Hà Nội: Cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

Chia sẻ

Sáng nay, ngày 6/5, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 4/2020. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị.

Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 4Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 4 (Ảnh: X.H)

Ảnh hưởng của dịch bệnh, một số nhóm ngành tăng trưởng giảm

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, 4 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP đạt 88.275 tỷ đồng (bằng  31,7% dự toán năm và 98,4% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4.329 triệu USD (giảm 4,7% cùng kỳ), trong đó một số nhóm hàng duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng là hàng hóa thiết yếu, thiết bị y tế phục vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; gỗ và sản phẩm từ gỗ; hàng gốm sứ; phương tiện vận tải và phụ tùng; giày dép và sản phẩm từ da. Chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Hà Nội bình quân 4 tháng tăng 4,57% (cùng kỳ tăng 4,06%). Một số nhóm ngành tăng trưởng giảm như giao thông giảm 3%; bưu chính viễn thông giảm 2,22%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 2,27%.

Đáng chú ý, TP đã cấp Giấy chứng nhận cho 7.165 doanh nghiệp thành lập mới, thực hiện thủ tục giải thể cho 725 doanh nghiệp (tăng 6% so với cùng kỳ), 4.877 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 36% so với cùng kỳ).

Đại diện lãnh đạo một số sở đã phát biểu tại hội nghị. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, trước tình hình nắng nóng dự báo có thể kéo dài, nhu cầu sử dụng điện theo dự báo từ đầu năm 2020 sẽ tăng khoảng 9,7% đến 10%, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 sản lượng điện chưa chắc sẽ bảo đảm sẽ tăng trưởng theo kịp nhu cầu. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Thăng khẳng định: “Nhu cầu điện trong mùa hè của TP hoàn toàn có thể đáp ứng được, trong quá trình sử dụng phải tránh để xảy ra sự cố đường dây, trạm cung cấp để bảo đảm phục vụ nhân dân”.

Liên quan đến vấn đề giáo dục, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong thời gian tới, ngành Giáo dục Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh song song việc bảo đảm chất lượng giáo dục, nhất là sang tuần tới tiếp tục cấp mầm non, tiểu học sẽ quay lại trường. Do đặc thù lứa tuổi nên Sở đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo, có kịch bản chuẩn bị chu đáo, phân công cán bộ, giáo viên tại các khu vực để chuẩn bị chu đáo đón trẻ đến trường.

Để chuẩn bị cho tuyển sinh đầu cấp, cụ thể là lớp 1, lớp 6, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các quận, huyện, thị xã điều tra, rà soát, phân tuyến tuyển sinh hợp lý, không để tình trạng trường thì quá tải, trường không tuyển đủ học sinh.

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghịGiám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị (Ảnh: X.H)

Đẩy nhanh giải ngân vốn vay, giải quyết việc làm 

Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 4/2020, TP đã giải quyết việc làm cho hơn 43 nghìn lao động, lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay đã giải quyết việc làm cho hơn 80 nghìn lao động. Trong tháng 4, Sở cũng hỗ trợ an sinh xã hội cho 6.281 người với số tiền 143,2 tỷ đồng; chi trả hơn 500 tỷ đồng cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo và người được bảo trợ xã hội gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đang xây dựng kế hoạch chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng thu nhập do dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội 396,531 tỷ đồng, cho 8.523 lượt hộ gia đình vay vốn, đã tiếp nhận thêm 4.708 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; ra quyết định hưởng BHTN 6.281 người, số tiền 143,2 tỷ đồng.

Để triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết thêm: TP yêu cầu các đơn vị cải cách triệt để thủ tục hành chính; đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. Thực hiện cắt giảm chi thường xuyên ngoài kế hoạch; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành chi ngân sách hiệu quả.

Đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn. Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng…

Đặc biệt, UBND TP yêu cầu các đơn vị tập trung đảm bảo an ninh trật tự, tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh trật tự. Tăng cường phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm về phòng, chống tội phạm trên địa bàn TP theo tinh thần quán triệt của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em...

