Tùy tiện dùng vitamin C ngừa nCoV rất nguy hiểm

Chia sẻ

Thời gian gần đây, nhiều người đổ xô đi mua các sản phẩm vitamin C, thực phẩm chức năng... với mong muốn tăng sức đề kháng, phòng ngừa dịch bệnh do virus corona. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, việc tùy tiện sử dụng vitamin C rất nguy hiểm.

Ngoài vitamin C, cần bổ sung nhiều dưỡng chất khác để tăng sức đề kháng của cơ thểNgoài vitamin C, cần bổ sung nhiều dưỡng chất khác để tăng sức đề kháng của cơ thể (Ảnh: Int)

Quá liều vitamin C có thể gây sỏi thận, rối loạn tiêu hóa

Theo bác sĩ (BS) Lại Thanh Hà - Trưởng khoa Khám bệnh (bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn), vitamin C là một loại vi chất dinh dưỡng, tham gia vào tất cả các phản ứng trao đổi chất trong cơ thể. Vì con người không thể tự tổng hợp được vitamin C, nên phải dựa vào vitamin C từ nguồn thức ăn đưa vào, chủ yếu là trong rau xanh, hoa quả tươi.

Đến nay, vitamin C được chứng minh là tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch của cơ thể, có đặc tính chống oxy hóa. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, dị ứng, ngộ độc, ung thư... nhu cầu vitamin C của cơ thể sẽ tăng lên. Thông thường, liều lượng vitamin C nạp vào cơ thể chỉ nên từ 0,2-0,5gr/ngày (không nên quá 1gr), bởi nếu hàng ngày chúng ta ăn đủ rau xanh, hoa quả tươi, lượng vitamin C đưa vào cơ thể đã khá nhiều. Ví dụ: 100gr rau ngót thì đã có 0,85gr vitamin C, 100gr bưởi đã có 0,70gr vitamin C... Hơn nữa, nếu uống quá liều vitamin C có thể dẫn tới nguy cơ tạo sỏi ở thận, rối loạn tiêu hóa, chảy máu.

Vì thế, khi sử dụng thực phẩm chức năng hoặc yếu tố vi chất tăng cường sức đề kháng, người dân phải theo chỉ dẫn của bác sĩ chứ không nên tự dùng, tránh đưa một liều lượng quá cao vào cơ thể, hoặc không cần thiết.

BS Lại Thanh Hà cũng nhấn mạnh, chúng ta không thể chỉ dựa vào vitamin C để phòng ngừa nhiễm dịch bệnh nCoV. Điều quan trọng nhất là thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách, ăn thực phẩm chín, khi có biểu hiện bất thường cần đến gặp bác sĩ để được khám và chữa trị sớm.

Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách nào?

Mới đây, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đã đưa ra lời khuyên, để tăng cường hệ miễn dịch, người dân nên tiêu thụ thực phẩm phù hợp cho mỗi nhóm tuổi; Cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể; Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; Sắt; Kẽm; Selen...

Người dân cũng nên tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển…. Ngoài ra, nhóm thực phẩm giàu flavonoid (rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh…) cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Viện Dinh dưỡng cũng khuyến cáo người dân nên uống đủ nước; uống nước sạch, đun sôi để nguội, chia đều trong ngày kể cả khi không khát; Không uống nước bị đun đi đun lại nhiều lần... Trung bình mỗi ngày, cơ thể cần 2 - 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống. Nếu để miệng và cổ họng khô, virus sẽ dễ xâm nhập vào.

Thực hiện vệ sinh nhằm giảm nguy cơ lây bệnh

Cụ thể, mọi người không nên dùng chung đồ cá nhân như: khăn mặt, bàn chải răng, cốc uống nước; Giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch, không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà tắm.

Ngoài ra, tránh để tay tiếp xúc với mặt, mắt, miệng. Trong thời gian còn dịch bệnh, nên hạn chế bắt tay hoặc ôm người khác; Dùng khăn giấy sạch khi cần dụi mắt hoặc lau vết bẩn; Rửa tay đúng cách với xà phòng và nước ấm hoặc dùng nước rửa tay khô trước khi đeo găng tay.

Người dân cũng nên cẩn thận khi chạm vào các đồ vật sử dụng ở nơi công cộng như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, hay bất kỳ đồ vật nào có bề mặt tiếp xúc với tay; Rửa tay ngay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Sau khi rửa tay, tránh tiếp xúc vào khoá vòi nước, tay nắm cửa (có thể lót tay bằng một chiếc khăn giấy sạch để khoá vòi nước, hoặc để đóng/mở cửa, sau đó vứt khăn vào thùng rác). Tại gia đình, mỗi người hãy chú ý giữ gìn vệ sinh các vật dụng như: bàn phím máy tính, điện thoại để bàn, điện thoại di động, đồ chơi, laptop… hãy lau sạch các vật dụng này thường xuyên.

Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.