Những chiến sĩ "Blouse trắng" trên tuyến đầu chống Covid-19

Chia sẻ

Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện, hệ thống chính trị cả nước đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Ở đó, tuyến đầu chống dịch không thể thiếu những chiến sĩ khoác trên mình tấm áo blouse trắng.

2 bệnh nhân cuối cùng nhiễm Covid-19 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TW xuất viện ngày 18/2/20202 bệnh nhân cuối cùng nhiễm Covid-19 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TW xuất viện ngày 18/2/2020 (Ảnh: T.D)

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”

BS Thân Mạnh Hùng - phó khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội) kể: Từ tối 30/1, khi có kết quả hai bệnh nhân Vĩnh Phúc dương tính với Covid-19, anh chỉ kịp về nhà xách vali đã được vợ chuẩn bị, rồi vào viện, ở miết đó trong suốt thời gian điều trị cho bệnh nhân. Vợ anh cùng làm ngành y nên hiểu về công việc của chồng; nhưng mẹ anh lại rất lo lắng, còn gọi điện cho con dâu, sụt sùi khóc. Về sau, khi BS Hùng gọi điện lại cho mẹ, anh đã hóm hỉnh mượn một câu hát quen thuộc “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” để động viên, giúp mẹ mình vững tâm hơn.

Ngày 10/2, một chuyến bay đặc biệt đã đưa 30 người dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) về nước. Chuyến bay ấy, ngoài các thành viên phi đoàn, còn có 3 bác sĩ Việt Nam đi cùng, làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân. Trong đó, có 1 bác sĩ sản từ bệnh viện Phụ sản Trung ương, được cử đi, đề phòng trường hợp một thai phụ mang thai tháng thứ 8 (có mặt trong chuyến bay) sinh con hoặc xuất hiện tai biến sản khoa có thể xảy ra trên chuyến bay. Bác sĩ thứ hai là Phó khoa Cấp cứu của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tham gia chuyến bay để ứng cứu, đề phòng nếu có tình huống bất trắc xảy ra. Người cuối cùng là điều dưỡng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, được cử đi để thực hiện các y lệnh của bác sĩ khi sức khỏe của những người này có vấn đề. Ngày 11/2/2020, Bộ Y tế đã trao Bằng khen cho 3 cá nhân (thuộc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Phụ sản Trung ương) và 4 đơn vị đã có thành tích trong việc đón 30 công dân Việt Nam từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước.

Nhiều ngày “trực chiến” tại bệnh viện, nằm trên ghế lạnh và cứng, không quen nên BS Hùng lưng đau ê ẩm, phải mua thuốc giảm đau về uống. Vậy mà khi nói tới vất vả của mình, anh kể với tâm trạng rất thoải mái, vui vẻ. Anh bảo, những người chọn theo lĩnh vực truyền nhiễm, khi có dịch bệnh, việc đối mặt với hiểm nguy, gian khó là điều bình thường; bất cứ ai cũng sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Nữ điều dưỡng Trần Thị Toàn - khoa Cấp cứu (bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) - một trong những người được phân công theo dõi, chăm sóc các ca bệnh điều trị liên quan đến dịch Covid-19 cũng vậy. Chị kể, lúc biết mình được phân công làm nhiệm vụ trong “tâm dịch” cùng các đồng nghiệp, cảm xúc khó tả và áp lực vô cùng. Một ca trực trong những ngày chống dịch Covid-19 gồm 1 bác sĩ chính, 3 điều dưỡng, làm việc liên tục từ 6-12 giờ đồng hồ mỗi ngày.

