Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân

Chia sẻ

PNTĐ-“Công nhân gặp khó, đã có cán bộ Hội sẻ chia”, “Hội là đòn bẩy cho nhiều hoạt động của nữ công nhân”… Đó là cảm nhận trìu mến của nhiều nữ công nhân đang làm việc tại Hà Nội.

 
“Công nhân gặp khó, đã có cán bộ Hội sẻ chia”, “Hội là đòn bẩy cho nhiều hoạt động của nữ công nhân”… Đó là cảm nhận trìu mến của nhiều nữ công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất… trên địa bàn Thành phố về vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ. Bằng nhiều hình thức hoạt động: Tuyên truyền kiến thức pháp luật, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục, thành lập nhà trọ an toàn… Hội đã thu hút chị em tham gia tổ chức Hội, sinh hoạt tại các Tổ, Chi hội Phụ nữ lao động nhập cư, cùng chung tay bảo vệ quyền, lợi ích, nâng cao chất lượng đời sống, trình độ mọi mặt cho nhiều nữ công nhân...
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân - ảnh 1
Được quan tâm, tháo gỡ khó khăn, nhiều nữ công nhân đã có thời gian chăm lo đời sống tinh thần

 
Nơi Hội lắng nghe tiếng nói công nhân
 
Sáng thứ 2 ngày 15/4, mặc dù được nghỉ lễ mừng giỗ Tổ Hùng Vương, đồng chí Lê Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Bối, huyện Đông Anh vẫn có mặt từ sớm tại Nhà văn hóa Khu dân cư Thăng Long, dự buổi sinh hoạt với hơn 20 nữ công nhân.
 
Đặc biệt hơn, trong buổi sinh hoạt lần này còn có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Thành phố và đồng chí Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh… Các nữ công nhân đều vui mừng vì hoạt động sinh hoạt định kỳ của nhóm đã nhận được sự quan tâm của cả 3 cấp Hội Phụ nữ xã, huyện và thành phố. 
 
Mở đầu, đồng chí Lê Thanh Thủy phổ biến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, thông tin về lịch tiêm chủng mở rộng, một số hoạt động Hội… tới chị em. Sau đó, như thường lệ, sau phần thông tin, chị em dành thời gian để tâm sự, chia sẻ khó khăn, vui buồn trong cuộc sống.
 
Nữ công nhân Nguyễn Thị Linh, sinh năm 1996, quê Nghệ An, vui vẻ kể: “Hiện nay, thu nhập của em khoảng trên 5 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm giờ, tổng thu nhập trên 8 triệu. Mỗi tháng, em lại đi phượt với các bạn để biết đây đó”. Nữ công nhân Phùng Thị Ngân lại phấn khởi kể, cuộc sống vật chất, tinh thần của các nữ công nhân hiện đều được cải thiện. Chị em đã có nhiều sân chơi bổ ích như được học võ, nhảy zumba… do Hội LHPN xã tổ chức. 
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân - ảnh 2
Các nữ công nhân học nhảy zumba do Hội LHPN tổ chức

 
Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP rất vui  được thấy gương mặt rạng rỡ của chị em nữ công nhân. Nhiều chị em bận con nhỏ, chị bụng mang bầu nhưng vẫn không nghỉ sinh hoạt Hội. Phó Chủ tịch Hội LHPN TP ủng hộ các nữ công nhân, ngoài thời gian mưu sinh, đã biết chăm lo bản thân, tìm niềm vui để cân bằng cuộc sống thông qua những cuộc đi chơi, giao lưu nhưng “nhắc khéo” chị em vẫn phải tiết kiệm để lo cho cuộc sống, nuôi con, giữ hạnh phúc gia đình.
 
“Hôm nay, đại diện 3 cấp Hội Phụ nữ cùng tham dự buổi sinh hoạt vì chúng tôi muốn hiểu hơn về cuộc sống của các bạn. Qua đó, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền để có thêm  nhiều chương trình, hoạt động dành cho nữ công nhân hiệu quả, hữu ích”.
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân - ảnh 3
Đ/c Nguyễn T. Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh trao giải cho các nữ công nhân trong cuộc thi Kiến thức - Tài năng người lao động 2018

