"Thổi hồn" cho nông thôn mới

Chia sẻ

PNTĐ-Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” đã thổi luồng gió mới vào khu vực nông thôn...

 
Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” đã thổi luồng gió mới vào khu vực nông thôn ngoại thành rộng lớn của Thủ đô. Nhiều tiềm năng được đánh thức cùng với sự sáng tạo, cần cù của những nhà nông đã góp phần thay đổi diện mạo, biến những vùng đất khó khăn, lạc hậu trở thành miền quê khang trang, trù phú và giàu đẹp.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của huyện Gia Lâm

 
Sức bật mạnh mẽ của vùng đất nghèo
 
10 năm trước, Yên Bình là xã miền núi của tỉnh Hòa Bình, với 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường, được sáp nhập về huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Đó cũng là thời điểm gia đình chị Trương Kim Hoa rời khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy lên thôn Dần, xã Yên Bình xây dựng trang trại Hoa Viên chăn nuôi lợn rừng và rau sạch trên diện tích 60ha, trong đó phần đất đồi của núi Vua Bà (thuộc Vườn quốc gia Ba Vì) rất thuận lợi canh tác rau hữu cơ chất lượng cao.
 
Tuy nhiên, những ngày đầu lập nghiệp, chị Trương Kim Hoa đối mặt với rất nhiều khó khăn: trên 90% đường trong xã là đường đất, mùa mưa thì lầy lội, mùa hè thì bụi mù khiến việc đi lại của người dân vất vả, thậm chí, từ Yên Bình về trung tâm TP có khi mất đến cả nửa ngày. Cơ sở vật chất của xã gần như không có gì, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp 4, xuống cấp trầm trọng; có thôn còn chưa có điện, kênh mương nội đồng chưa xây dựng… không chỉ khiến cuộc sống của người dân nghèo nàn, lạc hậu.
 
Chị Trương Kim Hoa cùng công nhân trang trại thu hoạch rau trên sườn núi Vua Bà

 
Thực hiện chương trình 02 của Thành ủy, Yên Bình được quan tâm đầu tư, trong đó một nguồn vốn lớn dành để xây dựng hạ tầng giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội. Theo ông Nguyễn Giáp Dần - Chủ tịch UBND xã, tất cả đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, hơn 23 công trình, dự án xây dựng trường học, nhà văn hóa, hồ thủy lợi, kênh mương, đường điện được khởi công.
 
Có thời điểm, Yên Bình như công trường xây dựng nhưng người dân rất phấn khởi, sẵn sàng góp công, góp của, hiến đất mở đường. Hình ảnh xã nghèo đã lùi vào dĩ vãng, Yên Bình giờ đây trở thành miền quê khang trang, hoạt động thương mại dịch vụ phát triển. Người dân trước đây vốn chỉ biết trông vào canh tác rau màu giá trị thấp thì nay đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống bằng việc kinh doanh, buôn bán hoặc chuyển đổi sang nuôi ong, nuôi dê sinh sản; chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như thanh long đỏ, bưởi đỏ…
 
Vùng đất đồi của trang trại Hoa Viên được cải tạo thành rượu bậc thang để trồng rau hữu cơ chất lượng cao đáp ứng tiêu chí khắt khe của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Hệ thống đường giao thông thuận lợi cho phép xe ô tô có thể lên thẳng núi Bà thu hoạch rau. Đều đặn 2 lần mỗi ngày, hàng chục tấn rau hữu cơ của Hoa Viên được chuyển về các cửa hàng nội thành Hà Nội và các tỉnh tiêu thụ với thời gian di chuyển từ Yên Bình về nội thành chỉ khoảng 40 phút, rút ngắn nhiều lần so với trước đây. 100 lao động địa phương đang làm việc tại trang trại với thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng.
 
Điều quan trọng hơn, những người nông dân được đào tạo, tập huấn và thay đổi tư duy làm nông nghiệp, tạo tiền đề thúc đẩy nhiều mô hình nông nghiệp tương tự phát triển… góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân đạt 180 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 42 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,06%. Chỉ sau 7 năm sáp nhập về Hà Nội, Yên Bình được UBND TP công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2015.
 
Tìm cơ hội phát triển trong khó khăn
 
Là xã bán sơn địa của huyện Chương Mỹ, xã Nam Phương Tiến thường xuyên chịu ngập úng do ảnh hưởng của mưa bão và lũ rừng ngang. Những tưởng đây là điều kiện bất lợi cho sự phát triển kinh tế của địa phương nhưng trên thực tế, những nhà nông ở Nam Phương Tiến đã biết cách tìm cơ hội phát triển trong khó khăn, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa vùng “rốn lũ” của Thủ đô trở thành “vựa” trồng bưởi Diễn lớn nhất TP.
 
