Khoảng tối vợ chồng sống ly thân

Chia sẻ

PNTĐ-Trong cuộc sống hiện nay, một bộ phận vợ chồng đã nhận thức không đúng về ly thân, để rồi vô tình hoặc cố ý gây nên những bi kịch cho bản thân lẫn gia đình...

 
Ly thân được xem là một giải pháp để vợ chồng có khoảng thời gian bình tĩnh nhìn nhận lại cuộc sống hôn nhân đang có vấn đề của mình, để rồi đưa ra giải pháp hàn gắn lại hạnh phúc. Tuy nhiên, không ít người lại biến quá trình sống ly thân trở thành một căn cứ để kết thúc hôn nhân theo ý mình nhanh chóng hơn. 
 
Cố tình ly thân để ly hôn  
 
Sau hơn 10 năm chung sống, cuộc hôn nhân của chị Trần Thị Thùy Dương xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chồng chị bồ bịch lăng nhăng bên ngoài. Chị Dương là người coi trọng danh dự gia đình và bản thân do công việc ngoài xã hội cũng có chút địa vị. Do vậy, chị đã nhiều lần tha thứ cho chồng, những mong bảo vệ hạnh phúc hôn nhân. Tuy nhiên, chồng chị vẫn chứng nào tật nấy, khiến vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, lục đục. Anh chồng liên tục đòi ly hôn nhưng chị không đồng ý vì không muốn mang tiếng ly hôn. Tuy nhiên, cứ sống mãi trong cảnh vợ chồng cãi vã nhau cũng không hay, ảnh hưởng đến con cái nhiều. Một ngày, chồng chị Dương đề cập đến việc hai người sống ly thân một thời gian để “giảm nhiệt” mâu thuẫn. Khi anh nói ra chuyện sống ly thân, chị đồng ý vì cũng muốn tìm được một giải pháp với cuộc hôn nhân đang bế tắc. 
 
Khoảng tối vợ chồng sống ly thân - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Việc sống ly thân của họ cũng được chị “hợp thức hóa” với gia đình hai bên và các con là chồng chị phải đi biệt phái công tác một thời gian. Chồng chị âm thầm dọn ra ngoài sống riêng còn ba mẹ con chị vẫn sống trong ngôi nhà cũ. Mọi nếp sinh hoạt trong gia đình được chị Dương giữ ổn định, thỉnh thoảng chị nhắn tin nhắc chồng phải gọi điện về hỏi thăm, quan tâm các con để chúng không nghi ngờ, vẫn tin là bố đi công tác xa. Chị cứ nghĩ chồng cũng giống như mình tạm thời sống ly thân để có cơ hội hàn gắn lại hạnh phúc. 
 
Chuyện vợ chồng chị sống ly thân bị vỡ lở khi tình cờ đứa con học lớp 10 nhìn thấy bố đèo một người phụ nữ đi trên đường. Bữa đó, nó âm thầm bám theo và phát hiện ra sự thật bố đang chung sống với nhân tình bên ngoài. Khi sự việc không còn giấu được, anh chồng tuyên bố với hai bên gia đình là vợ chồng đã hết tình cảm nên mới sống ly thân và giờ sẽ ly hôn. Bấy giờ, chị mới vỡ lẽ, chồng chị cố tình sống ly thân và việc đó làm căn cứ để được ly hôn nhanh chóng hơn. 
 
Trong lá đơn ly hôn do anh viết cũng nêu rõ nguyên nhân dẫn đến cuộc hôn nhân chấm dứt là mâu thuẫn vợ chồng không thể giải quyết nổi, chị Dương cũng không có ý định níu kéo nên đã chấp nhận sống ly thân. Và, sau một thời gian sống ly thân, anh nhận thấy vợ chồng không còn tình cảm nên giải pháp ly hôn là tốt nhất cho cả hai. Hóa ra, đối với anh ta, ly thân là bước đệm để việc ly hôn cho thuận lợi hơn. 
 
