Cuốn sách giúp em thêm yêu vị Cha già dân tộc

Chia sẻ

PNTĐ-Bác Hồ-vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, được nhà văn Sơn Tùng kể lại chân thật trong nhiều tác phẩm của ông, nhưng cuốn sách mà em ấn tượng nhất là “Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng”.

 
Cuốn sách giúp em thêm yêu vị Cha già dân tộc  - ảnh 1

 
Năm 1981, dựa trên kịch bản về Bác Hồ ở giai đoạn tuổi đôi mươi “Con đường năm ấy” và những tư liệu mới thu thập được, nhà văn Sơn Tùng cho ra đời tiểu thuyết “Búp sen xanh” đã được chính nhà văn chuyển thể Tiểu thuyết này thành kịch bản văn học phim mang tên “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng” (sau này dựng thành phim có tên “Hẹn gặp lại Sài Gòn”), để tô đậm hơn hình ảnh của Bác với nhiệt huyết lẽ sống tuổi trẻ, khắc họa sâu sắc hơn câu chuyện tình cảm của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với cô gái miền Nam, Lê Thị Huệ (Út Huệ). 
 
Tác phẩm đã cho em hiểu hơn về Bác ở tuổi đôi mươi với ý chí sắt đá và lòng yêu nước sôi sục, luôn nung nấu ý tưởng đi nhiều nơi để tìm đường giải phóng dân tộc. Trải qua hành trình xuyên suốt những tháng ngày là học trò của trường Quốc học Huế, là thầy giáo ở trường Dục Thanh, là phu khuân vác ở Bến cảng Nhà Rồng cho đến ngày lên tàu rời xa Tổ quốc, tình tiết nào cũng hiện lên nỗi lòng đau đáu của Bác muốn giải thoát nhân dân khỏi lầm than, khổ cực khi đất nước bị thực dân Pháp đô hộ.
 
Tác phẩm mở ra với hình ảnh chàng sinh viên Nguyễn Tất Thành ôm cặp khóc đến quên cả đường về, vì hiệu trưởng trường mắng học trò là “dân nô lệ”. Anh tâm sự với Út Huệ: “Tôi thấy nhục quá. Cứ nghĩ tới là đau thắt ruột, không cầm được nước mắt cô Huệ ạ”. Tất Thành không ngừng suy nghĩ về vận nước qua những hình ảnh vua phải đi đày, các chí sĩ yêu nước lên máy chém, dân sống trong cảnh nước mất, nhà tan. Đan xen đó là hồi ức về gia đình, tuổi thơ, xuất xứ, thân thế của Nguyễn Tất Thành. 
 
Sau sự việc cùng học trò trường Quốc học Huế tham gia giúp những người biểu tình chống thuế ở Trung kỳ (1908) Nguyễn Tất Thành cũng phải rời Huế vào Phan Thiết dạy học. Thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, Tất Thành tiếp xúc với các nhà nho yêu nước, nhưng anh không hoàn toàn tán thành phương pháp của các nhà nho lúc bấy giờ. Anh thấy “cần quyết định con đường đi của riêng mình”. Rồi anh từ Phan Thiết vào Sài Gòn làm phu khuân vác để tìm cách ra nước ngoài học hỏi tinh hoa của thế giới để giải phóng dân tộc mình. Trong hành trình ấy, tác giả miêu tả một Tất Thành lúc nào cũng nung nấu ý chí sắt đá, gạt tình riêng để vì nghĩa lớn, quyết tâm thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. 
 
Bên cạnh đó, nhà văn Sơn Tùng tập trung khắc họa tình cảm đẹp của cô gái Út Huệ với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Tình cảm này được nhen lên từ thời kỳ Nguyễn Tất Thành còn là học sinh trường Quốc học Huế cho tới khi anh lên tàu ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5/6/1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville.
 
Trong cuộc tiễn biệt trên Bến Nhà Rồng, với tâm thế một chàng trai ra đi vì nghĩa cả, Nguyễn Tất Thành đã trao tình cảm trong sáng, sâu nặng cho Út Huệ: “Chiếc lược này là của mẹ anh. Nó là kỷ vật cha anh sắm cho mẹ lúc vào Kinh đô thi Hội. Mẹ anh chải tóc bằng cái lược này qua nhiều năm tháng. Ngày mẹ anh qua đời, anh cất giữ cái lược bên người cho tới hôm nay. Anh trao em cái lược này thay cho tiếng thiêng liêng mà em hằng chờ đợi”. Út Huệ là người cuối cùng đưa tiễn Nguyễn Tất Thành lên tàu rời Bến cảng Nhà Rồng, rời Việt Nam, sang Pháp. Ở lại Sài Gòn, Út Huệ vẫn dõi theo, đợi chờ mà không biết khi nào được gặp lại.
 
Phần phụ lục của sách có kể chuyện nhà văn Sơn Tùng đi tìm Út Huệ và gặp lại bà khi đã là một nhà tu hành ở tuổi 80. Nhà văn phải lui tới 18 lần, đến khi thực sự tin cẩn, bà mới hé mở dần về tình cảm sâu sắc bà dành cho Bác. Và bà dặn thêm: “Khi nào tôi qua đời, ông có viết gì thì viết... Còn bây giờ thì không nên. Có người sẽ cho rằng tôi thấy sang bắt quàng làm họ”. Qua “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng” cho em hiểu rõ hơn về gia thế và càng cảm phục người con gái suốt đời chờ đợi Nguyễn Tất Thành.
 
Nhà văn Sơn Tùng chia sẻ trong sách: “Tôi viết kịch bản này bằng cả trái tim yêu Bác. Người Việt Nam ai cũng yêu Bác. Nhưng chẳng ai dám tự cho mình là người yêu Bác hơn ai... Tôi yêu Bác mà đã nhớ được, ghi chép được dăm ba mẩu chuyện nho nhỏ về cuộc đời vĩ đại của Người. Tôi viết lại thành những mẩu nho nhỏ ấy với lòng thành, góp phần kể lại đời hoạt động của Vị Cha Già Dân Tộc”. 
 
Đây là một tác phẩm rất có giá trị, giúp chúng em hiểu hơn về tuổi trẻ của Bác, để thấy thêm yêu vị lãnh tụ vĩ đại mà rất đỗi giản dị, gần gũi với nhân dân, đất nước. Qua đó chúng em, những học sinh lớn lên trong hòa bình của đất nước, thầm cảm ơn Bác và các thế hệ cha ông, đã hi sinh hạnh phúc của bản thân mình để đem lại độc lập tự do cho dân tộc. Càng cảm phục, chúng em càng thấy phải chăm ngoan và cố gắng nhiều hơn, để đáp đền công ơn Bác kính yêu.
 
 
Nguyễn Trần Minh Khuê 
Lớp 6A3 Trường THCS Trung Hòa - Cầu Giấy - HN

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.