 
Đúng như lời đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN TP khẳng định, các buổi sinh hoạt chính là cơ hội để Hội Phụ nữ lắng nghe tiếng nói của công nhân. Đồng chí Ngô Thị Thúy Hằng nhớ lại, nhiều năm trước, qua sinh hoạt định kỳ, biết được tâm sự của nhiều nữ công nhân lo lắng khi đi qua 3 hầm cầu chui vừa ẩm thấp, vừa tối, nằm trên con đường dẫn từ nhiều nhà máy tới khu nhà ở trên địa bàn xã Kim Chung, Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp với một số tổ chức quốc tế như PLAN, mạng lưới MNET… triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nữ công nhân, phối hợp lên kế hoạch cải tạo, đề nghị chính quyền địa phương làm lại đường dây điện, trang bị hệ thống chiếu sáng; chị em tham gia quét dọn vệ sinh, huy động người vẽ tranh dọc tường hầm chui.
 
Nhờ đó, hiện nay đường về nhà của nữ công nhân nói riêng, người dân nói chung đã an toàn hơn. 
 
Chỉ tính riêng ở xã Hải Bối hiện có 5 nhóm nữ công nhân  (các xã khác như Kim Chung, Võng La, Kim Nỗ, Đại Mạch có 1-2 nhóm) duy trì sinh hoạt Hội Phụ nữ đều đặn một tháng từ 1-2 lần. Dù thời gian sinh hoạt vào buổi tối, hay cuối tuần, nhưng luôn có sự tham dự của đại diện phụ nữ chi tổ, xã, thậm chí là huyện, thành phố.
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân - ảnh 4
Nhiều nhà cán bộ Hội trở thành nơi sinh hoạt Hội định kỳ cho nữ công nhân
 
Thương cán bộ Hội vất vả, nhiều nữ công nhân đã “xung phong” làm nhóm trưởng, nhóm phó của các nhóm công nhân trong tổ phụ nữ, Chi hội Phụ nữ lao động nhập cư, cùng cán bộ Hội gánh vác việc chung. Nhờ đó nhiều chủ trương, thông tin… cán bộ Hội chỉ cần gửi tới nhóm trưởng, nhóm phó là chị em tự truyền đạt tới thành viên trong nhóm đầy đủ, cặn kẽ, kịp thời…  
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân - ảnh 5
Các nữ công nhân trở thành tuyên truyền viên, cùng cán bộ Hội “gánh vác việc chung”

 
Giải tỏa nỗi lo “gửi con vào nơi không an toàn”
 
Là một huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, Chương Mỹ hiện có 1 Khu công nghiệp, 9 cụm điểm công nghiệp và trên 10.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp cá thể đang hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, cùng với đó, là nhu cầu tăng cao về nơi gửi con an toàn của công nhân, người lao động làm việc tại các khu, cụm, điểm công nghiệp.
 
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chương Mỹ, thực hiện Đề án 404 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”, Huyện Hội đã phối hợp, hỗ trợ hoạt động cho các nhóm trẻ mẫu giáo độc lập ở hai xã Ngọc Hòa và Phú Nghĩa - nơi có đông nữ công nhân là người địa phương sinh sống, làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Việc phải tuân theo giờ giấc lao động, có khi là ca kíp đã khiến cho chị em có nhu cầu gửi con tại các nhóm trẻ độc lập tư thục.
 
Nhóm trẻ độc lập Búp Sen Vàng, xã Phú Nghĩa hiện chăm sóc 45 cháu, đa phần là con em công nhân. Cơ sở thực hiện đón trẻ sớm hơn, trả trẻ muộn hơn để phù hợp với thời gian làm việc của công nhân. Học phí của cơ sở này cũng ở mức khiêm tốn, từ 700.000-800.000 đồng tháng/tùy nhóm trẻ nên phù hợp với mức thu nhập của chị em công nhân.
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân - ảnh 6
Đại diện lãnh đạo Hội LHPN huyện Chương Mỹ và xã Phú Nghĩa thăm nhóm trẻ độc lập tư thục Búp Sen Vàng

 
Chị Vương Thị Chuyền chủ nhóm trẻ chia sẻ, chị và các giáo viên thường được Hội LHPN xã mời tham gia các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, kiến thức nuôi dạy trẻ; nhóm trẻ còn được Hội hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ vào các dịp Tết Trung thu hàng năm... Được Hội LHPN hỗ trợ, các nhóm trẻ như Búp Sen Vàng cảm thấy an tâm hơn khi hoạt động.
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân - ảnh 7

