3/4 lượng mẫu xét nghiệm ở BV Bạch Mai đã có kết quả âm tính

Chia sẻ

Chiều 29/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến khẩn tới 300 điểm cầu với ngành y tế các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra, nhằm triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 sau khi BV Bạch Mai phát hiện 16 ca mắc liên quan tại đây.

Thông tin tại hội nghị trực tuyến, TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tối 28/3, Bệnh viện Bạch Mai đã cùng quân đội di chuyển gần hết số lượng người nhà của bệnh nhân trong bệnh viện đi cách ly tập trung tại Láng Hòa Lạc (Hà Nội). Số ít còn lại ở bệnh viện là người nhà của những bệnh nhân có nguy cơ tử vong, nhưng ở lại đều có kiểm soát và có khu vực riêng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến.Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Dũng)

Tối nay, trên 7.000 mẫu xét nghiệm của Bạch Mai (gồm nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân, nhân viên dịch vụ trong viện) sẽ có kết quả. Hiện tại 3/4 số lượng mẫu đã có kết quả âm tính, chưa có nhân viên y tế nào trong số này mắc bệnh.

Hiện có 793 bệnh nhân đang nằm ở bệnh viện, trong có 353 người có thể ra viện, 137 bệnh nhân có khả năng chuyển xuống tuyến dưới, 198 bệnh nhân nặng không thể di chuyển ra khỏi Bệnh viện Bạch Mai nếu không có phương tiện hỗ trợ.

Ông Hùng cũng chia sẻ những khó khăn của bệnh viện trong thời điểm này, đó là việc sau khi TP Hà Nội ra quyết định cách ly với tất cả những người liên quan Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3 đến nay, toàn bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai ở địa bàn Hà Nội bị địa phương "hình như coi là bệnh nhân dương tính" nên bắt cách ly tại chỗ, không di chuyển, điều này gây ra sự khó khăn trong đi lại cho cán bộ nhân viên y tế. Ông Hùng khẳng định đối với nhân viên y tế không riêng nhân viên y tế Bạch Mai đã là phơi nhiễm chủ động, tức là đã chủ động phòng ngừa và tự cách ly, như vậy không thể áp dụng cách ly đối với nhân viên y tế như người bình thường được, hiện tại nhiều người đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm đó cho nên nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai không được đi làm cũng như ra khỏi nhà, việc này cần xem xét vì nó sẽ ảnh hưởng đến 800 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cho rằng cần có giải pháp Lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cho rằng cần có giải pháp "gỡ khó" , để nhân viên y tế được đến bệnh viện làm việc. (Ảnh: Tuấn Dũng)

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định sau khi 100% người trong bệnh viện được sàng lọc, xét nghiệm âm tính, bệnh viện được tiêu độc khử trùng toàn bộ, thì khuôn viên bệnh viện Bạch Mai đã "sạch hơn các điểm ngoài".

"Tất cả đã được sàng lọc rồi, giờ nhân viên không đi làm được. Việc cách ly rất khó khăn trong công tác điều trị tiếp" – ông Hùng nói và cho biết bệnh viện này đã làm phiếu xác nhận nhân viên đã có kết quả xét nghiệm.

Do đó, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng nếu không được điều chỉnh, không quyết liệt "gỡ khó" ngay với nhân viên y tế bệnh viện về việc cách ly thì chỉ trong 3 ngày tới, khi phải tăng cường toàn bộ nhân viên y tế phục vụ điều trị, bệnh viện sẽ rất thiếu người.

"Phải có hành động quyết liệt để nhân viên y tế được đến Bệnh viện Bạch Mai làm việc" - GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Ông Tuấn cũng thông tin, khoa chạy thận vẫn đang hoạt động tất cả đối tượng chạy thận nhân tạo trong bệnh viện đã kê khai y tế, dịch tễ, cam kết tự cách ly theo đúng hướng dẫn. Bệnh viện cũng đã thống nhất với phường có bệnh nhân thận nhân tạo, phối hợp giám sát bệnh nhân chạy thận xong phải về nhà, khi vào bệnh viện chạy thận cũng đi bằng 1 lối riêng, có nhân viên hướng dẫn, tuyệt đối không đi lại trong bệnh viện. Những biện pháp này nhằm giảm nguy cơ đưa nguồn từ nhiễm bệnh từ ngoài vào bệnh viện.

Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.