Khi ra tòa, mọi nỗ lực níu kéo hôn nhân của chị Dương cũng không mấy tác dụng bởi toà cũng căn cứ vào việc họ đã có một thời gian sống ly thân nhưng vẫn không thể tìm được phương pháp để hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng, tình cảm không còn nên đã giải quyết cho họ ly hôn.
Chị Dương không phải là trường hợp duy nhất bị chồng “cài bẫy” sống ly thân để làm căn cứ ly hôn. Thực tế cho thấy có không ít phụ nữ vô tình rơi vào “bẫy ly thân” của những ông chồng có mối quan hệ ngoài luồng muốn phá bỏ hôn nhân để đến với tình mới. 
 
Đang hạnh phúc yên ấm với gia đình thì một ngày chồng chị Yến (Hà Đông, HN) say nắng một cô chủ quán cà phê đa tình. Kết quả của mối tình vụng trộm ấy là đứa con riêng ra đời. Sau khi sinh con, cô nhân tình dụ dỗ chồng chị Yến về ly hôn vợ để đến sống hợp pháp cùng mình. Anh chồng ăn phải bùa mê tình ái nên quay về ruồng rẫy vợ con, nhưng chị Yến nhất định không ly hôn. Chị tuyên bố dù chết cũng không chấp nhận ly hôn để nhân tình của chồng đạt được mục đích “cướp chồng” của mình.
 
Không ly hôn được, anh chồng dùng đủ mọi cách tra tấn tinh thần vợ. Rồi một ngày, anh ta quay về ngọt nhạt với vợ rằng, hai vợ chồng nên sống ly thân một thời gian để nhìn nhận lại tình cảm của mình. Anh ta còn đưa ra mốc thời gian 6 tháng để giải quyết các vấn đề bên ngoài rồi quay về sống với vợ con không còn vướng bận. Nếu không, cô bồ của anh ta sẽ tìm đến gây rối khiến gia đình sống không yên ổn, chị cũng mất danh dự, anh mất công việc. Vì cô nhân tình kia dọa sẽ công khai chuyện tình cảm của họ để cho anh thân bại danh liệt luôn. Chị Yến đồng ý với giải pháp chồng đưa ra. Chị cũng hi vọng, anh sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề với người phụ nữ kia để quay về với gia đình. 
 
Nhưng rồi, mọi chuyện không như dự tính của chị. Hết 6 tháng, chồng chị quay về không phải để đoàn tụ gia đình mà với một lá đơn ly hôn viết sẵn. Trong đơn xin ly hôn, chồng chị cũng viện cớ đã thử sống ly thân để suy nghĩ tìm giải pháp hàn gắn nhưng không thể cứu vãn cuộc sống vợ chồng khi đã "hết tình hết nghĩa". Chị Bình cay đắng không ngờ với việc đồng ý ly thân, chị đã tạo cơ hội cho anh chồng thúc đẩy quá trình ly hôn nhanh chóng hơn. Giá như chị không chấp nhận sống ly thân thì chồng chị sẽ không có cơ hội gần gũi tình nhân để rồi đẩy gia đình vào con đường ly tán.
 
 Nhức nhối “ly thân tại gia”
 
 Thực tế, có nhiều cuộc hôn nhân đang có vấn đề trầm trọng nhưng vì không muốn đổ vỡ ngay để tránh tổn thương cho con cái và ảnh hưởng đến danh dự, địa vị đang có. Trong trường hợp này, giải pháp sống ly thân được xem là tối ưu nhất đối với các cặp vợ chồng. Nếu "nguỵ trang" khéo léo, họ có thể vẫn duy trì được cuộc sống gia đình dù bên trong tình cảm đã "đường ai nấy đi". 
 
Ngoài bộ phận vợ chồng ly thân sống ở hai nơi khác nhau thì hiện nay còn có một số cặp vợ chồng chọn  sống "ly thân tại gia". Nghĩa là họ vẫn sống chung một nhà, ăn cùng một mâm nhưng giường ai nấy ngủ, việc ai nấy làm. Hai người vẫn có trách nhiệm chung với con cái để che mắt người thân và mọi người xung quanh. 
 