Đã từng có thời kỳ, người dân xã Nam Phương Tiến loay hoay trong việc lựa chọn cây trồng để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập thay vì chỉ trồng ngô, sắn cho hiệu quả kinh tế thấp. Chưa tìm được hướng đi đúng đắn, nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang một cách lãng phí. Triển khai xây dựng Nông thôn mới, được sự giúp đỡ của ngành nông nghiệp Hà Nội, xã Nam Phương Tiến đã quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi  theo từng khu: Khu vùng chiêm phát triển chăn nuôi, thủy sản; khu đồng cao trồng cây ăn quả mà chủ lực là cây bưởi Diễn.
 
Với sự cần cù, chịu khó, nhà nông đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng bưởi Diễn để loại cây ăn quả có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, giúp người dân sản xuất bền vững, hiệu quả. Thu nhập của người dân xã Nam Phương Tiến từng bước được cải thiện, hiện bình quân đạt 39,6 triệu đồng/người/năm.
 
Nhà nông ở Nam Phương Tiến đã yên tâm gắn bó với ruộng đồng. Đáng quý hơn, nhiều bạn nữ trẻ ở xã, sau khi học đại học đã trở về quê, xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình, không thoát ly ra thành phố. Nguyễn Thị Mùi - một trong những sáng lập viên của HTX nông nghiệp hữu cơ là một điển hình. Với kiến thức đã được học tại trường đại học Nông nghiệp, Mùi đã tổ chức kết nối các hội viên phụ nữ trong xã tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn theo hướng hữu cơ; tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các hợp đồng tiêu thụ. Bản thân Mùi đang canh tác hơn 1,5ha bưởi Diễn, ổi lê theo hướng hữu cơ.
 
Tuổi trẻ với nhiều hoài bão, Mùi có mặt tại nhiều hội thảo, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ cũng như học hỏi kỹ thuật mới trong trồng trọt. Vụ bưởi năm 2018, nhờ chất lượng tốt, Nguyễn Thị Mùi đã cung cấp được 15 vạn quả cho các hệ thống siêu thị. 
 
Dấu ấn nông thôn mới ở Hà Nội
 
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao do bạn trẻ làm chủ tại các xã nông thôn mới.

 
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng cách làm bài bản, làm đâu chắc đó và huy động nguồn lực lớn của xã hội, Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng Nông thôn mới.
 
Toàn TP đã có 4 huyện và 325/386 xã (chiếm 84,19% tổng số xã) được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; về đích sớm trước 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI đề ra. Ngoài ra, đã có 3 xã tại huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và TP đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ NN&PTNT thẩm định, công nhận 3 huyện là Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ đạt chuẩn Nông thôn mới.
 
Những ngày đầu thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, không chỉ xã Yên Bình của huyện Thạch Thất hay xã Nam Phương Tiến của huyện Chương Mỹ có xuất phát điểm thấp, nhiều tiêu chí không đạt chuẩn mà nhiều xã khác, nhất là các xã miền núi, đời sống của người dân khó khăn, cơ sở hạ tầng xuống cấp, không được đầu tư.
 
Việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực lớn, nhất là trong việc thực hiện dồn điền đổi thửa, thay đổi tư duy làm nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa... Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của người dân, nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, các tiêu chí dễ thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau, nhiều xã ngoại thành đã “cán đích” nông thôn mới một cách nhanh chóng. Diện mạo ngoại thành đã được cải thiện theo hướng khang trang, trù phú hơn. 
 
Nông thôn mới đang tạo ra cuộc sống mới, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Những cánh đồng mẫu lớn xuất hiện, là cơ sở để Hà Nội đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, góp phần hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn cho người dân Thủ  đô - điều mà không phải TP lớn nào cũng có thể thực hiện được. Đó là các sản phẩm rau an toàn, rau hữu cơ, các loại cây ăn quả chủ lực đặc sản, gia súc, gia cầm… 
 
Hạ tầng khu vực nông thôn được tăng cường như: hệ thống thoát nước cơ bản đạt yêu cầu, các công trình thủy lợi, nội đồng đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình điện, đường, trường học, trạm điện... được cải tạo, xây mới kiên cố hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, an ninh trật tự an toàn xã hội nông thôn được củng cố. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Hoài Đức 48,6 triệu đồng, Gia Lâm 47,6 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng...
 
Cô và trò trường mầm non xã Đông Hội, huyện Đông Anh 

 
Đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo (chưa trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) thấp như: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%; Thanh Trì 0,99%; Đông Anh 1,15%; Mê Linh 1,41%; Đan Phượng 1,53%... Việc dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Một số huyện đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân như: Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây.
 
Từ những kết quả đã đạt được, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 85% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu chương trình), từ đó có 10 đến 12 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng 2 huyện so với mục tiêu của chương trình)… Với nội lực đã có, mục tiêu trên không phải là quá thách thức. 
 
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.