Từ một cuộc thi, bàn về chấn hưng văn hóa đọc

Chia sẻ

PNTĐ-Nhờ đọc sách mà các em trở nên thông minh hơn, nhân ái hơn, độ lượng hơn và ứng xử có văn hóa hơn.

 
Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức cuộc thi “ Viết về cuốn sách yêu thích của em” đã bước sang năm thứ tám (2011-2018). Được mời tham dự Lễ trao giải cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ VIII (2018) do Báo  tổ chức, trong tôi dậy lên bao nhiêu niềm xúc động lớn lao. Thật ít có cuộc thi nào tạo được sức lan tỏa và hấp dẫn như cuộc thi này. 
  
Từ một cuộc thi, bàn về chấn hưng văn hóa đọc - ảnh 1

1 Thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay đang... báo động Đỏ. Theo số  liệu thống kê của cơ quan chức năng, 1 người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/1 năm. Trong khi đó các cường quốc đọc sách như Mỹ, Nga, Ixraen, Hungary, Đức... đều gấp nhiều lần ở ta (Ixraen chiếm kỷ lục - mỗi người đọc 64 cuốn sách/1 năm; thứ nhì là nước Nga, mỗi người đọc 55 cuốn sách/1 năm). Vì sao có hiện trạng không mấy lạc quan này? Nhiều người đồng tình khi cho rằng văn hóa đọc đang cạnh tranh khốc liệt với văn hóa nghe - nhìn, vấn nạn học thêm của học trò phổ thông đã cướp mất thời gian dành cho đọc sách, văn học đang bị đẩy xa khỏi trung tâm phạm trù văn hóa, cuộc mưu sinh vất vả khiến cho thời gian dành đọc sách ngày càng bị thu hẹp với giới trẻ...
 
Tôi đã có thời gian học tập ở Liên - Xô (trước đây), nên đã thực sự kính nể người Nga yêu sách và ham đọc sách đến mức nào - trên xe bus, metro, sân bay, bến tàu, trong các cửa hàng, thư viện... nơi nơi đều thấy mỗi người cầm một cuốn sách đọc chăm chú. Một bận, lên metro, tôi cầm một cuốn sách nghiên cứu văn học (nhan đề Loại hình tiểu thuyết Nga - Xô viết), liền được một người đàn ông luống tuổi nhường chỗ ngồi. Tôi nói lời cảm ơn và vẫn đứng (vì ông ấy nhiều tuổi hơn tôi). Người đàn ông nhìn cuốn sách trên tay tôi, lại nhìn cái huy hiệu trường đại học Tổng hợp Quốc gia Mat - xcơ - va mang tên Lô - mô - nô - xốp (MGU) và nói “Chúng tôi nể phục người Việt Nam, chiến tranh liên miên, đói nghèo dai dẳng mà học giỏi và ham đọc sách”. Tôi lại lần nữa cảm ơn lời nhận xét thể tất của một người Nga chân chính.
 
Thế hệ chúng tôi (U70) ham đọc sách từ nhỏ. Một thế hệ được làm giàu đời sống tinh thần bằng sách. Sách là một phần tất yếu của cuộc sống. Bây giờ thì máy tính bảng, điện thoại thông minh, rồi đến tivi thông minh đã làm cho con người xa rời sách. Việt Nam có khoảng 95 triệu dân (chưa kể hơn 4 triệu người định cư ở nước ngoài), trong đó có hơn 60 phần trăm sử dụng internet, tham gia mạng xã hội (là 1 trong 10 cường quốc về lĩnh vực này). Nhưng đáng tiếc, năng suất lao động và công bố khoa học của ta lại thấp hơn nhiều lần các nước trong khu vực như Singapore,Thái Lan, Malaysia... nhiều lần. Các cơ quan chức năng của Nhà nước đã có nhiều chương trình có tính chiến lược nhằm phục hưng văn hóa đọc. Nhưng sự chấn hưng, phục hưng văn hóa đọc, theo chúng tôi, diễn tiến rất chậm. Cuộc cách mạng CN 4.0 lại đang hối thúc xã hội đi vào số hóa, tự động hóa... Nhiều áp lực khách quan khiến quá trình phục hưng văn hóa đọc gặp nhiều khó khăn.
 