Hà Nội cắt giảm 15% chi thường xuyên

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống dịch trong 4 tháng đầu năm 2020 đã được TP, các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đặc biệt là trong công tác chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, về góc độ kinh tế, do tác động của dịch, nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội của Hà Nội không đạt theo kế hoạch, có nhiều biến động. 4 tháng đầu năm tình hình thu, chi ngân sách đều thấp hơn so với cùng kỳ; kết quả giải ngân, chi thường xuyên cũng thấp hơn... 

Dự báo về tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND  TP Hà Nội cho rằng: dịch bệnh sẽ kéo dài trên thế giới, chưa có tín hiệu dịch bệnh kết thúc trong thời gian ngắn. Vì vậy, TP phải xác định công tác chống dịch phải thực hiện trong thời gian dài, đến khi thế giới có vaccine chống được bệnh. 

Từ tình hình này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh quay trở lại, để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Các đơn vị phường xã, quận huyện làm tốt công tác phòng chống thiên tai để không ảnh hưởng đến mùa vụ nông nghiệp, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế TP.

Trong những ngày qua, TP đã thực hiện chi trả gói hỗ trợ cho các đối tượng. Tuy nhiên, qua báo cáo, trong quá trình triển khai chi trả tại các quận, huyện, thị xã đã có nhóm có đối tượng bị trùng nhau nên cần có sự rà soát kỹ lưỡng, từ phường xã đến tổ dân phố, không được xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai sót dẫn đến khiếu kiện.

Chủ tịch UBND TP giao Công an TP chủ trì làm tốt công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là nhóm tội phạm gây án nghiêm trọng, cướp giật, ổ nhóm tội phạm hoạt động ban đêm. “Rút kinh nghiệm từ vụ án nghiêm trọng ở Thụy Khuê, chồng chém chết vợ con chưa đầy 3 tuổi… Vậy các tổ hòa giải cơ sở ở đâu, cảnh sát khu vực, tổ dân phố nắm thế nào mà không biết để phòng ngừa, để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng và đau lòng?” – Chủ tịch UBND TP nêu vấn đề.

Về phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh các đơn vị phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên khoảng 15%. Sở Tài chính và Kho bạc Hà Nội phải yêu cầu các đơn vị thống kê, có con số sơ bộ báo cáo thường trực Thành ủy trước ngày 15/5.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp “xương sống” để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. “Tôi nắm được thông tin có đồng chí phó phòng "om" hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở Tài nguyên Môi trường chuyển cho Sở Tài chính, nhưng các đồng chí không vào hệ thống nhập hồ sơ, xem xong “đá qua đá đại” đến 6 vòng. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này” – Chủ tịch UBND TP nói rõ và nhấn mạnh phải tháo gỡ mọi khó khăn trong thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, bởi thời gian là vàng, nếu để mất cơ hội thì chi phí sẽ tăng cao.

Nêu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp nước ngoài mất 24 triệu đồng phí cho một dự án xây dựng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng phải rà soát lại nội dung này và đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, TP sẽ thắt chặt chi tiêu và quản lý mua sắm hiệu quả và rút kinh nghiệm về tình trạng vật tư y tế thời gian qua mỗi nơi một giá... TP Hà Nội phải tiên phong trong việc thiết lập thị trường vật tư y tế và thuốc chữa bệnh, đảm bảo công khai minh bạch.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý ngành Giáo dục rà soát để môi trường giáo dục vận hành thuận lợi nhất. "Không nên chia giờ học và học sinh, không cần đeo tấm chắn giọt bắn; chỉ cần đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn các trang thiết bị", Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra giờ hoạt động của các cửa hàng không thiết yếu, sau vi phạm thì phải thu giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, TP cũng cho phép các cơ sở làm đẹp, cắt tóc có thể cho mở cửa trở lại và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh..

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).