà gặp ở ngoài đường chắc tôi không nhận ra cháu mình mất, chúng lớn nhanh quá”. 
 
2 FB của một nam sinh viên điển trai dịp này luôn cập nhật hình ảnh lên chùa tham dự lễ Vu lan, cầu nguyện cho bố mẹ ở quê luôn mạnh khỏe. Kèm theo đó là những lời lẽ đầy hiếu thảo của một đứa con trai xa nhà. Hình ảnh bố đi cày ruộng sáng sớm, mẹ tảo tần trồng rau, gặt lúa ngày mùa cũng được đăng cùng lời lẽ trăn trở của đứa con trai chưa làm nên sự nghiệp để báo hiếu cho bố mẹ. FB của nam sinh viên ấy nhận được nhiều bình luận khen ngợi của bạn bè. 
 
Thế nhưng, không ai biết được trong suốt mấy năm đại học, cậu chỉ về nhà đúng dịp nghỉ Tết. Cậu không nghĩ đến cha mẹ vất vả ở quê cần con trai về giúp đỡ những lúc nghỉ học. Thậm chí, cha mẹ gọi về, cậu cũng kiếm cớ thoái thác... Cậu chỉ thật sự nhớ đến cha mẹ mỗi khi cần tiền trang trải. Những hình ảnh chụp cảnh cha mẹ lao động vất vả trên đồng ruộng ở quê chủ yếu là do mấy đứa em ở nhà chụp theo “chỉ đạo” của anh trai để anh làm “hình minh họa” đăng FB.  
 
3 Tôi gặp một cặp vợ chồng trẻ đưa con đến chùa dự lễ Vu lan. Nhưng suốt cả buổi lễ, họ chỉ chăm chú cài hoa hồng đỏ cho vợ, cho chồng, cho con rồi chụp hình đăng FB. Đứa bé ngồi ngơ ngác giữa những người đang ngồi cầu nguyện rồi được bố mẹ ấn cho chiếc điện thoại chơi game để không làm ảnh hưởng đến người bên cạnh. Trên FB, đôi vợ chồng nọ viết: “Đưa con đi dự lễ Vu lan để con hiểu được lòng hiếu thuận từ thủa còn thơ”.  
 
Công nghệ số ảo dường như đang giúp cho con người ta báo hiếu với cha mẹ, người thân dễ dàng hơn. Một bộ phận con cái thay vì trực tiếp về nhà thăm hỏi, chăm sóc bố mẹ ngoài đời thực thì lại chỉ việc báo hiếu trên mạng ảo.
 
Lễ Vu lan là dịp để nhắc nhở mỗi người nghĩ về đạo hiếu đối với cha mẹ. Và sự hiếu thuận ấy cần được chúng ta thể hiện thật sự mỗi ngày chứ không phải qua những hình ảnh, lời nói câu like, ca tụng trên mạng ảo. 
 
Nguyễn Bình Nguyên 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.