Từ một cuộc thi, bàn về chấn hưng văn hóa đọc - ảnh 2
MC Xuân Bắc giao lưu với các sinh viên Nguyễn Thị Kiều Oanh (ngoài cùng tay phải), Đào Cẩm Ly. (ảnh: Bùi Dương)

2 Báo cáo đọc tại Lễ trao giải nêu rõ:“Thế giới quan các em đã thay đổi, suy nghĩ của các em đã khác sau khi gặp được cuốn sách nói đúng tâm trạng của mình, khơi dậy niềm hứng khởi cuộc sống, kích thích các em bước vững vàng hơn trên con đường hướng tới tương lai”.
 
Có gần 10.000 bài dự thi của các em học sinh phổ thông (số học sinh các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chiếm phần nhiều, điều này khiến nhiều người suy nghĩ, vì sao những địa phương được coi là khó khăn nhiều mặt lại có tinh thần đọc sách cao hơn), điều đó chứng tỏ cuộc thi đã “vươn xa” và “được các em đón nhận nồng nhiệt”. Loại trừ các cuộc thi trên sóng truyền hình mà chúng ta mục sở thị, đa số nặng tính chất giải trí, còn lại có thể nói ít có cuộc thi nào tạo sức lan tỏa, hấp dẫn như cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” mà Báo kiên trì tổ chức 8 năm qua. Có thể nói đây là sáng kiến văn hóa, sáng kiến giáo dục, một mô hình, một phương pháp, một hình thức chấn hưng văn hóa, giáo dục… cần được nhân rộng.
 
Nhìn vào danh sách học sinh đoạt giải năm nay thật đáng mừng khi thấy các thí sinh đã say mê đọc sách truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc. Đừng nói học sinh ngày nay chỉ thích đọc truyện tranh Nhật Bản, chỉ thích hát bài hát tiếng Anh hơn bài hát tiếng Việt. Qua cuộc thi này, riêng tôi cảm nhận sâu sắc: Dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trong huyết quản tuổi trẻ Việt Nam ngày nay.
 
Em Lê Phương Hoa (học sinh lớp 10A1, trường THPT Yên Định I, Thanh Hóa), thí sinh đoạt giải Nhất cuộc thi, đọc tác phẩm Mãi mãi tuổi 20 của Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã viết:“Hãy đọc cuốn sách để từ đó ta biết trân trọng hơn cuộc sống ngày hôm nay, sống sao cho xứng đáng với công sức mà cha anh đã đổ xuống, sống để viết tiếp những khúc tráng ca hào hùng của đất nước, của dân tộc”. Cuộc thi đã vinh danh 24 giải cho các cá nhân và tập thể. Đó là một con số biết nói. Trên gần 10.000 bài dự thi chỉ chắt lọc, tuyển lựa hơn 20 bài viết thì mới thấy đây thực sự là một cuộc “vượt vũ môn”.
 
Trong báo cáo tổng kết, có một ý khiến tôi đặc biệt quan tâm “Cuộc thi đã trở thành những kỷ niệm đẹp, thành hành trang để các bạn bước vào cuộc sống tốt đẹp hơn”. Rõ ràng, lứa tuổi học trò là lứa tuổi thiên thần, trong sáng, tươi đẹp, rực rỡ nhất trong một đời người. Như thế, cuộc thi lần thứ 8, cũng như 7 cuộc thi trước đó, đã vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc thi bình thường vì nó truyền cảm hứng sống tích cực, nó trở thành hành trang tinh thần và vốn liếng văn hóa cho các em vào đời một cách tự tin, vững vàng. Nhờ đọc sách mà các em trở nên thông minh hơn, nhân ái hơn, độ lượng hơn và ứng xử có văn hóa hơn.
 
