Kinh tế toàn cầu “suy sụp” vì đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Khi đại dịch Covid-19 càn quét qua các quốc gia, nền kinh tế toàn cầu bị đảo lộn . Các Chính phủ đã phải tung gói kích thích giá trị lớn chưa từng thấy để cứu người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch.

Tác động chưa có tiền lệ

Nhiều nước đã phải đóng cửa toàn bộ ngành thương mại để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, khiến tổng sản phẩm quốc nội bị suy giảm mạnh trong những tháng tới. Giá cổ phiếu sụt giảm, giá dầu lao dốc không phanh.

Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịchKinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 (Ảnh: Int.)

Tình trạng thất nghiệp tăng mạnh khi các doanh nghiệp như nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục ở Mỹ. Điều khiến cuộc khủng hoảng kinh tế do virus SARS-CoV-2 khác với các cuộc khủng hoảng trước đó là ở chỗ tốc độ gián đoạn quá nhanh.

Năm 2008, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ cao gấp 10 lần so với hiện nay nhưng tình trạng này diễn ra từ từ, không nhanh như bây giờ. Số liệu tuần trước cho thấy Mỹ có 3,28 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp - con số chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, gấp 5 lần so với mức tăng lớn nhất hàng tuần trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Các nhà kinh tế đã phải tính toán lại dự báo GDP. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, đa số nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn năm 2019. Quy mô GDP sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng kiềm chế đại dịch của các nước.

Đại dịch Covdi-19 là cuộc khủng hoảng y tế, nhưng kéo theo rất nhiều cuộc khủng hoảng về: kinh tế, hàng không, ngành dịch vụ... gây ra áp lực rất lớn cho hệ thống tài chính thế giới. Trong khi các ngân hàng lớn đã được củng cố mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng các thị trường từ thị trường trái phiếu cấp thấp tới thị trường thế chấp đều có dấu hiệu bị ảnh hưởng khi giới đầu tư tháo chạy khỏi bất kỳ điều gì có dấu hiệu rủi ro.

Để kiềm chế virus lây lan, Chính phủ nhiều nước đã phải thực hiện nhiều biện pháp y tế công cộng như giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa. Khi thực hiện điều này, dòng hàng hóa và chuỗi cung ứng bị đình trệ, khiến cả nền kinh tế cũng đình trệ theo và đang đi trên con đường tiến tới suy thoái toàn cầu. “Lây nhiễm” kinh tế giờ lan nhanh không kém virus SARS-CoV-2.

Cái giá rủi ro về kinh tế là quá lớn và không biết bao giờ con số thiệt hại kinh tế mới dừng lại khi dịch bệnh chưa đạt đỉnh ở nhiều quốc gia. Nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng là chưa có tiền lệ và không thể dự đoán được.

Khi mà nhiều quốc gia phương Tây đã bỏ lỡ thời điểm vàng để kiềm chế dịch bệnh, triển vọng kinh tế là rất ảm đạm. Nhiều chính trị gia, nhà lập pháp và các thị trường tài chính đều trở tay không kịp với dịch bệnh.

Chính phủ tung gói giải cứu

Trong bối cảnh người lao động thất nghiệp, doanh nghiệp phải dừng hoạt động, mọi hoạt động xã hội xáo trộn do lệnh cách ly, phong tỏa, các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đang đưa ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD để nỗ lực cứu nền kinh tế thế giới khỏi chìm trong suy thoái giữa đại dịch Covid-19.

Phản ứng của Chính phủ các nước trong đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là chưa từng có tiền lệ về tốc độ và quy mô. Tới nay, số tiền mà các Chính phủ và ngân hàng trung ương cam kết chi để giải cứu nền kinh tế đã lên tới 7.000 tỷ USD và sẽ còn tăng. Tổng cộng, các khoản này gồm khoản chi của Chính phủ, đảm bảo khoản vay, giảm thuế cũng như là số tiền mà ngân hàng trung ương in ra để mua tài sản như trái phiếu, quỹ cổ phiếu.

Nỗ lực giải cứu kinh tế trong đại dịch lần này cao hơn rất nhiều so với số tiền dùng để kích thích kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2018. Tốc độ thông qua các gói giải cứu cũng lập kỷ lục.

Con số trên gồm 2.000 tỷ USD trong gói giải cứu của Mỹ đã được Quốc hội thông qua và Tổng thống Donald Trump ký, cùng với gói kích thích 30.000 tỷ yên (tương đường với 274 tỷ USD) mà Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua vào tháng 4 năm nay.

Tại châu Âu, nỗ lực giải cứu các nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang diễn ra ở Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha – những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Tại Anh, Chính phủ đã đưa ra gói kích thích 397 tỷ USD dưới dạng đảm bảo khoản vay và hoãn thuế doanh nghiệp cho ngành giải trí, khách sạn, bán lẻ trong 12 tháng. Gói kích thích này cũng sẽ trả 80% lương của người lao động trong ít nhất 3 tháng tới, lên tới 2.900 USD/tháng. Chính phủ Anh còn cam kết hỗ trợ những người làm tự do một khoản tiền mặt bằng 80% lợi nhuận trung bình tháng, lên tới 3.000 USD/tháng trong quý tới.

Tại Liên minh châu Âu, Đức đã đưa ra gói giải cứu trị giá tới 825 tỷ USD, gồm các biện pháp như khuyến khích cho doanh nghiệp vay tiền. Pháp đã thông qua gói giải cứu 50 tỷ USD dành cho doanh nghiệp nhỏ và người lao động không có việc làm. Italy đã bật đèn xanh cho gói 27,5 tỷ USD để giúp người lao động và hỗ trợ hệ thống y tế quốc gia. Trong khi đó, gói giải cứu ở Tây Ban Nha trị giá 220 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, nước này đã thông báo ít nhất 16,4 tỷ USD dùng để kích thích kinh tế và giải cứu tài chính, cộng với 112,5 tỷ USD tiền giảm thuế và phí. Nếu cần, Trung Quốc có thể chi hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã thông qua các biện pháp nới lỏng tín dụng, dành ít nhất 162 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch.

Chính phủ Ấn Độ có gói giải cứu trị giá 22,6 tỷ USD. Gói này được đưa ra chỉ 36 giờ sau khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Gói gồm các khoản chi trả cho hệ thống y tế và hỗ trợ lương thực, trợ cấp cho người lao động.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nỗ lực trên là chưa đủ. Ví dụ như nền kinh tế Mỹ có thể cần tới ít nhất 3.000 tỷ USD kích thích tài chính.

Nói tóm lại, các gói trên chỉ có thể làm giảm bớt thiệt hại kinh tế phần nào, chứ không đủ nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài qua tháng 6. Về lâu dài, các Chính phủ sẽ cần thêm động thái nữa.

Dương Thùy (theo QZ, CNN)

 

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.