Không được cầm cố Sổ bảo hiểm xã hội

Chia sẻ
 
Câu hỏi
 
Xin hỏi Báo cho chúng em được biết: Người lao động có được đem sổ bảo hiểm xã hội đang giữ để cấm cố đảm bảo nghĩa vụ vay tiền hay không? Giả sử người nhận cầm cố làm mất, chúng em có được xin cấp lại hay không?
 
Hồ Hoàng Nam – Hà Nội
 
 
Trả lời
 
Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
 
Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
 
Như vậy, về nguyên tắc, người có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình có thể giao tài sản đó cho người khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay. Tuy nhiên, tài sản bảo đảm phải đáp ứng yêu cầu được quy định tại Điều 295 của Bộ luật này. Đó là:
 
“1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm”.
 
Một trong những quyền của người lao động, theo khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là “được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội”. Người lao động được tham gia và hưởng các chế độ xã hội. Đồng thời, họ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo quản sổ bảo hiểm xã hội…
 
Khoản 1 Điều 96 của Luật này quy định: “Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này”. (Đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội).
 
Sổ bảo hiểm xã hội là cơ sở để Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho từng người lao động. Hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đều yêu cầu có giấy tờ này. Và việc hưởng chế độ bảo hiểm chỉ được giải quyết cho chính người có tên trên Sổ bảo hiểm xã hội, không được chuyển giao cho người khác. Cho nên, có thể khẳng định, Sổ bảo hiểm xã hội không đáp ứng yêu cầu là tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Nói cách khác, người lao động không thể sử dụng Sổ bảo hiểm xã hội để cầm cố vay tiền. Người cho vay, nếu nhận Sổ bảo hiểm xã hội làm tài sản bảo đảm sẽ gặp rủi ro.
 
Bởi vì, Điều 303 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
 
“1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
 
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
 
Việc bán tài sản cầm cố, thế chấp được quy định tại Điều 304 của Bộ luật này. Cụ thể:
 
“1. Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
 
2. Việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật này và quy định sau đây:
 
a) Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 307 của Bộ luật này;
b) Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản”.
 
Do gắn với nhân thân người có tên trên Sổ bảo hiểm xã hội khi hưởng các chế độ bảo hiểm, khi phải xử lý tài sản bảo đảm, ví dụ: bán sổ bảo hiểm này cho người khác sẽ vi phạm điều kiện giao dịch mua bán.
 
Khi Sổ bảo hiểm bị mất, người lao động có thể đề nghị cấp lại. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý, nếu đem Sổ bảo hiểm xã hội cầm cố cho người khác, sau đó báo mất để được cấp lại là hành vi vi phạm pháp luật.
 
Đó là vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ như sau: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.
 
Người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
 
PV 

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.