“Mở lối” cho nông sản hữu cơ

Chia sẻ

PNTĐ-Để “mở lối” cho NSHC, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về ATTP, trong đó chú trọng sản xuất và sử dụng sản phẩm hữu cơ...

 
Trong các ngày từ 26 - 28/10, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội thảo “Nhận diện rau, thịt, trái cây hữu cơ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018” với sự tham gia của các cơ sở sản xuất nông sản hữu cơ (NSHC), đại diện người tiêu dùng là cán bộ, hội viên phụ nữ của các quận: Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy và Đống Đa.
 
Tham dự hội thảo có ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc HPA, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP.
 
“Mở lối” cho nông sản hữu cơ - ảnh 1
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm rau hữu cơ

Nông sản hữu cơ: Tốt cho người tiêu dùng lẫn nhà nông
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc HPA cho biết: Hội thảo là cơ hội để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng gặp gỡ từ đó có sự hợp tác, kết nối các chuỗi giá trị bền vững, thúc đẩy phát triển sản xuất NSHC. Đồng thời, cung cấp tới người tiêu dùng thông tin về NSHC, kỹ năng nhận diện, nâng cao nhận biết giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt giữa sản phẩm hữu cơ (HC) và sản phẩm thông thường. 
 
Lo ngại thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo ATTP, những năm gần đây, nhu cầu sử dụng NSHC của người dân Hà Nội tăng nhanh, đã thúc đẩy các trang trại, hợp tác xã và bà con nông dân tại Hà Nội chuyển sang canh tác, nuôi trồng và phát triển sản phẩm NSHC, trong đó phát triển mạnh nhất là rau củ quả. Hiện Hà Nội là địa phương trồng rau HC lớn nhất cả nước, với tổng diện tích hơn 50ha. Một số mô hình quy mô lớn như trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất); HTX lúa gạo xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ)… 
 
Theo Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, NSHC phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như: vùng sản xuất không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây ô nhiễm như khói, bụi, chất thải, mùi…; đất trồng và nước tưới phải đảm bảo không có hàm lượng kim loại nặng. Trong quá trình canh tác, các hộ sản xuất phải áp dụng “6 không”: không bón phân hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ, giống biến đổi gien, kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản; khuyến khích nông dân khôi phục các kinh nghiệm canh tác truyền thống, áp dụng trồng các cặp cây cạnh tranh, đối kháng và hỗ trợ nhau; sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục và các loại thảo dược như ớt, tỏi, cúc vạn thọ, sả, lá thuốc lá để xua đuổi côn trùng, diệt sâu hại rau…
 
Không chỉ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, theo bà Hoàng Thị Hậu - Giám đốc HTX rau hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn NSHC còn góp phần bảo vệ sức khỏe nhà nông và môi trường sống do không lạm dụng, sử dụng các loại thuốc hóa học, giảm chi phí đầu vào… 
 
“Bắt tay” chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ
 
28 doanh nghiệp, HTX, tổ sản xuất HC trên địa bàn TP tham gia hội thảo đã giới thiệu nhiều NSHC với người tiêu dùng. Ngoài rau củ, còn có các loại trái cây, gạo, thịt lợn, các sản phẩm chế biến và NSHC nhập khẩu. Tuy nhiên, dư địa để phát triển nông nghiệp HC còn lớn. Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, Hà Nội với vùng ngoại thành rộng lớn vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ. 
 
Theo Ths Trần Mạnh Chiến - chuyên gia chuỗi giá trị nông sản: Tồn tại, vướng mắc lớn nhất hiện nay của NSHC là hệ thống chứng nhận hữu cơ của Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Ở Việt Nam hiện chỉ có Hệ thống đảm bảo có sự tham gia PGS là đơn vị duy nhất cấp chứng nhận HC cho các sản phẩm nông sản tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn HC; các chứng nhận còn lại hầu hết là của nước ngoài có chi phí cao. Không phải đơn vị nào cũng có đủ tiềm lực kinh tế để theo đuổi. Họ đang phải kinh doanh NSHC theo hướng tự phong dẫn đến thật - giả lẫn lộn, gây khó khăn trong việc tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Chưa kể, kết nối liên ngành y tế - nông nghiệp để thông tin cập nhật cho cộng đồng, hướng đến sức khỏe người dân chưa tốt; quản trị kinh doanh chuỗi còn non kém nên chuỗi NSHC ở Hà Nội còn ít, chỉ có khoảng 10 chuỗi.
 
Tại gian hàng giới thiệu rau HC Thanh Xuân, bà Hoàng Thị Hậu - Giám đốc HTX cho biết thêm: Giá thành NSHC còn cao do quá trình canh tác rau HC dài, ví dụ rau cải canh bình thường chỉ cần 20 - 25 ngày là thu hoạch nhưng canh tác theo phương pháp HC thì thời gian kéo dài từ 40 - 45 ngày. Giá thành cao là yếu tố khiến rau HC khó tiếp cận với các hệ thống phân phối lớn. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa được trang bị kiến thức, công cụ thuận tiện để phân biệt thực phẩm bẩn và sạch như: kít thử nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat… nên chưa thật sự yên tâm, tin tưởng.
 
Để “mở lối” cho NSHC, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về ATTP, trong đó chú trọng sản xuất và sử dụng sản phẩm HC như cách tổ chức hội thảo của HPA và Hội LHPN Hà Nội là rất quan trọng để giúp người tiêu dùng nhận diện NSHC thông qua chứng nhận.
 
Bên cạnh đó, theo Ths Trần Mạnh Chiến các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng hệ thống chứng nhận độc lập, tăng cường các dự án marketing cho nông trại đạt tiêu chuẩn HC. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát, kiểm định điều kiện để quy hoạch các vùng sản xuất, dựa vào lợi thế của mỗi địa phương, chọn cây trồng, vật nuôi phát triển cho phù hợp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp HC, hỗ trợ nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. 
 
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Tác dụng của dược chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Tác dụng của dược chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Từ lâu, Đông Trùng Hạ Thảo đã được y học Trung Hoa sử dụng như một loại thần dược chữa bách bệnh nhờ dược chất Cordycepin quý giá của nó. Hàm lượng Cordycepin trong Đông trùng hạ thảo rất dồi dào cũng đồng nghĩa với việc loại dược liệu này đem lại nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người.
Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, những người lao động (LĐ) rời các thành phố về quê gây thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất đã khiến vấn đề an cư cho công nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động diễn ra trong tháng 5 là thời điểm các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp chung tay cùng tổ chức Công đoàn quan tâm, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
“Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với Nông Nghiệp Sạch”

“Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với Nông Nghiệp Sạch”

Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Sạch ngày 29/4 đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội và Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức hội nghị tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ về “Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19 với Nông Nghiệp Sạch” tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị - Quận ủy Cầu Giấy.