Mù mờ như… chấm điểm học từ xa, học trực tuyến

Chia sẻ

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong thời gian học sinh cả nước không đến trường vì dịch Covid-19, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình sẽ được sử dụng để đánh giá, xếp loại học sinh.

Việc chấm điểm học sinh học theo hình thức trực tuyến, từ xa khó thực hiệnViệc chấm điểm học sinh học theo hình thức trực tuyến, từ xa khó thực hiện

Theo quy định hướng dẫn dạy học qua Internet và truyền hình trong thời gian học sinh cả nước không đến trường vì dịch COVID-19 do Bộ GD-ĐT vừa công bố, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, THCS, THPT.

Cụ thể, đối với việc kiểm tra thường xuyên, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với dạy học trên truyền hình bằng các hình thức phù hợp.

Đối với việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ, Bộ GD-ĐT quy định rõ: Khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Ngoài ra, cơ sở giáo dục phổ thông đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.

Tuy nhiên, trước quy định này, nhiều cơ sở giáo dục cho biết, rất khó để chấm điểm học sinh học theo hình thức học trực tuyến, từ xa. Một hiệu trưởng đang triển khai dạy học trực tuyến cho biết: Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa chỉ rõ việc đánh giá học sinh sẽ dựa trên công cụ nào. Đơn cử như với việc học qua truyền hình, giáo viên sẽ chấm bài làm của học sinh theo hình thức chụp lại bài rồi gửi qua zalo, facebook hay đợi khi đi học tập trung sẽ thu lại. Cũng rất khó để xác định bài làm đó do học sinh làm, hay người khác làm hộ.

Ngoài ra, hiện cũng chưa làm rõ ràng hình thức kiểm tra nhớ kiến thức hay năng lực vận dụng kiến thức. Nếu kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức thì học sinh có thể xem lại bài giảng và chép lại kiến thức vào bài kiểm tra trước khi nộp cho giáo viên. Nếu kiểm tra theo năng lực vận dụng kiến thức thì không phải đối tượng học sinh nào cũng có thể làm được, nhất là tự học từ xa. Cuối cùng, nếu đánh giá theo mức độ chuyên cần thì càng không khả thi do giáo viên không thể giám sát việc học của học sinh tại nhà.

Ông Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh cho rằng học từ xa đòi hỏi học sinh phải được trang bị kỹ năng tự học, thái độ học tốt. Thêm nữa, hiện nay, việc triển khai học từ xa, học trực tuyến chưa đồng đều giữa các khu vực, các trường, các lớp và ngay cả các học sinh trong cùng một lớp.

Vì thế, nếu đánh giá học trực tuyến, học qua truyền hình thay cho các bài kiểm tra thường xuyên trên lớp là chưa công bằng với tất cả các học sinh. Không nên kiểm tra, đánh giá hình thức học còn rất mới, cả thầy và trò chưa được chuẩn bị kỹ càng để  thay các bài kiểm tra như hình thức học tập trung trên lớp.

Tương tự như vậy, nhiều ý kiến cũng lo ngại, nếu việc chấm điểm học từ xa, internet được thay thế cho các bài kiểm tra thường xuyên trên lớp thì sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, nhờ người làm bài kiểm tra hộ để làm đẹp học bạ.

Vì thế, theo nhiều chuyên gia, chỉ nên coi việc học trên truyền hình là phương pháp bổ sung kiến thức trong thời gian học sinh đang tạm nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, chúng ta cần đưa ra được một công cụ dạy học trực tuyến hiệu quả, xây dựng được các công cụ đánh giá khoa học, chính xác cũng như có hướng dẫn chi tiết, cụ thể các tiêu chí để các cơ sở giáo dục thực hiện.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.