Vừa động viên, chăm sóc người bệnh, điều dưỡng Toàn cũng phải làm công tác tư tưởng cho người thân của mình. “Dù biết không thể nói trước điều gì, nhưng tôi luôn trấn an cả nhà và giải thích rằng, mình là nhân viên y tế, là người chống dịch nên biết rõ cách bảo vệ bản thân, đồng thời giúp đỡ, cứu chữa cho những người bị bệnh” - chị Toàn chia sẻ. Vì thế, mong mỏi lớn nhất lúc này của điều dưỡng Trần Thị Toàn, và có lẽ là của tất cả mọi người dân Việt Nam là dịch bệnh chóng qua, để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Còn hiện tại, các y, bác sĩ tại đây vẫn luôn sẵn sàng trực chiến 24/24h, làm việc hết sức mình để cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho tập thể, cá nhân viện Vệ sinh dịch tễ TWThứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho tập thể, cá nhân viện Vệ sinh dịch tễ TW (Ảnh: T.D)

Y bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TW điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19Y bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TW điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ viện Vệ sinh dịch vễ TW nghiên cứu, phân lập virus corona chủng mớiBác sĩ viện Vệ sinh dịch vễ TW nghiên cứu, phân lập virus corona chủng mới (Ảnh: VOV)

Các thành viên BCĐ phòng chống dịch Covid-19 phường Mễ Trì tới từng nhà dân, khu chung cư tuyên truyền cách phòng dịchCác thành viên BCĐ phòng chống dịch Covid-19 phường Mễ Trì tới từng nhà dân, khu chung cư tuyên truyền cách phòng dịch (Ảnh: H.G)

BS Trần Thị Hải Ninh - trưởng khoa Nội tổng hợp (bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng là người trực ở bệnh viện liên tục từ tối 30/1. Chồng chị hiện đang công tác tại viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cũng phải quay cuồng chống dịch. 2 con nhỏ của anh chị phải gửi ông bà chăm sóc. Ban ngày, chị Ninh bận tới nỗi các con gọi tới là dập máy, chỉ dám nghe điện thoại của ông bà… vì sợ có chuyện gì xảy ra. 9h tối, chị Ninh mới tranh thủ gọi chúc các con ngủ ngon, rồi dặn chúng ngoan ngoãn, hạn chế ra ngoài.

Ngoài BS Hùng, BS Ninh, điều dưỡng Toàn, từ khi Trung Quốc có ca bệnh đầu tiên, tất cả cán bộ y tế bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được huy động tham gia công tác chống dịch Covid-19, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi y bác sĩ luôn chủ động khắc phục, thu xếp việc gia đình, nỗ lực chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân.

72 giờ thức trắng, “canh” virus corona

Việt Nam hiện là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới phân lập và nuôi cấy thành công virus corona chủng mới. PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ: Lúc 9 giờ 40 phút, ngày 7/2, dưới kính hiển vi, nhóm nghiên cứu đã nhìn thấy hình ảnh những con virus corona chủng mới, kích thước khoảng 100 nanomet, hình dạng như vương miện hoặc giống vành nhật hoa đã được mô tả trong y văn. Việc phân lập thành công sẽ mở ra một quá trình nghiên cứu sâu hơn về loại virus này, về cơ chế hoạt động, phương cách nhân lên trong cơ thể, tác động tới cơ thể... để hiểu bản chất của con virus. Đích cuối cùng là tìm ra vắc-xin phòng ngừa.

Đặc biệt, quá trình nghiên cứu, phân lập chủng virus này được các nhà khoa học Việt Nam thực hiện trong 72 giờ. Và phía sau thành công ấy là nỗ lực rất lớn của những nhà khoa học trẻ dám đối mặt, dám nghĩ, dám làm.

14 giờ ngày 21/2, bệnh nhân T.K.H (73 tuổi, Việt kiều Mỹ) đã được bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho xuất viện sau 21 ngày điều trị Covid - 19. “Bệnh tình của tôi có thể nói đã được các bác sĩ cứu từ chỗ chết trở lại sự sống, tôi ghi ơn và tri ân mãi mãi. Lúc vào viện tôi rất bàng hoàng, sa sút và rất sợ nhưng bây giờ rất phấn khởi, hồ hởi” - ông H cười phấn chấn, gửi lời cảm ơn bác sĩ khi khỏi bệnh. Trước đó, nữ bệnh nhân P.T.T (49 tuổi, trú tại Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng gửi tới y bác sĩ lời cảm ơn trước khi xuất viện. “Từ Tết tới nay, bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ của tỉnh, huyện đã vất vả và động viên gia đình tôi rất nhiều. Tôi không biết lấy gì cảm ơn bác sĩ, chỉ biết nỗ lực để chiến đấu, chiến thắng bệnh dịch”.

