"Hậu phương" của các nhà báo nữ

Chia sẻ

PNTĐ-Để giữ được lòng đam mê nghề báo đối với các nhà báo nữ không dễ dàng nếu thiếu đi sự hậu thuẫn từ gia đình. Ngày 21/6 hãy cùng nghe họ chia sẻ về “hậu phương” của mình.

 
Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập báo Nhà báo và công luận: 
Thiếu hậu thuẫn của gia đình, nhà báo nữ khó “vẹn toàn”
 

 
Tính đến năm 2019, tôi bước vào nghề báo tròn 20 năm, đến với nghề vì sự tình cờ và ở lại cho đến bây giờ vì một chữ duyên không thể dứt. 
 
20 năm làm nghề đối với tôi là 20 năm cố gắng để có thể chu toàn trọn vẹn cả công lẫn tư mà chúng tôi thường trêu nhau là “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Trong vòng quay của báo chí hiện đại, áp lực xuất bản của các ấn phẩm báo chí điện tử, bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp nữ không có khái niệm về 8 giờ làm việc hành chính, cần là phải ôm máy tính duyệt bài bất cứ thời điểm nào, phải lên đường dù mình vừa mới trở về từ một chuyến công tác dài… Cho nên, tôi cũng chẳng thể tránh khỏi những giận hờn, bực bội từ phía người thân, chạnh lòng khi mình chưa thật sự chu toàn cho con cái.
 
Công việc và gia đình, bạn chọn cái nào để ưu tiên? Chắc chắn đa phần sẽ trả lời là làm tốt cả hai. Nhưng để làm tốt cả hai việc đó cùng lúc quả thực rất khó khăn nếu như bạn không có được sự hỗ trợ tối đa của gia đình. Tôi đã may mắn nhận được sự hậu thuẫn từ gia đình rất nhiều. Bởi phụ nữ làm báo thực chất phải hy sinh rất nhiều. Công việc cường độ cao và áp lực nặng nề, nếu như không tìm được sự đồng cảm, cảm thông và chia sẻ từ phía gia đình thì sẽ chỉ có một tỉ lệ nhỏ giữ được mái ấm gia đình một cách trọn vẹn.
 
Với tôi, sự thành đạt của người phụ nữ không phải là chức vụ, quyền lực, hay kiếm được thật nhiều tiền mà đó là làm tốt công việc mình yêu thích, bảo đảm cho cuộc sống gia đình yên vui, nuôi dạy con cái nên người, vợ chồng tôn trọng và yêu thương. Nói thì đơn giản nhưng để được những điều đó không dễ chút nào... Nếu các anh làm việc muộn, chắc chắn sẽ nhận được từ vợ một ly nước cam, một món ăn nhẹ. Nhưng nếu chúng tôi làm việc muộn, chắc không nhiều người nhận được sự quan tâm ấy.
 
Vất vả, gian nan và mệt nhọc là vậy nhưng chưa bao giờ những nữ phóng viên, nhà báo đưa lên bàn cân để cân đong, đo đếm sự được mất của nghề. Bởi với họ, dù vất vả, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng thì nghề báo luôn đem tới cho họ nhiều điều. Mỗi lần xách ba lô đi là một lần trải nghiệm với bao cung bậc cảm xúc, những nỗi trăn trở. Là sự vui mừng khi họ được thay mặt những người dân “thấp cổ bé họng”, những người nghèo khó được nói lên, phản ánh những khó khăn, nỗi oan sai mà người dân đang phải gánh chịu. 
 
Nhà báo Hoàng Thiên Nga - Trưởng VPĐD báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên:
Chồng con luôn ở bên mỗi khi tôi “cầu viện”
 

 
Vào nghề báo tới nay được 25 năm, tôi vẫn thấy đây là một nghề đặc biệt: Vừa được tự do, cởi mở, phóng khoáng về giờ giấc, sinh hoạt, trang phục, di chuyển, cách thức tác nghiệp; vừa phải vô cùng cẩn trọng, kỹ lưỡng trong từng câu chữ, chi tiết, phải hiểu biết nhiều khía cạnh, lĩnh vực. Nghề này còn buộc phóng viên phải sáng suốt giữ mình không sa ngã, không thể mua chuộc, không sợ bị đe dọa, mà trái tim vẫn nồng ấm trắc ẩn để sẵn sàng cứu giúp nhiều cảnh đời éo le. 
 
Những năm mới vào nghề, độc thân thảnh thơi, dồi dào sinh lực và nhiệt huyết, tôi vẫn thường công tác liên tỉnh, thậm chí xuyên Việt bằng xe máy với đồng nghiệp. Tôi yêu thích những chuyến đi để mở rộng tầm mắt và vốn sống nên chuyến đi nào cũng hào hứng say mê. Sau này, tòa soạn giao cho tôi thêm nhiều nhiệm vụ khác, trong đó phần việc chiếm nhiều thời gian nhất là tổ chức mạng lưới “be quét” thông tin trên toàn khu vực, giành nhiều thời gian để hướng dẫn cách viết và biên tập tin bài cho các phóng viên, cộng tác viên. 
 
