Sướng hay khổ, đều do mình

Chia sẻ

Tuy dịch Covid-19 đang bùng phát, ngày nào cũng có thêm bệnh nhân mới, nhưng mấy chị em hàng xóm ở phố này vẫn đi bộ tập thể dục sáng sớm như thói quen nhiều năm nay.

Loan hòa vào đám chị em, mang theo nỗi ấm ức trăm mối tơ vò về chuyện mình làm dâu cả chịu khổ nhục trăm đường...

Đi cạnh chị Hoàn hàng xóm, Loan phàn nàn:

- Phụ nữ mình khổ quá! Kiếp sau em không làm phụ nữ nữa!

- Đổi giới khó đó nha! – chị Hoàn cười.

- Nếu phải là phụ nữ nữa thì em quyết không làm dâu trưởng!

- Sao thế? – chị Hoàn hỏi

- Chị xem, nhà em chuẩn bị lại giỗ ông nội chồng. Cô-vít cô-viếc thế này mà mẹ chồng em vẫn đòi làm 10 mâm như mọi năm. Cụ bảo anh chị em bố chồng em đông, con cháu các cụ cũng đông, vẫn phải mời từng đó mâm! Thế mà em dâu và chị gái chồng em chả quan tâm, năm nào cũng chỉ mỗi mình em xoay như chong chóng...

- Khổ hay sướng là do mình! Em thử nhìn lại Phi - chị gái chồng em chả cũng làm dâu trưởng là gì? Chị ấy có khổ đâu? Còn sướng là khác! Vấn đề là ở mình thôi em ạ.

Ờ nhỉ! Đúng như chị Hoàn nói. Chị Phi cũng là dâu cả, sao chị sướng mà Loan lại khổ?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhớ dạo Loan vừa về làm dâu, bố mẹ chồng tuyên bố: “Vợ chồng Loan là con cả thì ở chung với bố mẹ chồng, vợ chồng cậu em thì cho ở riêng”. Lúc đó Loan chả nghĩ gì nhiều, vì thấy ông bà sắp xếp thế cũng hợp lý. Nhưng về sau, càng ngày Loan mới càng thấm cái nỗi khổ của “kiếp làm dâu trưởng”. Ở với bố mẹ chồng, là ở với người già, Loan phải khép nép từng tý một, luôn phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, kể cả khi ốm nghén, suốt ngày chỉ buồn nôn, không ăn được, nhưng đi làm về không được nằm nghỉ, mà phải bò xuống bếp nấu cơm cho bố mẹ chồng. Các cụ lại yêu sách là phải ăn cơm trước 7h tối, ăn xong còn nghỉ ngơi, ăn muộn không tốt cho sức khỏe, vả lại người già ít ngủ, cần ngủ sớm vì 5h sáng các cụ đã dậy đi tập dưỡng sinh. Đã thế mẹ chồng tiết kiệm lại hạn chế nấu bếp gas, bắt Loan nấu bằng bếp than tổ ong. Gặp phải hôm trời nồm ẩm, quạt nan quạt đến rã 2 cánh tay thì cái cục than ẩm xì mới bén. Nấu xong bữa cơm, người ngợm hôi như cú, mà mẹ chồng tiết kiệm điện, không cho bật bình nước nóng (nhà này chỉ có bố chồng và chồng Loan được bật bình nước tắm, còn lại mẹ chồng, con dâu và cháu nội đều không được phép), cô phải chờ ấm nước đun sôi mới đem tắm gội được. Vậy nên đa số bữa ăn thì Loan đều ăn sau khi mọi người đã ăn xong, và cô lặng lẽ rửa dọn đống bát đĩa nồi xoong.

Ngày thường đã khổ vậy, ngày giỗ, lễ, Tết còn “khủng” hơn. Vì là “nhà trưởng” nên cái gì cũng đến tay, cái gì cũng phải chịu trách nhiệm. 30 Tết thì phải cúng Tất niên, cho tất cả các con cháu về ăn bữa cơm chung cả đại gia đình; các ngày giỗ từ giỗ ông bà nội/ngoại, giỗ cụ/kỵ... cũng đều phải mâm cao cỗ đầy cho các con cháu kéo nhau về thụ lộc. Cái gì cũng phải làm, cái gì cũng phải lo, nhưng không ai chung tay, vợ chồng bà chị chồng hay vợ chồng cậu em chồng kéo nhau đến thì cũng chủ yếu là mua chút hương hoa để thắp hương, rồi cũng tham gia dọn cỗ, ăn xong tán phét đủ chuyện trời bể, rồi về. Tất cả từ A đến Z lại tấp cho một mình Loan phải gánh chịu. Thời còn nghèo, nhiều khi cô phải toát mồ hôi vay tiền để làm cỗ cho nhà chồng, vì hỏi chồng thì anh cũng nhăn nhó “không có tiền”, mà bố mẹ chồng không bao giờ đưa tiền nên cô chả bao giờ dám hỏi. Mà chị em nhà chồng cô cũng lạ, giỗ chạp Tết nhất gì thì cũng đến đá ghế vào ăn, chả ai suy nghĩ xem tiền ở đâu ra mà nấu cỗ, chả ai góp cho “khổ chủ” lấy 1 đồng 1 cắc. Cứ thế, Loan phải vay giật rồi trả dần. May trời thương người tốt nên kinh tế nhà Loan ấm dần nhờ vào chuyên môn của cô tốt và chồng cô cũng chuyển công ty nên có thu nhập cao hơn. Có tiền rồi, giỗ chạp Loan muốn tiết kiệm sức lực, chuẩn bị ngày mai giỗ bà nội chồng, cô đề nghị mẹ chồng cho đặt mâm cỗ thay vì phải tự làm mình phải thức khuya dậy sớm, phải đi chợ từ ngày hôm trước, nhưng bố chồng không chịu, ông còn quát cho cô một trận là đồ “chảy thây, lười biếng”, khiến cô đau đớn đến từng tế bào não.

