Nhức nhối đằng sau những phiên tòa ly hôn vì tài sản

Chia sẻ

Tài tản là một trong những yếu tố góp phần tạo nên hôn nhân hạnh phúc nhưng cũng là nguyên nhân hàng đầu đẩy hôn nhân vào đổ vỡ. Và sau mỗi phiên toà ly hôn, vấn đề chia tài sản đều khiến những người trong cuộc bị tổn thương .

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ly hôn vì “không muốn tiền chảy về túi nhà ngoại”

TAND TP Hà Nội vừa xét xử phúc thẩm công khai vụ án ly hôn của anh N.V.K và chị N.T.H. Bị đơn là người vợ, chị kháng cáo với mong muốn vợ chồng đoàn tụ trở lại, bởi “tôi thấy anh ấy chỉ tự ái về vấn đề tiền bạc, còn tôi vẫn yêu thương chồng”.

Họ đã xây dựng gia đình được hơn 20 năm. Sau khi kết hôn được 1 năm, chị H và anh K xin bố mẹ chồng ra ở riêng, căn nhà thuê vừa ở vừa làm nơi kinh doanh. Một vài năm sau, khi đã có chút vốn liếng, chị H bày tỏ với chồng, muốn góp tiền mua đất chung cùng bố mẹ đẻ, nhưng anh K không đồng ý. Anh từng nói rằng, chị đã bước vào nhà người khác làm dâu, thì không còn trách nhiệm gánh vác gì với nhà đẻ nữa. Chị H lặng đi và đành phải theo ý chồng. “Tuy nhiên, bố mẹ tôi vẫn mua mảnh đất đó và bảo sẽ sang tên cho vợ chồng tôi. Từ đó, anh K bắt đầu nghi ngờ tôi mập mờ trong quản lý tiền bạc, bởi làm gì có chuyện bố mẹ vợ cho không con rể mảnh đất to như thế!”- chị H trình bày.

Sau đó, anh K thâu tóm toàn bộ tài sản trong gia đình, quản lý 2 cửa hàng bán vật liệu xây dựng mà hai vợ chồng từng chung lưng đấu cật dựng nên. Sự nghi ngờ vợ trong vấn đề tài sản ngày càng lớn trong lòng anh K. Tháng 4/2019, anh ăn riêng dù vợ chồng vẫn ở cùng nhà. Mỗi tháng, anh đưa cho chị 6 triệu để nuôi 3 đứa con. Chị H nói như vậy là ít quá thì anh K nói ngay: “Ít thì về nhà bố mẹ đẻ mà xin!”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, anh K trình bày rằng hai vợ chồng đã không còn tình cảm gì với nhau, đề nghị tòa án giải quyết ly hôn. Chị H không đồng ý vì nghĩ anh hay nóng giận nên mới quyết định nhất thời như thế nên kháng cáo. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, anh K vẫn giữ nguyên yêu cầu ly hôn, đồng thời trình bày thêm việc chị H hay xúc phạm, có nhiều lời nói không đúng mực với chồng. “Thưa Quý Tòa, tiền bạc là vấn đề nhạy cảm. Sau khi không đồng ý cho vợ góp tiền mua đất với bố mẹ cô ấy, tôi cũng không xen vào chuyện đó nữa. Thế nhưng kể từ đó, tôi mang tiếng là một người con rể nhu nhược, bủn xỉn. Cô ta (anh chỉ vào chị H) luôn bóng gió, thậm chí là nhiếc móc tôi làm mất mặt vợ. Tôi ly hôn để cô ta về mảnh đất kia mà ở một mình cho sung sướng”.

 Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm đã bác đơn ly hôn của anh K với chị H do nhận thấy anh K không trả lời rõ ràng được vì sao lại tự cho mình quản lý hết tiền bạc, ăn riêng và đưa tiền cho vợ để nuôi con mỗi tháng. Đồng thời, Tòa tin tưởng với hạnh phúc đã gây dựng được hơn 20 năm, chị H sẽ có hướng giải quyết êm đẹp cho mâu thuẫn của hai vợ chồng.