 
Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm, nơi có Cụm công nghiệp vừa và nhỏ, đồng chí Bùi Thị Trinh, Chủ tịch Hội LHPN quận cho biết, Quận Hội cũng giúp đỡ 2 nhóm trẻ tại phường Minh Khai theo đề án 404 của Chính phủ. Hàng năm, Quận Hội đều tặng quà trị giá từ 2 đến 4 triệu đồng; phối hợp với phòng Giáo dục quận tập huấn kiến thức kỹ năng cho chủ cơ sở và giáo viên các nhóm trẻ, cách nuôi dạy khoa học, phòng chống tai nạn thương tích, phòng tránh dịch bệnh ở trẻ… Hội PN còn tham gia đoàn giám sát, tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất, bếp ăn tại các cơ sở giáo dục, qua đó góp phần đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn cho trẻ em. 
 
“Niềm vui an cư” trong các nhà trọ an toàn
 
Hiện nay, Đông Anh có khoảng trên 30 ngàn lao động từ các nơi khác đến sinh sống, làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long… Hiểu rằng, nữ công nhân có an cư mới yên tâm lao động sản xuất, Huyện Hội đã phối hợp với chính quyền huyện, xây dựng các mô hình Nhà trọ an toàn.
 
Các nhà trọ này phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về thiết kế xây dựng, chiếu sáng, an ninh tại khu trọ và khu vực quanh khu trọ… Đến nay, trên địa bàn xã Kim Chung, Kim Nỗ, Hải Bối đã có 115 nhà trọ được chính quyền, Hội Phụ nữ địa phương thẩm định, trao giấy chứng nhận và gắn biển để người lao động dễ nhận diện, tìm tới. 
 
Không những thế, các nhà trọ còn là điểm cung cấp thông tin tin cậy về nhà ở, đào tạo nghề, các dịch vụ xã hội… cho hàng ngàn lượt nữ công nhân, người dân trên địa bàn. Đặc biệt, chủ nhà trọ an toàn cũng là cán bộ, hội viên phụ nữ nên có điều kiện “hiện thực hóa” mục tiêu của Hội là chăm lo, bảo vệ tốt hơn đời sống nữ công nhân. 
 
Công nhân Lương Thị Quyên, quê Thái Bình, hiện đang ở trọ tại khu trọ của chị Phạm Thị Hợp, Chi hội trưởng Phụ nữ số 2, thôn Bầu, xã Kim Chung kể: “Hai vợ chồng mình thu nhập còn khiêm tốn, chỉ trên dưới 10 triệu đồng/ tháng. Tiền ít, nhưng mình hài lòng vì thuê được nhà trọ an toàn”. Chẳng cần đi lại xa, Quyên và nhiều nữ công nhân khác vẫn được tham gia sinh hoạt Hội, tiếp cận tủ sách pháp luật đặt ngay tại nhà của chủ trọ. 
 
Trong khi đó, các gia đình công nhân đang ở khu nhà trọ của chị Lê Thị Lương lại nhớ về chị Lương với sự tận tình, chu đáo. Công nhân bận có thể nhờ chị Lương giúp đón con, cho con ăn giúp họ. Cuối năm, chị tổ chức tiệc chia tay trước khi các gia đình công nhân về quê đón Tết, còn công nhân thì mua quà, bánh biếu chủ nhà thay lời cảm ơn. Nhà trọ của chị có quy định chặt chẽ, 23h khóa cửa khu trọ. Tại đây chưa từng xảy ra vụ va chạm, cãi lộn nào. 
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân - ảnh 8
Chị Lê Thị Lương, hội viên phụ nữ xã Kim Chung, Đông Anh chủ nhà trọ an toàn đang phổ biến kiến thức tới nữ công nhân thuê trọ 

 
“Những khu nhà trọ an toàn của hội viên phụ nữ đã giúp nhiều nữ công nhân như mình an tâm hơn” - Nguyễn Thị Thảo, quê Thái Bình, 22 tuổi làm việc tại KCN Bắc Thăng Long tâm sự.
 
Thực tế điều kiện sống, sinh hoạt tại các Nhà trọ an toàn cũng chưa thật tiện nghi, rộng, thoáng mát nhưng lại phù hợp với mức thu nhập của phần lớn công nhân. Song, những khó khăn vật chất thường vơi đi bởi sự cảm thông, chân thành chia sẻ gúp đỡ của cán bộ hội viên phụ nữ nơi chị em tạm cư. Cảm thấy ấm lòng hơn, được ứng xử như người thân trong nhà là tình cảm chị em nữ công nhân nhập cư cảm nhận được khi tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ.
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.