Đêm đó Loan nằm khóc thầm. Chồng cô vô tư cứ đặt mình là ngáy o o. Bỗng cô nghe có tiếng bố mẹ chồng cãi nhau ở phòng bên, mỗi lúc một to dần. Loan lắng tai nghe. Thì ra mẹ chồng xin bố chồng Loan cho đặt cỗ như con dâu đề nghị, không ngờ ông mắng bà xa xả còn khủng hơn cả mắng Loan lúc chiều. Nào là bà quá lười biếng, giờ còn muốn dung túng cho con dâu lười theo; bà là dâu cả, bà phải dạy con dâu theo nề nếp gia phong nhà chồng chứ, định rủ nhau đè đầu cưỡi cổ nhà chồng hay sao... Ông mắng thế nhưng bà vẫn nói nhỏ thì thào, chắc ngại con cháu nghe thấy, bỗng Loan nghe thấy ông quát: “Bà câm cái mồm bà vào! Nói nữa tôi cho cái bạt tai!”. Loan choáng thật sự. Cô lay chồng: “Anh dậy đi, ông quát bà, anh sang xem can, kẻo ông đánh bà”. Nhưng chồng Loan gạt tay vợ: “Ôi, vẫn thế mà. Kệ đi”. Loan choáng thêm, vì không ngờ chồng cô đã quá quen với việc bố anh quát hoặc đánh mẹ, mà lại không vì cái gì to tát ghê gớm cả, chỉ là ba cái việc vặt mà ông cho là “nề nếp gia phong”. Cỗ bàn tự làm hay đặt thì cũng là cỗ, cũng đều đặt lên cúng tổ tiên/ ông bà rồi cho con cháu hưởng lộc. Có gì phải căng thẳng thế nhỉ. Chồng Loan đã lại ngáy khò. Phòng bên ông bà cũng im tiếng. Loan trằn trọc mãi rồi cũng ngủ lúc nào không hay. Đang ngủ ngon thì Loan nghe tiếng mẹ chồng gọi khẽ: “Loan ơi, dậy đi chợ, 5h sáng rồi, về còn làm đồ cúng cho kịp”. Loan vùng dậy, mắt cay xè, lao vào vệ sinh cá nhân thật nhanh rồi chạy ra chợ. Mẹ chồng nói vọng theo: “Mẹ ở nhà sẽ đồ xôi cho”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Loan nhanh chóng chở về nhà một đống thực phẩm mà cô đã kê danh sách sẵn, rất chuyên nghiệp, cô và mẹ chồng vừa làm vừa nói chuyện. Nhân lúc bố chồng và chồng con đang ngủ, cô hỏi mẹ chồng vì sao bố không ủng hộ chuyện đặt cỗ. Không ngờ bà chỉ chực có vậy là nước mắt chảy ròng ròng. Bà kể cho Loan nghe khi bà mới về làm dâu cũng khổ sở và chịu đựng nhà chồng như Loan bây giờ. Mặc dù bà cũng là cán bộ nhà nước, chồng còn là kỹ sư Bách Khoa hẳn hoi, bố mẹ chồng cũng tuyên bố ngay sau ngày cưới là vợ chồng con trưởng ở cùng bố mẹ, các chú em thì cho nhà ra ở riêng, con gái đi lấy chồng thì mỗi con đều được cho ít vốn liếng. Bà lúc ấy cũng nghĩ các cụ sắp xếp thế là đúng. Nào ngờ bà cũng như Loan bây giờ, phải làm tròn vai dâu cả, phải lo tất tần tật mọi việc giỗ Tết, bà đẻ 3 người con, cũng chẳng được ai chia sẻ công việc khi bà ốm nghén, ở cữ hay nuôi con thơ. Kinh tế khó khăn cũng không ai chia sẻ, chả cô chú nào đến ăn cỗ mà góp một cắc. Thậm chí dạo ấy khó khăn, cỗ thừa còn chia nhau đem về ấy chứ. Thế nên bà luôn phải tiết kiệm, tiết kiệm từng tý một, nhất là với bản thân. Nhà cái gì cũng có nhưng bà không cho phép mình được dùng, từ việc tiết kiệm điện, gas, đến bát nước mắm cũ nếu cả nhà chấm còn thừa ngày hôm trước thì hôm sau bà dùng, còn bà rót cho ông bát mắm khác. Cái bếp than tổ ong bà mua suốt từ thời nảo thời nào, bây giờ vẫn dùng tốt, mọi sinh hoạt của bà quay quanh cái bếp than suốt từ tuổi trẻ cho đến tuổi già, nào nấu ăn cho cả nhà, đun nước uống, nước pha trà đổ đầy mấy cái phích, xong thì đun nước tắm cho mình. Có hôm nấu nhiều món ăn, đến khi đun nước tắm thì than đã tàn, nước chưa kịp nóng, bà vẫn nghiến răng tắm nước lạnh, chứ không dám bật cái bình nước nóng đun bằng điện. Bà hy sinh như vậy, nhưng không bao giờ làm hài lòng nhà chồng. Nhất là với chồng, 2 ông bà yêu nhau (chứ không phải thời gả bán xưa cũ gì), thế mà ông cũng không hề quan tâm bà, thậm chí về già càng ngày càng khó tính, đỉnh điểm là gần đây ông không hài lòng gì là ông không chỉ mắng vợ không tiếc lời mạt sát mà còn sẵn sàng tát vợ mấy cái bạt tai. Nhiều khi bà thấy hận ông, nhưng bà cũng phải nín nhịn kẻo hàng xóm và con cháu cười cho...

