Nguy cơ lây bệnh từ người tái nhiễm Covid-19 như thế nào?

Chia sẻ

Mới đây, thông tin 5 trường hợp mắc Covid-19 dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh lây ra cộng đồng.

Nguy cơ lây bệnh từ người tái nhiễm Covid-19 như thế nào? - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Cụ thể, 5 ca bệnh được công bố gồm BN188 (được cho ra viện ngày 16/4, điều trị tại BV Đa khoa Hà Nam, từng có 2 kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2); BN52 và BN149 (điều trị tại BV số 2 Quảng Ninh, có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần trước khi được công bố khỏi bệnh); BN137 (được BV Nhiệt đới TƯ cơ sở 2 công bố khỏi bệnh ngày 7/4 sau 3 lần xét nghiệm); BN36 (được công bố tại tỉnh Bình Thuận ngày 10/4, sau 3 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2).

Sáng 27/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 3 ca nghi ngờ tái dương tính gồm: 1 trường hợp được điều trị tại BVĐK tỉnh Bắc Ninh (BN74); 2 trường hợp tại BV dã chiến Củ Chi (BN207 và BN224).

Theo các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới cho thấy khoảng 3-10% bệnh nhân ở Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc) “tái dương tính” với SARS-CoV-2 chủng mới sau khi xuất viện. Một thông báo ở Hàn Quốc ngày 14/4 có 116 BN Covid-19 ở nước này được cho là đã khỏi bệnh nhưng lại cho kết quả dương tính sau khi xét nghiệm.

Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, có 3 khả năng xảy ra. Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi. Thứ hai, khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt - xác virus. Khi làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được. Thứ ba, trường hợp người lành mang trùng (hiện có một trường hợp). Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.

Về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng từ những trường hợp dương tính trở lại nói trên, trao đổi với báo Phụ nữ Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng điều này hầu như không có. Bởi, giả sử trong trường hợp bệnh nhân này còn sót lại một ít virus thì nó cũng đã suy yếu, không có khả năng gây bệnh. Về một số ý kiến cho rằng đây là chủng mới của virus, ông Nga cho rằng khả năng này là rất ít bởi trên thực tế ở một số nước vẫn có những trường hợp cho kết quả dương tính trở lại. “Qua ghi nhận chưa thấy báo cáo này nói về việc những người này gây bệnh trở lại cả” - PGS.TS Nga thông tin.

Đồng tình với những quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi TƯ cho biết thêm: Việc bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh mà vẫn có kết quả dương tính lại, không phải là hiện tượng mới. Có thể có trường hợp bệnh nhân đã hết virus, đã khỏi nhưng xác virus vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi, lúc này việc xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính.

Cũng có thể do miễn dịch đối với loại virus này không bền vững, nên cơ thể bệnh nhân không còn kháng thể nữa, rồi bị nhiễm trở lại bởi chủng đó; hoặc do bị tái nhiễm, nhưng ở một tuýp SARS-CoV-2 khác, thậm chí bởi một chủng virus corona khác; Hoặc không loại trừ sai sót của xét nghiệm trước khi bệnh nhân ra viện, hay ngay cả sau đó - tức là khi làm xét nghiệm lại.

“CDC Hàn Quốc nhận định rằng, những người nào đã sản sinh đủ kháng thể trong người không thể tái lây nhiễm từ ngoài vào. Virus có trong người bệnh tái dương tính không đủ khả năng lây nhiễm hoặc gây nguy hiểm cho người hoặc vật nuôi khác” - ông Nhung dẫn chứng. Bên cạnh đó, thực nghiệm mà người ta thấy ở Trung Quốc khi họ cho 4 chú khỉ lây nhiễm SARS-CoV-2 và khỏi bệnh sau 28 ngày. Sau đó họ cố gắng làm lây nhiễm lại cho các chú khỉ này thì không làm được. Tại thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc, nghiên cứu trên 38 bệnh nhân dương tính trở lại với SARS-CoV-2 cũng cho thấy, tất cả những người tiếp xúc với 38 bệnh nhân trên đều âm tính tới SARA-CoV-2.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng khuyến cáo: Người bệnh cần tiếp tục theo dõi và thực hiện tự cách ly nghiêm ngặt dù đã xác định là âm tính hay khỏi bệnh.

YÊN HƯNG 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.