Gia tăng sự phản cảm, lệch chuẩn trên sóng truyền hình

Chia sẻ

Thời gian qua, trên sóng truyền hình liên tiếp xuất hiện những hình ảnh phản cảm, thiếu tế nhị khiến người xem không khỏi phẫn nộ… Điều đáng nói, những hình ảnh này được phát sóng vào khung giờ vàng, nhiều khán giả theo dõi, trong đó có cả trẻ em.

Hình ảnh cô gái ngậm củ cải gây nhức mắt người xemHình ảnh cô gái ngậm củ cải gây nhức mắt người xem (Ảnh: minh họa)

"Rác" trên sóng truyền hình ngày càng nhiều

“Mình uống đi cho khỏe” sẽ chỉ là câu nói bình thường của người vợ muốn thể hiện sự quan tâm đến chồng mình. Thế nhưng, đặt trong một quảng cáo của VTV thì câu chuyện lại đi theo một hướng khác. Cụ thể, đoạn quảng cáo sản phẩm nước tăng lực kéo dài 45 giây ghi lại cuộc sống của một cặp vợ chồng ở dân tộc thiểu số có nội dung xoay quanh câu hỏi của người vợ: "Mình đi đâu đấy?", tương ứng với câu hỏi là những câu trả lời của người chồng như "lên núi, lên nóc nhà", người vợ sẽ đưa nước tăng lực với slogan: "Mình uống đi cho khỏe". Đến đoạn cuối của quảng cáo, khi người chồng nói "lên giường ngủ", người vợ vẫn với câu slogan: "Mình uống đi cho khỏe". Biểu cảm trên khuôn mặt của hai vợ chồng này cùng những câu thoại khiến người xem cho rằng đây không còn là một câu nói thông thường mà lộ rõ ý… “nhạy cảm” một cách thô thiển khiến dư luận cảm thấy bất bình.

Trước đó, nhiều quảng cáo trên sóng truyền hình đã gây bức xúc trong dư luận khi đưa các hình ảnh, nội dung có tính chất dung tục, phản cảm lên sóng. Điển hình là khoảng tháng 7/2019, trong một đoạn quảng cáo nước tăng lực, nhãn hàng này cũng đã sử dụng câu nói “ngon vãi là có thật” để minh họa cho sản phẩm khiến nhiều khán giả không khỏi bức xúc vì văn hoá sử dụng từ ngữ “mạng” lên sóng, gây lệch chuẩn.

Cũng được phát sóng trên VTV, hình ảnh một cô người mẫu đã dùng tay và miệng ngậm củ cải trắng để người chơi ném dao trong chương trình “Kèo này ai thắng” khiến người xem “đỏ mặt, tía tai”. “Kèo này ai thắng” được coi là một game show tôn vinh những nghệ sĩ, thí sinh sở hữu khả năng đặc biệt. Khán giả bị thu hút bởi những màn phô diễn tài năng của người thi.

Trong phần thử thách, Ban tổ chức chương trình đã cho một người mẫu nữ dùng cả tay và miệng để giữ nguyên vị trí củ cải cho khách mời ném dao vào. Từ các góc máy quay của chương trình mang lại đã khiến người xem cảm thấy đỏ mặt vì dễ liên tưởng đến cảnh “phòng the”, có yếu tố gợi dục. Những hình ảnh này nhanh chóng vấp phải những phản ứng tiêu cực từ dư luận, đặc biệt khi chương trình lại được phát sóng vào khung giờ vàng 20h30 trên VTV3 - khung giờ có đông đảo người xem thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó có cả trẻ em.

Có lẽ đây không phải là lần hiếm hoi khán giả bức xúc với những chương trình phản cảm trên sóng truyền hình. Trước đó, một số chương trình cũng từng vấp phải nhiều phản ứng của khán giả bởi những hình ảnh dung tục, nhạy cảm như “Nữ hoàng quyến rũ”, “Sự lựa chọn trái tim”, “Ngôi sao tình yêu”… Dù đã bị lên án gay gắt, song nhnững hình ảnh này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, quảng cáo vốn là con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm đến đời sống người tiêu dùng. Tuy nhiên, một quảng cáo tốt phải biết cách sao cho để khán giả nhớ đến nội dung mà không phải hình thức. Hình ảnh quảng cáo nước tăng lực trên sóng giờ vàng đã gây ra những sai lầm trong suy diễn, đặc biệt là với khán giả nhí. Từ những hình ảnh có phần “nhạy cảm” đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lứa tuổi trẻ em, định hình nhân cách của trẻ. Thậm chí, hình ảnh đó đã khơi dậy sự tò mò của trẻ dẫn đến hành động không tốt sau đó.

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cũng cho biết, vấn đề cần quan tâm chính là từ phía đội ngũ những người thực hiện quy trình, và cao hơn là những người quản lý, duyệt các chương trình để “lọt” các yếu tố như vậy. “Nhìn chung, hiện nay, nhiều chương trình tích cực được phát sóng trên truyền hình, truyền tải văn hóa, nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống tinh thần khán giả. Tuy nhiên, trước những hạt sạn xuất hiện như vậy càng đòi hỏi đội ngũ làm chương trình phải luôn nghiêm túc, chỉn chu hơn trong công việc”- Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ nghiên cứu văn hóa (Viện Văn hóa - đại học Văn hóa Hà Nội) đáng tiếc là những chương trình như kể trên xuất hiện trên sóng truyền hình không ít. Điều này đã ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng các chương trình truyền hình mà còn để lại hậu quả không nhỏ đối với khán giả, đặc biệt là với những khán giả nhí. Một chương trình khi đưa lên sóng, nhất là sóng quốc gia thì yếu tố đầu tiên là cần xem xét mức độ đón nhận của xã hội, mức độ đó bao gồm hệ thống giá trị, hệ thống chuẩn mực của xã hội. Ngay cả ở những nước phát triển, những chương trình nhạy cảm như thế này cũng được phân định riêng cho lứa tuổi nhất định và phải có cảnh báo đối với người xem. Việc tiếp diễn để lọt những hình ảnh trên sóng truyền hình như vậy là đáng trách chứ không chỉ là đáng tiếc, bởi hậu quả chính là sự ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, các em sẽ dễ dàng hành động “lệch chuẩn” theo truyền hình.

Rõ ràng, sóng truyền hình mang trọng trách lớn là đặt tính giáo dục lên hàng đầu đối với người xem thì những “hạt sạn” này là không đáng có. Hy vọng nhà Đài với trọng trách của mình sẽ không vì lợi nhuận, vì câu khách… mà tiếp tục làm ảnh hưởng đến người xem, nhất là với khán giả nhỏ tuổi.

Hương Mai 

Tin cùng chuyên mục