Việc nuôi cấy, phân lập thực sự không dễ dàng bởi mỗi con virus có một tế bào cảm thụ khác nhau. Trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều thông tin về chủng mới của virus corona, các bác sĩ của viện không biết được tế bào nào phù hợp, đồng nghĩa với việc phải sử dụng nhiều tế bào khác nhau để tìm ra tế bào cảm thụ phù hợp. Chưa kể, trong quá trình nghiên cứu, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, bác sĩ sẽ bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19. Đến nay, Viện chưa xảy ra tai nạn nào, nhưng với khoa học mọi điều rất khó nói trước. Câu chuyện về sự ra đi của BS Urbani trong công cuộc chống SARS năm 2002-2003 là điển hình của vấn đề tai nạn nghề nghiệp. BS Urbani là chuyên gia của WHO về bệnh truyền nhiễm. Năm 2002, ông là người đầu tiên cảnh báo tới WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế Việt Nam thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Nhưng rồi, chính ông lại mất đi trong hành trình trớ trêu ấy...

Không chỉ tập trung nghiên cứu, phân lập chủng mới của virus corona, viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương những ngày qua cũng luôn trong tình trạng quá tải. Tới nay, Việt Nam có trên 1.247 ca nghi ngờ mắc Covid-19 được xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Trong đó, phần lớn xét nghiệm được thực hiện tại Viện. Toàn viện phải chia thành 3 đội xét nghiệm cho cả 3 ca: sáng, chiều, tối. Theo lý thuyết, mỗi ngày Viện chỉ nên thực hiện xét nghiệm 10-25 mẫu mới phù hợp năng lực và khả năng của Viện. Nhưng bây giờ tần suất tăng lên gấp 3 lần/ngày, thậm chí bác sĩ làm việc liên tục, không ngừng nghỉ để người bệnh có kết quả nhanh nhất.

Bác sĩ chống dịch “đa năng”

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Hà Nội là chuyên khoa đầu ngành của thành phố trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Ngay khi có thông tin ban đầu về dịch bệnh, bệnh viện đã quyết định thành lập đơn nguyên điều trị, phân công nhiệm vụ cho các bác sĩ; xây dựng kế hoạch phòng dịch theo từng cấp độ, với phương án 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ)… Tới nay, bệnh viện thu dung tại chỗ, phân loại, điều trị cách ly hơn 40 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 (chưa có trường hợp nào dương tính).

Trò chuyện cùng BS.CKII Nguyễn Thái Minh - Trưởng khoa Truyền nhiễm (bệnh viện Đống Đa), điều dễ thấy là các bác sĩ rất “đa năng”. Hiện tại, chỉ có 2-3 bệnh nhân đang được theo dõi sát sao tại khu vực cách ly của khoa. Để tiết kiệm nhân lực và trang phục phòng hộ, kíp trực tại khu vực cách ly chỉ gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, trực từ 8h sáng hôm trước tới 8h sáng hôm sau. Thời kỳ cao điểm chống dịch, bác sĩ của khoa dù ốm cũng không được nghỉ ngơi nhiều. Ngày 4/2, một nam bác sĩ của khoa phải mổ viêm ruột thừa. Chưa đầy 1 tuần sau, khi sức khỏe đã bình ổn, bác sỹ ấy lập tức trở lại công việc, vào guồng điều trị, trực chiến với dịch bệnh.

