Gốm Kim Lan: Tự hào làng nghề nghìn năm tuổi

Chia sẻ

Nhắc đến làng nghề chuyên sản xuất gốm trên địa bàn Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến làng gốm Bát Tràng. Thế nhưng ít ai biết được rằng nằm ngay kế bên Bát Tràng còn có một làng gốm sứ khác có tuổi đời lâu hơn cả Bát Tràng, đó là Kim Lan.

Nằm cách Thủ đô Hà Nội 30km về phía Đông Nam, làng gốm Kim Lan thuộc địa phận xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, cách làng gốm Bát Tràng chỉ một con kênh, là một trong những cái nôi của gốm sứ Kinh Bắc.

Theo các cụ cao niên trong làng, gốm Kim Lan có từ thế kỉ VII và phát triển rực rỡ nhất vào thế kỉ XII-XIII, là trung tâm của gốm sứ kinh thành Thăng Long. Sản phẩm gốm Kim Lan thời kì đó được xuất khẩu đi cả các thị trường nước ngoài như Đài Loan, Indonesia… Bằng chứng là ông Nguyễn Việt Hồng – chủ nhân của Bảo tàng gốm cổ Kim Lan, đã tìm được hàng nghìn di vật cổ đóng góp tích cực cho việc tìm hiểu lịch sử của làng Kim Lan cũng như đất Thăng Long xưa.

Gốm Kim Lan:  Tự hào làng nghề nghìn năm tuổi - ảnh 1

Chuyện bắt đầu từ năm 1967, khi vùng đất bãi Kim Lan ở bờ Bắc sông Hồng bị lở, ở độ sâu 5m, người ta thấy lộ nhiều lọ, bát, đĩa, với đủ các cỡ, màu men. Những năm 1980, các nhà ở xóm Chùa đào đất thấy những xâu bát nung quá lửa. Đến năm 1996, trên đất Hàm Rồng lại tìm thấy lộ 4 vò tiền cổ.

Sau những trận lụt, bờ sông Hồng sụt lở. Người dân Kim Lan nhặt được nhiều mảnh gốm cổ, thậm chí có cả những món đồ gần như nguyên lành và những chiếc lọ đầy ắp tiền cổ. Tháng 4/2000, một đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã về Kim Lan và những di vật do nhóm “Tìm về nguồn cội” của làng cung cấp đã khiến các nhà sử học sửng sốt. Liên tục từ năm 2001 - 2003, đã có 3 đợt khai quật được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành trên bãi Hàm Rồng.

Đợt khai quật đã thu được sưu tập hiện vật có số lượng lên tới con số hàng nghìn, trải dài suốt 10 thế kỷ, từ thế kỷ 7 - 17. Trong đó đáng kể hơn cả là những đồ gốm sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên... Những đợt khảo cổ ấy cũng tìm thấy rất nhiều gạch Giang Tây Quân (sau này cũng phát hiện được loại gạch tương tự tại Hoàng thành Thăng Long). Các nhà khảo cổ học kết luận: Kim Lan là một làng cổ, khai quật cả cột móng nhà, nền nhà cũ. Ở đây có dấu tích sản xuất gốm sứ từ xưa và có hàng xuất khẩu từ thế kỷ 13-14; người dân Kim Lan xưa rất giàu có. Sau này, các cụ cao niên trong làng còn chung sức hoàn thành cuốn sách Kim Lan xưa và nay để làm rõ cội nguồn của làng.

Sự việc trên diễn ra nhiều năm đã gợi cho cụ Nguyễn Việt Hồng (sinh năm 1936 - người am hiểu lịch sử nghề gốm sứ Kim Lan) nhiều trăn trở: “Tôi đã nghĩ phải chăng trên đất Kim Lan xưa có nhiều lò gốm cổ? Điều đó càng khiến tôi có động lực tiếp tục công việc đi tìm kiếm, nhặt nhạnh, thu gom những di vật ở dọc sông Hồng, dù nhiều lần bị cho là dở hơi, lẩm cẩm. Nhà nào tìm được đồ vật cổ nào tôi đều đến gặng mua về tìm hiểu”. Sau hàng chục năm say mê tìm kiếm, ông đã tìm được hàng nghìn di vật và phân thành nhiều nhóm.
Với những cổ vật đã tìm được, năm 2000, ông Hồng quyết định gửi đơn lên Sở Văn hóa – Thông tin, Viện Khảo cổ và Viện Bảo tàng Lịch sử đặt vấn đề nghiên cứu sâu hơn từ những phát hiện khảo cổ ở Kim Lan. Với sự tài trợ của Quỹ bảo vệ di sản trong lòng đất của Nhật Bản, ông Hồng cùng 4 cao niên trong làng đã dựng lên Bảo tàng khảo cổ học cộng đồng ngay chính sân đình của làng Kim Lan. Với những đóng góp to lớn ấy, nhóm “Tìm lại cội nguồn” của ông Hồng đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2013.

Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan (Gia Lâm- Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2013. Đây là bảo tàng cấp xã đầu tiên trong cả nước. Bảo tàng Kim Lan nằm liền kề với Miếu bản và UBND xã Kim Lan, mở cửa vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Bảo tàng rộng khoảng 200m vuông, có phần mái được thiết kế cách điệu theo kiểu lò bầu và lò đứng - các kiểu lò nung gốm của người dân Kim Lan từ xưa đến nay.

Bảo tàng Kim Lan trưng bày khoảng 300 hiện vật (kể cả các sản phẩm, hiện vật mới của làng gốm). Dù không gian không rộng, hiện vật không nhiều nhưng khá đa dạng loại hình, chất liệu, niên đại và được bày biện rất khoa học, hiện đại.

Sau nhiều năm hoạt động, nhiều người dân Kim Lan đến thăm, học tập kinh nghiệm của cha ông để áp dụng cho công việc sản xuất của địa phương. Các đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, học sinh, sinh viên... cũng đã thường xuyên đến thăm, nghiên cứu Bảo tàng vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Khánh Linh

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.