Thanh toán không dùng tiền mặt: Nhanh, nhưng chưa tiện

Chia sẻ

PNTĐ-Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet cùng với một phần mềm tài chính (như ví điện tử) được cài đặt là người dân đã có đủ các điều kiện cần để mua sắm...

 
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet cùng với một phần mềm tài chính (như ví điện tử) được cài đặt là người dân đã có đủ các điều kiện cần để mua sắm, thanh toán trực tuyến vào bất cứ thời gian nào trong ngày, trong tuần một cách nhanh chóng, dễ dàng. 
  
Điện thoại thông minh thành ngân hàng di động
 
Cơ quan trả lương hàng tháng qua tài khoản ngân hàng nên từ gần nửa năm nay, chị Nguyễn Thị Mai Phương, 50 tuổi, ở phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm thường xuyên sử dụng dịch vụ smart banking (dịch vụ ngân hàng thông minh trên điện thoại di động) cho các hoạt động mua sắm, chi tiêu hàng ngày từ chuyện mua đồ ăn thức uống, quần áo đến chi trả tiền điện, nước, truyền hình…
 
Ngoài việc thanh toán các khoản chi thường xuyên cho gia đình, chị Mai Phương còn nhận luôn cả việc thanh toán tiền điện, nước, truyền hình hàng tháng cho bố mẹ mình - hiện đang sinh sống tại một quận nội thành khác ở Hà Nội. Ngay cả khi mua thực phẩm hàng ngày, nhất là tại siêu thị, thanh toán bằng thẻ hoặc chuyển khoản chị còn được giảm giá, chiết khấu một số tiền nhất định. 
 
Không chỉ sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng, chị Phạm Hồng Thắm ở phố Đền Lừ, quận Hoàng Mai còn ưa thích mua sắm thông qua App (ứng dụng phần mềm) trên điện thoại di động. Khác với dịch vụ ngân hàng chỉ giới hạn ở một số khoản thanh toán nhất định (điện, nước, vé máy bay…) dịch vụ do app cung cấp đa dạng, phong phú như thanh toán thẻ điện thoại, vé xem phim, vé tàu xe, ăn uống, bảo hiểm, đặt phòng khách sạn, thậm chí cả nộp phí quản lý, bảo trì chung cư… Trong đó, nhiều khoản thanh toán bằng app, khách hàng còn nhận được thêm chiết khấu, giảm giá trực tiếp bằng tiền và các dịch vụ do app cung cấp đều miễn phí giao dịch nên rất kích thích, thu hút người dùng. 
 
Cần đa dạng hóa đối tượng sử dụng
 
Tuy thói quen thanh toán không tiền mặt đang dần thay đổi nhưng theo bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng tiểu ban Chính sách Hội thẻ Việt Nam, sự thay đổi này còn chậm, tập trung ở các TP lớn với đối tượng là người tiêu dùng trẻ, khu vực nông thôn ngoại thành - tập trung dân số đông và bộ phận người trung niên, lớn tuổi chưa được chú trọng; sự thiếu đồng bộ trong cách thức và phương thức thanh toán, thiếu điểm chấp nhận thẻ, nhất là khu vực công như bệnh viện, trường học... - vốn là dịch vụ thiết yếu với người dân nên khi thanh toán, người dân vẫn phải duy trì cách thức sử dụng tiền mặt.
 
Việc gia tăng tội phạm chiếm đoạt tài sản trong thanh toán điện tử với các thủ đoạn tinh vi khiến nhiều khách hàng, nhất là người lớn tuổi e ngại trong khi công tác truyền thông tới khách hàng rất hạn chế, nhất là thông tin liên quan đến bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân. Với nhóm đối tượng trên, cách thức an toàn nhất vẫn là “tiền tươi, thóc thật” nằm trong tay.
 
Bên cạnh đó, ngay tại TP lớn, ngoài hệ thống phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… duy trì các máy chấp nhận thanh toán thẻ; còn lại khu vực chợ dân sinh, cửa hàng kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ… cung cấp nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, hình thức này vẫn còn rất xa lạ. 
 
Một con số đáng lưu tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố, ngay trong các giao dịch thương mại điện tử, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt chiếm con số khiêm tốn (3-5% lượng giao dịch) trong tổng giá trị giao dịch đạt 8 tỷ USD, 80% khách hàng mua qua mạng nhưng lại… trả tiền mặt. Nói như vậy để thấy mở rộng thanh toán không tiền mặt là việc không dễ dàng trong ngày một ngày hai mà cần nhiều việc phải làm và làm đồng bộ.
 
Bà Nguyễn Hồng Vân cùng một số chuyên gia kinh tế nhận định, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng tiện lợi, an toàn, nhanh chóng, quan trọng là cần đẩy mạnh truyền thông một cách bài bản trên diện rộng với nhiều nhóm đối tượng người dùng về các vấn đề liên quan, trong đó nhấn mạnh đến tiện ích, tính bảo mật, lựa chọn kênh mua sắm uy tín. Chưa kể, các đơn vị cung cấp dịch vụ phải đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. 
 
Nguyễn Hương 

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.