“Những ngày này, bác sĩ chúng tôi còn đảm nhận nhiều “vai” lắm: vừa điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện, đi tập huấn cho các bệnh viện khác, còn phải trả lời điện thoại đường dây nóng bất kể giờ giấc. Vậy mà vẫn có người gọi điện tới chỉ để “thử đường dây”, “trêu bác sĩ”... khiến nhân viên y tế thêm áp lực. Rồi bác sĩ còn phải kiêm cả chuyên gia tâm lý. Có lần, một cô bé làm ở sòng bài, từng tiếp xúc với người nói tiếng Hoa nên khi thấy bị sốt, ho đã vào bệnh viện khám. Khi biết tạm thời phải cách ly theo dõi, hai mẹ con bệnh nhân khóc ầm lên” - BS Nguyễn Thái Minh kể.

Túc trực dưới khu cách ly, bác sĩ còn phải kiêm bảo vệ, canh không cho bệnh nhân ra khỏi khu vực theo dõi. Nhiều bệnh nhân phải cách ly, chưa chuẩn bị tinh thần, người nhà không liên lạc được… bác sĩ lại là người lo cho bệnh nhân. Bên cạnh chống dịch, bác sĩ còn phải chống cả tin giả. “Ngay cổng bệnh viện, nhiều hôm thấy xe cấp cứu đi vào bệnh viện rầm rầm, trong xe có người mặc trang phục kín mít, người dân truyền tai nhau rằng bệnh viện tiếp nhận ca dương tính với Covid-19. Chúng tôi biết chuyện lại mất công đi giải thích, không để người dân hoang mang” - BS Minh nói.

Vô vàn khó khăn, nhưng không vì thế các bác sĩ nản lòng; tất cả đều chuẩn bị tinh thần cao nhất để chống dịch. “Khoác trên mình tấm áo blouse, bác sĩ luôn tự nhủ phải làm tốt bổn phận của mình. Dịch bệnh xảy ra, y bác sĩ phải tiên phong trước, lao vào vùng dịch chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Đi qua nhiều mùa dịch, điều này như phản xạ, thói quen với các bác sĩ” - ThS.BS Phạm Bá Hiền - Phó Giám đốc bệnh viện Đống Đa khẳng định.

Phòng dịch bất kể ngày đêm

Từ đầu mùa dịch tới nay, phường Mễ Trì (quận NamTừ Liêm) đã tiến hành giám sát y tế tại nhà với 15 trường hợp người nước ngoài đến từ vùng dịch, 7 trường hợp người Việt Nam về từ vùng dịch. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Giáp - Trạm phó Trạm y tế phường Mễ Trì), đều đặn mỗi ngày, vào lúc 8h sáng và 15 giờ chiều, bác sĩ của Trạm y tế phường phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo chống dịch tới nhà bệnh nhân để đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe người dân.

So với thời điểm chưa có dịch bùng phát hoặc những đợt dịch khác, thời lượng, công suất làm việc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 căng thẳng hơn nhiều. Chỉ cần nhận được thông tin phản ánh của người dân về trường hợp nghi nhiễm, bất kẻ ngày đêm, công an, lực lượng y tế phải đi xác minh ngay. “Chuyện 22h đêm vẫn xách xe ra cổng, tới tận nhà người dân để tiến hành khai thác tiền sử dịch tễ không phải là lạ. Thậm chí đang dở bữa ăn, nhận được tin là cán bộ y tế phải lập tức đi thực hiện nhiệm vụ luôn. 8 tiếng mỗi ngày để làm công tác phòng dịch Covid-19 là không đủ; và mỗi cán bộ y tế cũng luôn xác định, sẵn sàng trực chiến 24/24. Tới đây, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các bác sĩ tuyến cơ sở sẽ phải tiếp tục dồn sức, không để dịch chồng dịch”.

Trực tiếp làm công tác theo dõi người nghi nhiễm bị cách ly, trang phục bảo hộ còn sơ sài, nỗi lo về nguy cơ lây bệnh đối với cán bộ y tế tại cơ sở là khó tránh. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ được giao và trách nhiệm trước sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sự ổn định, bình an của đất nước, cán bộ y tế cơ sở sẽ không lùi bước.

Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.