Kể với chuyên gia tư vấn, chị Lê Thu Ngà (40 tuổi) cho biết hai vợ chồng chị đã “ly thân tại gia” gần 5 năm nay. Hai người không còn tình cảm với nhau nhưng không ly hôn vì lý do tôn giáo. Giải pháp cho cuộc sống hôn nhân bế tắc là “ly thân tại gia”. Trên danh nghĩa, họ vẫn là vợ chồng sống cùng nhà nhưng kể từ ngày không còn chung giường, chồng chị bỏ mặc vợ con. Một mình chị vật lộn để nuôi dưỡng con cái. Thậm chí từ ngày sống ly thân đến nay, anh ta còn chung sống với một phụ nữ khác như vợ chồng bên ngoài, thỉnh thoảng mới đi về với vợ con cho “phải phép” với gia đình hai bên. Anh ta bảo hai người sống ly thân nên mỗi người có quyền tự do trong các mối quan hệ cá nhân của mình. Nếu thích, chị cũng có thể tìm cho mình người đàn ông khác để “an ủi”. 
 
Không vì lý do tôn giáo nhưng vợ chồng anh Lê Trung Kiên (45 tuổi) cũng không thể ly hôn vì lý do con cái và gia đình hai bên. Sống ly thân bên ngoài thì họ không có điều kiện do eo hẹp về kinh tế, khó khăn về chỗ ở nên đánh sống “ly thân tại gia”. Theo vợ anh, một khi tình cảm vợ chồng không còn thì ly hôn là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên điều chị chấp nhận cuộc sống ly thân là vì hai đứa con. Chị vẫn muốn chúng hiểu rằng gia đình vẫn chưa đổ vỡ, vẫn còn cuộc sống đủ cả cha lẫn mẹ, không phải chịu cảnh ly tán như những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn khác.
 
Thế nhưng khi ly thân, chồng chị lại đánh đồng việc đó giống như đã ly hôn. Không những chạy trốn trách nhiệm với con cái mà anh chồng còn để lại trong chúng một cái nhìn không tốt đẹp về hình ảnh người cha đáng kính. Chính cách sống của chồng chị đã tác động mạnh đến tâm lý của hai đứa con rất lớn. Dù bố mẹ nói không bỏ nhau, nhưng trong mắt chúng, bố đã bỏ mặc chúng và ngang nhiên vui thú bên người đàn bà khác. Kết quả là cả hai đứa con chị rơi vào trạng thái trầm cảm, sống tiêu cực. Bởi kể từ ngày căn nhà được ngăn ra làm đôi, mỗi người một "giang sơn".
 
Vì không còn tình nghĩa nên mỗi người đều có thể thoải mái trong các mối quan hệ và chuyện riêng tư của mình. Chỉ có duy nhất những đứa con đứng giữa chứng kiến cảnh bố mẹ tương tàn. Bên này bố ốm nằm co ro, bên kia mẹ dửng dưng không một lời hỏi thăm. Bên này bố tình tứ với một người đàn bà khác, bên kia mẹ bất chấp... cứ thế những cảnh nhức nhối ấy ngày càng buốt nhói trong lòng mỗi người con. Để rồi đứa chán nản học hành sa sút, đứa sống trầm cảm tự ti, đứa trở nên bất cần đời.
 
Ly thân vốn dĩ được hiểu là hai vợ chồng không ăn ở chung, không sinh hoạt vợ chồng. Mục đích của ly thân là giảm bớt những mâu thuẫn, xung đột gay gắt hiện tại, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đây là khoảng thời gian để vợ chồng nhìn nhận lại mối quan hệ, tha thứ, khắc phục lỗi lầm để củng cố hôn nhân bền vững hơn.
 
Mặt khác, ly thân cũng không đồng nghĩa với việc chấm dứt quan hệ pháp lý giữa hai vợ chồng. Nghĩa là họ vẫn có đầy đủ  quyền và nghĩa vụ với con cái và tài sản chung. Việc quan hệ ngoài tình cảm và chung sống với người khác trong thời gian sống ly thân là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo Luật Hôn nhân và gia đình. Tiếc là trong cuộc sống hiện nay, một bộ phận vợ chồng đã nhận thức không đúng về ly thân, để rồi vô tình hoặc cố ý gây nên những bi kịch cho bản thân lẫn gia đình, nhất là con cái phải chịu hệ lụy nặng nề.
 
 
Thạch Thảo

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.