Cách làm báo hiện đại đòi hỏi hơn bao giờ hết tốc độ làm việc và  kỹ năng xử lý thông tin “nhanh - đúng - trúng”, nên tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác phải chăm lo tin bài cho cả báo giấy lẫn báo điện tử, nhất là bộ phận Thư ký tòa soạn. Chúng tôi phải thường xuyên làm việc căng thẳng, tập trung hơn chục tiếng mỗi ngày, thậm chí gấp đôi số giờ hành chính thông thường. Ngoài việc quản lý, thỉnh thoảng tôi vẫn xa nhà với những chuyến đi thực tế tìm đề tài hay, gặp nhân vật đặc biệt, điều tra giúp dân tháo gỡ oan sai, trải nghiệm để viết phóng sự, ký sự, và tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện khác nữa sau mặt báo. 
 
Thường xuyên chia sẻ mọi buồn vui nghề nghiệp với những người thân trong gia đình, tôi được chồng con thấu hiểu và cảm thông về cường độ làm việc, sức ép quan hệ lắm khi rất phức tạp và nhiều cạm bẫy. Chồng con tôi thường thông cảm, động viên, tạo điều kiện thậm chí luôn sẵn sàng đáp ứng mỗi khi tôi “cầu viện”, hỗ trợ cả nhân - tài - vật - lực cho tôi làm tốt mọi việc cho cơ quan . Nhiều khi cuối tuần, cả nhà vẫn phải vui lòng “nhường” tôi lại cho những người dân từ xa mang đơn thư hồ sơ tìm đến nhờ giúp đỡ, một cách nhiệt tình và tốt bụng.      
 
Chồng tôi là một mẫu đàn ông hiện đại, không muốn vợ mình loay hoay với bếp núc. Chỉ đôi khi, anh không hài lòng, xót vợ khi thấy tôi vì yêu nghề mà lao vào những vụ việc gian khó, hiểm nguy. Các con tôi được giáo dục phải tự lập trong mọi sinh hoạt từ sớm, nhà lại có một cô giúp việc gắn bó dài lâu, nên tôi may mắn không quá bận rộn việc nhà. Để gia đình luôn đúng nghĩa mái ấm, ngoài những chuyến công tác ngoại tỉnh, tôi thường từ chối mọi lời mời tiệc tùng vui chơi để sum vầy với chồng con trong các bữa cơm giản dị mà gần gũi, quan tâm chăm sóc lẫn nhau, yêu thương và gắn bó. 
 
 
Nhà báo Ngô Thị Thanh Thủy - Phó trưởng phòng Văn hóa - Ban Văn hóa xã hội - Đài Tiếng nói Việt Nam:
Chồng và mẹ chồng giúp tôi giữ “lửa nghề”
 

 
Tính ra, tôi đã vào nghề được 30 năm. Nhưng để là một nhà báo thực thụ có thể tác nghiệp độc lập thì tôi lấy dấu mốc năm 1993 với chuyến công tác đầu tiên đi dọc dải miền Trung và miền Nam trở về, tôi có một loạt tác phẩm trong đó có phóng sự “Tìm đến những người con ưu tú của dân tộc” được Giải báo C chí toàn quốc viết về người cao tuổi. Đó là nguồn động lực lớn giúp tôi tự tin bước tiếp với nghề của mình. Nghề nào cũng có kiểu vất vả riêng, nhưng nghề báo với nữ có một hạn chế là phải di chuyển nhiều, đi công tác xa nhà buộc phải khiến bạn làm hai việc.
 
Một là công tác tư tưởng để chồng, con thông cảm. Hai là sắp xếp việc gia đình hợp lý, khoa học. Suốt cả thời gian dài tôi đi công tác nhưng vẫn làm Trưởng Ban phụ huynh của lớp cả hai con (lần lượt), mua thức ăn đầy đủ trước khi đi công tác và tập huấn cho các con biết nấu ăn đơn giản để tự phục vụ bữa trưa… Cái đó phải kiên trì, khi đã vào nề nếp thì công việc cơ quan và việc nhà đều chạy êm xuôi. Dù việc luôn áp lực, nhưng nếu ta tìm cách giải tỏa hợp lý, kể cả việc cho con đi chơi, đi xem phim… thì mình vẫn có thể vượt lên...
 
Tôi phải cảm ơn mẹ chồng tôi và chồng tôi đã thông cảm với nghề nghiệp của con dâu, của vợ, chăm sóc con cái khi chúng còn nhỏ mỗi lúc tôi vắng nhà. Chồng tôi cũng làm ở ngành nghề đòi hỏi phải trực và tác chiến bất thường, nhưng chúng tôi phối hợp ăn ý trong vấn đề chăm nom các con. Trong tình cảm vợ chồng, cả hai phải tạo niềm tin đối với nhau thì mọi việc sẽ ổn.
 
Nghề nào cũng cần đam mê, với tôi nghề báo là duyên, là ước mơ tuổi trẻ… Thời đi học tôi mơ ước viết ra những điều mà người khác muốn nói nhưng không viết được để sẻ chia và cảm thông với những thân phận kém cỏi. Và sau này, nghề báo đã giúp tôi làm được việc ấy.
 
  
Hạ Thi (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.