Đã bỏ nhau rồi, phải rạch ròi từng đồng, từng cắc

Cũng liên quan tới vấn đề tài sản, tại phiên tòa xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng chị Tr.T.V, anh Đ.V.T ly hôn, bố mẹ anh T lại theo dõi rất chăm chú và thường ngồi phía sau nhắc khéo con trai. Khi được hỏi, ông bà cho biết: “Chúng nó chắc chắn ly hôn rồi, chúng tôi phải giành lại bằng được căn nhà hai đứa đang ở chung. Đó là công sức của vợ chồng chúng tôi, hai vợ chồng nó không đóng góp gì cả. Vì thế, không thể có chuyện chia đôi, con trai tôi phải được hưởng hết”.

Lý do của bố mẹ anh T cũng tương đồng với nội dung đơn kháng cáo của anh T: đề nghị tuyên sửa án sơ thẩm phân chia về tài sản chung theo công sức đóng góp của mỗi bên.

Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, anh T cho biết: Khi mới lấy nhau (năm 2006), hai vợ chồng vừa tốt nghiệp đại học nên không thể có đủ tiền để mua đất, xây nhà. “Ban đầu, chúng tôi dự định vay mượn bố mẹ hai bên và bạn bè nhưng mẹ tôi cản lại, nói rằng như vậy sẽ không rạch ròi chuyện của anh-của tôi. Vậy là, dù bố mẹ vợ cho vay 150 triệu nhưng tôi đã trực tiếp trả lại. Số tiền xây nhà do bố mẹ tôi đứng ra lo vay mượn. Căn nhà này không chỉ để hai vợ chồng ở, mà còn là trách nhiệm phụng dưỡng với bố mẹ tôi sau này. Vậy nên, chuyện tôi và vợ mỗi người được chia một nửa ngôi nhà như tòa sơ thẩm quyết định là không công bằng”.

Chị V đề nghị tòa phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo của anh T. “Căn nhà đã đứng tên vợ chồng tôi, vậy thì nó phải được chia đôi mới công bằng chứ. Đó là chưa kể tôi cũng vun vén, sắm sửa cho ngôi nhà, nuôi nấng con cái, lớn lên lại đi học, bao nhiêu khoản phải chi. Bố mẹ anh có công xây nhà, thì tôi cũng có công xây tổ ấm”.

Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bố mẹ anh T trình bày: Họ đầu tư mua đất, xây nhà cho hai vợ chồng với mục đích để các con ổn định cuộc sống, xây dựng hạnh phúc trọn đời, chứ không phải mong tan vỡ mà phân chia thế này. Nay sự việc đã rồi, ông bà đề nghị tòa án giải quyết phân chia hợp tình hợp lý. “Tất cả phải thuộc về con trai tôi. Công sức bỏ ra của con dâu, chúng tôi có thể tự trả bằng tiền cho cô ta”.

 HĐXX sơ thẩm nhận định công sức đóng góp của hai vợ chồng để tạo lập khối tài sản chung là ngang nhau nên chia đôi khối tài sản là không đảm bảo về công sức đóng góp của mỗi bên vào khối tài sản chung này. HĐXX phúc thẩm thấy rằng cần phải xét công sức từ phía anh T vào khối tài sản này nhiều hơn so với chị V vì có được sự hậu thuẫn và hỗ trợ của bố mẹ anh. Do vậy, cần sửa án sơ thẩm về phân chia tài sản theo hướng chị V được chia 35% giá trị, anh T được chia 65% giá trị nhà đất. Nhận định này phù hợp với quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Mặc dù vậy, cả hai bên đều có vẻ không đồng tình với kết quả này. Bên thì chê được quá ít, bên thì tiếc nuối vì không lấy lại được hết tài sản mà nhẽ ra phải thuộc về mình. Họ bảo sẽ tiếp tục làm đơn kháng cáo.

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.