Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Làm bạn với bầu trời” là tuổi thơ của tôi

Chia sẻ

PNTĐ-Sáng 22/9, từ 5h sáng, hàng ngàn bạn đọc đã xếp hàng dưới chân tháp Bút, tham dự buổi giao lưu và ký tặng sách “Làm bạn với bầu trời” vừa ra mắt của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

 
Nhìn các em học sinh trật tự xếp hàng, hân hoan khi nhận được bút tích của nhà văn rồi ngồi ven hồ, ngấu nghiến đọc tác phẩm mới hiểu được tình cảm nồng nhiệt của các em dành cho Nguyễn Nhật Ánh. 
 
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Làm bạn với bầu trời” là tuổi thơ của tôi  - ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho các bạn trẻ

 
Giữa ít phút nghỉ ngơi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dành cho phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô một cuộc trò chuyện ngắn…
 
Thưa nhà văn, “Làm bạn với bầu trời” là tác phẩm thứ 45 của ông. Vẫn là những câu chuyện dành cho tuổi thơ, ở tác phẩm này có điều gì khác biệt, độc đáo hơn so với các tác phẩm trước đó?
 
- Khác những tác phẩm trước, nhân vật xưng “tôi” trong “Làm bạn với bầu trời” không phải nhân vật chính, mà chỉ là người đưa chuyện, kể về một nhân vật khác, tên là Tèo (8 tuổi) - nhân vật chính của cuốn sách. Tèo từng trải qua một vụ tai nạn khủng khiếp dẫn tới chấn thương cột sống, ngày qua ngày phải nằm trên chiếc giường cạnh cửa sổ, chỉ có thể làm bạn với bầu trời chứ không chạy nhảy, rong chơi được như những bạn nhỏ khác. Đó là lý do cuốn sách có tên “Làm bạn với bầu trời”. 
 
Cuốn sách được thiết kế 2 bìa khác nhau với hình ảnh minh họa ban ngày và ban đêm, giống như cuộc sống của nhân vật Tèo. Mỗi thời điểm, Tèo có trải nghiệm khác nhau. Ban ngày em sẽ thấy chim bay, bướm lượn, thấy ong, chuồn chuồn, thấy mây, thấy nắng, thấy mưa rơi…; ban đêm em lại được ngắm những ngôi sao. Với Tèo, ngôi sao chính là ngọn đèn trên bầu trời. Ban đêm bầu trời đốt đèn lên để chim thấy đường bay. Ban ngày khi nắng lên, những ngôi sao đi ngủ.
 
Tất nhiên, bầu trời là một hình ảnh ẩn dụ, mang tính biểu tượng, tượng trưng cho sự cởi mở, bao dung, khoáng đạt; khi làm bạn với bầu trời, tâm hồn con người ta cũng trở nên bao dung, tốt đẹp hơn.
 
Ông khai thác gần như không bao giờ hết những đề tài cho thiếu nhi, làm sao ông có thể sống trong thế giới tuổi thơ lâu dài đến thế?
 
- Mỗi nhà văn đều viết sách theo chí hướng của mình, về những điều mình bị ám ảnh. Điều ám ảnh tôi từ khi bắt đầu cầm bút là tuổi thơ. Dù tuổi thơ tôi qua từ rất lâu, nhưng tôi luôn cảm thấy điều đẹp đẽ ở đó vẫn muốn kéo kỷ niệm thời thơ ấu lại gần qua những trang sách. Bầu trời trong “Làm bạn với bầu trời” cũng là bầu trời tôi đã ngắm suốt những ngày còn nhỏ ở quê nhà, và là bầu trời của thanh niên xung phong đi gác đêm ở Củ Chi. Khi ấy bầu trời, ánh trăng, ngôi sao đã giúp tôi đỡ cảm giác cô đơn.
 
Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức 9 năm qua, có rất nhiều bài viết của học sinh viết về các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Mỗi bài viết đều bày tỏ niềm yêu thích đối với những thông điệp mà ông gửi gắm qua tác phẩm. Hẳn không dễ gì để làm mới các thông điệp này sau 45 tác phẩm? 
 
- Điều này thuộc về bí ẩn của văn chương, bản thân tôi cũng không thể giải thích được. Tôi chỉ biết cầm bút là viết những điều máu thịt nhất và rất may những điều tôi cảm thấy rung động thì độc giả cũng thấy rung động giống như tôi. Tôi chia sẻ những điều đó với bạn đọc giống như chia sẻ giấc mơ vậy. Và bạn đọc đa cảm của tôi có lẽ cũng yêu mến những giấc mơ, tuổi thơ của mình, do đó họ sẵn sàng lên “chuyến tàu” ký ức của tôi. Tôi nghĩ đó là may mắn của một người viết văn vì tìm thấy sự đồng cảm giữa tâm hồn của người viết với tâm hồn người đọc. Thấy bạn đọc yêu quý mình, tôi luôn đau đáu làm sao phải viết được cuốn sách hay, để nó trở thành món quà có ý nghĩa cho bạn đọc.
 
Là một nhà văn miền Nam, ông cảm nhận độc giả Hà Nội như thế nào? 
 
- Các bạn rất ấm áp, vui vẻ. Lần này không phải lần đầu tôi tiếp xúc với các độc giả ở Thủ đô, nhưng lần nào tôi cũng thấy xúc động như lần đầu vậy. Nhìn thấy các bạn đến với buổi giao lưu và ký tặng sách đông như vậy cũng là niềm vui khôn tả với người cầm bút. Tôi tin các phụ huynh và thầy cô giáo quan tâm tới văn hóa đọc của thanh thiếu niên cũng sẽ thấy ấm áp như tôi. Tôi hi vọng những bạn trẻ thích đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh, sau này sẽ có thói quen thích đọc sách, tiếp tục đọc những tác giả, tác phẩm khác.
 
Sách của ông viết về tuổi thơ, nhưng nhà văn cũng đã lớn tuổi rồi, vậy làm thế nào để ông hòa nhập và hiểu trẻ con của thời nay?
 
- Khi viết về trẻ con thời xưa, tôi viết bằng ký ức và kỷ niệm thời học trò của mình. Để hiểu trẻ con thời nay, tôi phải quan sát xung quanh, ví dụ các con, cháu mình đi học như nào, bạn bè tới nhà chơi ra sao… Tôi có thời gian đi dạy học nên được tiếp xúc với học trò, hiểu được phần nào trẻ con thời nay. Đó là lý do tôi có chất liệu viết cuốn sách cho trẻ con thời nay như bộ Kính vạn hoa. Nên nhà văn bắt buộc quan sát cuộc sống xung quanh nếu muốn viết một cái gì đó.
 
Xin cảm ơn nhà văn!
 
Khánh Hương (thực hiện) 

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.