3 Trong phát biểu với tư cách đại diện ban Giám khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã chọn cách nói đầy sự chia sẻ, giãi bày, động viên các em học sinh tham gia dự thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”. Ông nói rất thật về cảm xúc ban đầu của mình khi đọc những bài đã được sơ tuyển “Liệu có phải của các em viết?”. Nhưng càng đọc ông càng nhận ra đó chính là câu chữ của chính các em, chứ không phải của ai khác.
 
Không có cái gọi là “cầm tay chỉ việc” như trong hành chính sự vụ. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi đọc những bài viết được giải, thấy rằng đa số “Viết theo cách của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam”. Nghĩa là viết theo trực quan, trực cảm, theo cảm xúc và cảm tính. Vì thế, ông “cạnh khóe” rằng lối viết của các em khiến ông thích thú hơn các nhà phê bình chuyên nghiệp vì, có thể chưa đọc tác phẩm nhưng qua bài viết của các em đã có thể hiểu được cái thần thái của tác phẩm.
 
Điều khiến nhà thơ quan tâm và hứng khởi nhất khi tham gia Ban chung khảo là “Các em học sinh đã biết chọn sách hay để viết và viết hay về nó”. Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông cho rằng điều quan trọng nhất của cuộc thi là “nuôi dưỡng cảm hứng đọc”, từ đó “bồi dưỡng năng khiếu văn chương”, tiến thêm một bước cao hơn nữa là “gìn giữ tài năng văn chương”, hay là “tiết kiệm tài năng văn chương”.
 
Ông giải thích, sở dĩ phải nói như vậy là vì rất nhiều học sinh giỏi văn nhưng khi tốt ngiệp phổ thông thì tuyệt đại đa số chọn ngành nghề khác, rất xa với văn chương. Đó là tình trạng “phân tán”, thậm chí là “tán tài” năng lực, hạt giống văn chương. Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay bị gọi là “hội người già” (!?). Không có nguồn tiếp sức, tiếp tế, tiếp tục thì lấy đâu ra nhân tài văn chương. Nỗi lo lắng của nhà thơ là có thật và là nỗi lo không của riêng ai. Vì thế, học sinh phổ thông (hàng triệu) là nguồn dự bị, dự trữ tài năng văn chương cho đất nước. 
 
4 Viết bài báo nhỏ này ngay sau sự nóng hổi của Lễ trao giải cuộc thi là một cách biểu thị tình cảm của một nhà giáo, một nhà văn có thâm niên dạy học và cầm bút viết phê bình văn học với các thế hệ học trò bậc phổ thông yêu sách. Ngày còn bé, chừng 6 - 7 tuổi, khi biết đọc và biết viết thì tôi đã yêu sách đến “mê muội” (nhịn ăn sáng dành tiền mua sách, có khi bỏ học ở trường vào thư viện đọc sách, mỗi lần được giấy khen về thành tích học tập thì mong quà thưởng là sách...). Lớn lên tôi đã được thừa hưởng tinh hoa từ tủ sách gia đình (chừng vài trăm cuốn, chủ yếu là sách văn học, tuy nhỏ và ít nhưng ngày đó là một tài sản văn hóa - tinh thần).
 
Là giáo viên dạy Văn đại học (trường đại học KHXH&NV, ĐHQGHN), tất nhiên bây giờ tôi có một tủ sách gia đình chừng vài nghìn cuốn. Hai con trai của tôi theo ngành kinh tế, kỹ thuật nhưng  thích đọc sách văn học từ nhỏ. Tôi muốn nhắc lại lời của các bà mẹ Ixraen thường nói với con cái mỗi đêm “Sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc, châu báu, và trí tuệ là thứ mà không ai có thể cướp đi được. Làm gì thì làm, con phải đọc sách mới đi ngủ!”.
 
 
Hà Nội, 16/9/2018
 
 
Nhà Văn Bùi Việt Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.