Nghe mẹ chồng kể lể trong nước mắt, Loan đã hiểu vì sao mẹ chồng lại khó tính với cô, lại bắt con dâu đun nước tắm bằng bếp than, dù Loan có lần nói: “Mẹ ơi, tiền điện do con trả, mẹ cứ bật bình nước nóng mà dùng, và con cũng dùng cho tiện, không nên tiết kiệm quá như thế”, nhưng mẹ chồng nhất định không chịu. Loan không dám nói là đêm qua cô nghe thấy ông mắng bà, đòi đánh bà. Chợt nhớ câu chị Hoàn nói “Tại mình cả thôi”, Loan thưa với mẹ chồng:

- Mẹ, sao mẹ phải chịu đựng khổ cả đời thế? Mẹ xem chị Phi nhà mình lấy chồng cũng làm dâu cả, nhưng nhà chồng chị có khó khăn, ép buộc chị vất vả như nhà mình đâu. Con thấy giỗ chạp từ lâu rồi chị Phi toàn đặt nhà hàng làm cỗ. Chị nói cỗ bàn hết bao nhiêu thì các anh chị em trong nhà hoặc tự nguyện góp, hoặc chia đều. Ngày 30 Tết thì nhà chồng chị cũng có tục lệ tụ họp con cháu khắp cả nước về, nhưng mỗi năm do một gia đình đăng cai, năm nay anh cả thì năm sau đến anh hai, chị ba, cậu tư, cậu út, cứ quay tròn như thế, ai cũng được dịp thể hiện tài nghệ của vợ đảm, dâu hiền. Nhiều năm mẹ thấy đấy, các ông bà thông gia cũng được mời đến giỗ hoặc Tất niên cùng, thế là vừa có nội vừa có ngoại, đều vui và đầm ấm.

Mẹ chồng Loan thở dài:

- Nhà họ khác, mình khác con ơi!

Loan không chịu:

- Mẹ để lát nữa con sẽ lựa lời nói với bố và mọi người.

Thế rồi khi vợ chồng chị gái và vợ chồng chú em chồng đến, gọi là sắp mâm cúng, Loan tranh thủ thưa với bố và các chị em chồng về việc nhà mình tự làm cỗ thế này quá vất vả, từ nay Loan xin học tập gia đình bên nhà chồng chị Phi, xin phép đặt cỗ vừa cho các cụ được thưởng thức các món đặc sản ngon, mà con cháu cũng như mẹ đỡ vất vả. Thấy Loan nói kiên quyết mà cũng có lý có tình, nên vợ chồng chị Phi cũng ủng hộ vào. Vừa lúc đó khách khứa và các cô chú đến dự đám giỗ, Loan biết là bố chồng rất sĩ diện, trước mặt các khách khứa, họ hàng thì không bao giờ lộ ra điều gì, nên không để cho ông kịp phản đối, Loan “chốt” luôn: “Nhà mình từ nay quyết định đặt cỗ thế rồi nhé! Con xin phép bố cho con cứ thế thực hiện!”. Nói xong Loan vội dồn các chị em bê mâm dọn cỗ mời khách. Trong lòng cô tự nhiên nở một niềm vui: “Dâu cả sướng hay khổ, đều là do mình cả thôi”!

Trần Thái Hòa

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.