Hà Nội, thành phố ngàn con phố

Chia sẻ

Tôi thích cảm giác vô tình lạc bước vào một con phố cũ, nhìn những mảng tường vôi rêu xanh dường như không thay đổi theo thời gian.

Hà Nội là nơi mà mọi thứ có thể thay đổi, phát triển qua từng thời kỳ. Thế nhưng, có những con phố vẫn vẹn nguyên dù ở ký ức hay thực tại. 

Tôi sinh ra trong giai đoạn chuyển giao giữa thời kỳ bao cấp sang thời kỳ đổi mới. Ngày ấy, Hà Nội chỉ có 36 phố phường với hầu hết đều bắt đầu bằng chữ “Hàng”, bắt nguồn từ việc trước đây người xưa bán gì đã lấy tên gọi mặt hàng đặt cho nơi đó. Hàng Buồm chuyên bán các loại buồm (may bằng vải hoặc đan bằng cói lác) dùng cho thuyền bè, Hàng Mã chuyên bán đồ cúng lễ, Hàng Muối chuyên bán muối…

Mỗi ngôi nhà khi ấy đều có diện tích rất nhỏ, ngay cả lối đi cũng vô cùng chật hẹp. Thường là một đại gia đình hoặc nhiều gia đình nhỏ sống chung, dùng chung một nhà vệ sinh. Tôi cũng sống trong một ngôi nhà như vậy trên phố Hai Bà Trưng. Đó là một nơi có nhiều căn phòng nhỏ, một chiếc giếng nước ở giữa sân và cây nho cho quả xanh chua loét. Khi ấy, tôi nghĩ không gian sống không cần quá rộng bởi chỉ là nơi để ngủ, còn lại phần lớn thời gian trong ngày, người Hà Nội sinh hoạt trên vỉa hè các con phố. Mỗi buổi sáng, hàng quán lại tấp nập với biết bao lượt khách, thế rồi quán nước, quán bia hơi, cửa hàng sửa chữa xe máy, cửa hàng tạp hóa. Người lớn, trẻ em, người già luôn bắt đầu một ngày mới trên những con phố với biết bao hoạt động.

Một góc phố giữa lòng Hà NộiMột góc phố giữa lòng Hà Nội

Trải qua thời gian, Hà Nội được mở rộng hơn. Đến nay, các thành phố khác luôn có những “con đường” rộng lớn, trải dài với bao phương tiện lưu thông. Nhưng chỉ có ở Hà Nội, người ta mới thấy có những “con phố”. Đến nay, thủ đô đã có hơn một nghìn con phố. Có những nơi chỉ dài chưa đầy 400 mét nhưng vẫn được gọi là “phố”, như Chân Cầm, Dã Tượng, Trịnh Hoài Đức, Đình Ngang… Nghĩ tới những “con đường”, người ta sẽ hình dung ra đó là nơi để di chuyển. Nhưng với “con phố”, đó không chỉ là nơi đi lại mà phải có một đời sống riêng.

Ở Hà Nội, người ta bắt buộc phải di chuyển tới nhiều con phố để tìm thấy thứ mình mong muốn. Muốn ăn miến lươn ngon thì phải qua Yên Ninh, muốn uống cà phê đậm chất Hà Nội nhất thì phải qua khu vực phố cổ, muốn ăn bánh đúc thì đến Lê Ngọc Hân… Nếu như tất cả tiện lợi đều ở một chỗ thì còn gì là thú vị nữa. Hà Nội buộc ta nếu muốn ăn ngon thì phải di chuyển liên tục.

Tôi sống ở Hà Nội từ lúc sinh ra đến nay đã được hơn 30 năm. Có những con phố gắn với biết bao kỷ niệm. Phố Hai Bà Trưng là những tháng ngày tuổi thơ, phố Thành Công là thời kỳ niên thiếu, phố Hoàng Diệu gắn với ký ức thời học trò, phố Cầu Giấy đánh dấu giai đoạn trưởng thành với công việc đầu tiên… Mỗi thời kỳ, tôi lại dành nhiều thời gian ở một con phố nhất định. Nhưng rồi đến một ngày đẹp trời, vô tình lạc bước vào một con phố thân quen nhưng đã lâu không ghé qua, tôi lại cảm thấy xao xuyến khi nhìn thấy bức tường rêu xanh dường như vẫn vậy, những quán xá bao nhiêu năm vẫn thế. Đó là một cảm giác bồi hồi bởi cảnh sắc thì vẫn vậy, chỉ có con người là thay đổi, trưởng thành hơn, già hơn. Với những ai từng gắn bó với mảnh đất thủ đô, hình ảnh ngàn con phố không phải là để nhớ về Hà Nội, mà là để thương nhớ chính mình của những tháng ngày xưa cũ.

Hơn một nghìn năm đã trôi qua, Hà Nội cũng theo thời gian mà khác đi nhiều. Khói bụi, ô nhiễm, công nghiệp hóa… tất cả những thứ đó đối với mọi chốn thành thị đều không thể tránh khỏi. Nhưng có chăng, cái tinh thần của mỗi thành phố là thứ không thể thay thế. Tại sao khi nhắc về Hà Nội, người ta lại luôn nhớ đến vẻ êm đềm, nhịp sống chầm chậm, thanh bình của nơi đây?

Khi trưởng thành, tôi có cơ hội đi khắp thế giới, nhìn ngắm những công trình kiến trúc đồ sộ, những thành phố có vẻ đẹp choáng ngợp. Thế nhưng chưa bao giờ tôi có ý định rời khỏi Hà Nội để bắt đầu cuộc sống ở một nơi mới. Đơn giản là vì Hà Nội luôn tạo cho tôi cảm giác thân thuộc, ấm áp, hiền hòa như nó vẫn thế bao nhiêu năm qua. Sau mỗi chuyến đi, tôi vẫn trở về nhà, bắt đầu một ngày mới trên những con phố mà ở đó có biết bao đồ ăn ngon, những tiếng cười, những câu chuyện không có hồi kết và cả những gương mặt thân quen dù chưa một lần bắt chuyện.

Bài và Ảnh: Nick M.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.