Tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19 được báo chí nước ngoài ca ngợi

Chia sẻ

Báo Guardian nổi tiếng của nước Anh và thế giới vừa giới thiệu những bức tranh cổ động đặc sắc của Việt Nam về chủ đề Covid-19 như một “hình mẫu” trong truyền thông phòng chống đại dịch đã khiến cho nhiều người phải thay đổi cách nhìn về dòng tranh này.

Tranh cổ động phát huy sức mạnh trong giai đoạn chống dịch Covid-19Tranh cổ động phát huy sức mạnh trong giai đoạn chống dịch Covid-19

Khi tranh cổ động “ra quân”

Thực ra, những gì mà báo Guardian phản ánh chỉ là một phần nhỏ của cuộc “biểu dương lực lượng” nghệ thuật rầm rộ vừa qua trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam, trong đó tranh cổ động là lực lượng nòng cốt, bên cạnh âm nhạc. Báo Guardian đã giới thiệu tranh của 3 tác giả tiêu biểu là Lê Đức Hiệp, Phạm Trung Hà và Lưu Yên Thế, với những sáng tạo mới mẻ trong tranh cổ động cả về mặt hình họa và các khẩu hiệu trong tranh, nhấn mạnh vào tinh thần yêu nước. Tờ báo này cũng nhắc đến việc vẽ áp-phích như một truyền thống từ những năm 1960 và 1970 ở Việt Nam - thời Việt Nam tập trung vào việc thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Thời đấy, bạn có thể thấy những bức tranh tuyên truyền lớn trên khắp đất nước" - báo Guardian trích lời một họa sĩ.

Không phải ngẫu nhiên mà báo Guardian ấn tượng với phong trào sáng tác tranh cổ động ở Việt Nam. Trong một thời gian ngắn kỷ lục nhưng cuộc vận động sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thực hiện vừa qua đã thu hút được sự quan tâm, hào hứng nhập cuộc của nhiều hoạ sĩ chuyên vẽ dòng tranh này. Những bức tranh được lựa chọn đã trở thành “vũ khí” phục vụ công tác tuyên truyền chống dịch trên khắp cả nước.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương chia sẻ, các họa sĩ được mời tham gia đều có kinh nghiệm trong sáng tác tranh cổ động. Họ hào hứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm khi bước vào một cuộc vận động sáng tác trong bối cảnh khá đặc biệt hiện nay. Nhiều bức tranh đã khai thác được tiếng nói và thế mạnh của tranh cổ động trong việc chuyển tải những thông điệp đến với người xem.

Họa sĩ Đỗ Trung Kiên, người tham gia cuộc vận động, cho biết: “Khi sáng tác, thông điệp lớn nhất mà chúng tôi khao khát nói với mọi người, đó là: Hãy cùng nhau ngăn chặn Covid-19, hiểm họa của dịch bệnh toàn cầu”. Họa sĩ Lưu Yên Thế thì nói rằng việc sáng tác thể hiện trách nhiệm của một công dân, một họa sĩ khi đứng trước vấn đề thời sự toàn cầu. 

Một sức mạnh khó thay thế

Cũng đã lâu giới nghệ sĩ sáng tác tranh cổ động mới thực sự bước vào một cuộc sáng tác với khí thế xung kích, đặc thù làm nên chất riêng của dòng tranh cổ động so với các loại hình hội họa còn lại.

Quay ngược lại thời gian, tranh cổ động Việt Nam luôn khẳng định sức mạnh của mình trong từng giai đoạn lịch sử. Đồng hành cùng những nghệ sĩ - chiến sĩ trên chiến trường, nhiều bức tranh cổ động từng trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén, là tư liệu giá trị gói ghém những thời khắc lịch sử của dân tộc. Nhờ vậy, tranh cổ động Việt Nam theo dòng chảy thời gian đã hình thành nên truyền thống sáng tác, thu hút sự quan tâm của một bộ phận công chúng, trong đó đặc biệt là du khách quốc tế.

Ở Hà Nội, sự tồn tại của những hàng bán tranh cổ động khá đặc biệt, đó còn là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách. Các cửa hàng thường trưng bày đủ loại tranh cổ động với nhiều kích cỡ lớn, nhỏ, gắn với những thông điệp, những khẩu hiệu gần gũi, quen thuộc, dễ hiểu phản ánh những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước. Phần lớn là tranh về thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, chào mừng Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, về Bác Hồ, và lao động sản xuất...

Chủ một shop tranh cổ động tại phố cổ Tạ Hiện cho biết, khách đến mua tranh chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ... Họ thường hỏi rất nhiều về ý nghĩa, lịch sử ra đời của những bức tranh cổ động. Những tác phẩm như "Nixon phải trả nợ máu",  "Kỷ niệm 10 năm đánh thắng máy bay chiến lược B52 của giặc Mỹ"… Tranh cổ động về lao động sản xuất được mua nhiều bởi đã khắc hoạ những ấn tượng mạnh về lịch sử, về những nỗ lực vượt qua khó khăn mà người dân Việt Nam đã trải qua. Chỉ cần xem những bức tranh cổ động, người ta đã có thể hình dung phần nào về đất nước Việt Nam trong những năm kháng chiến.

Nhiều bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong bão táp cách mạng, với sự có mặt của thế hệ họa sĩ yêu nước như Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị... Nền hội họa Việt Nam cũng nổi tiếng với nhiều họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến chống  Pháp, chống Mỹ và những giai đoạn sau này như họa sĩ Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Bích, Trường Sinh, Trần Mai…Tranh cổ động đã góp sức không nhỏ vào việc cổ động người dân đấu tranh chống giặc, hăng hái sản xuất làm giàu cho đất nước.

Sức mạnh của tranh cổ động chính là ở sự giản dị, dễ hiểu, nêu “trực diện” vào chủ đề, cho nên có khả năng tác động nhanh, mạnh, trực tiếp đến người xem, rút ngắn khoảng cách từ nhận thức đến hành động. Sức mạnh đó đã làm nên sức sống lâu bền của dòng tranh. Có thể thấy rằng, ngay cả trong thời đại 4.0 này, khi thông tin bùng nổ, thì tranh cổ động vẫn rất “thiện chiến” tham gia vào các cuộc vận động lớn, có tính chất toàn dân. Và hôm nay, khi những bức tranh cổ động về phòng chống dịch Covid-19 đang hiện hữu trên khắp đất nước, giới nghệ sĩ sáng tác dòng tranh cũng mong muốn tác phẩm của mình sẽ tiếp tục trở  thành những chứng nhân lịch sử, để sau này kể cho con cháu nghe về những tháng ngày mà Việt Nam và thế giới đang gồng mình để bước qua đại dịch.

Thanh Mộc

Tin cùng chuyên mục

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".