Hà Nội: Khám nghiệm hiện trường vụ hỏa hoạn khiến 3 người tử vong

Chia sẻ

Sáng 7/5, lực lượng Công an tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ hoả hoạn khiến 3 người tử vong tại Công ty TNHH Song Nhân, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Theo cơ quan chức năng, đơn vị để xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng trên chưa được cấp giấy nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn cố tình hoạt động.

Công trình đưa vào sử dụng chưa được nghiệm thu PCCC

Trước đó, khoảng 11h ngày 6/5, tại kho xưởng ở tầng 3 của Công ty CP xuất nhập khẩu Biovet (chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc thú y, thuê mặt bằng của công ty TNHH Song Ngân) nằm trong khu công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm, Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng.

Hình ảnh khám nghiệm hiện trườngHình ảnh khám nghiệm hiện trường (Ảnh: Q.S)

Vụ cháy khiến 3 người thiệt mạng. Danh tính các nạn nhân được xác định là anh N.D.T. (SN 1997) và anh H.M.S. (SN 1972) cùng trú tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm và chị N.M.T (SN 1972) trú tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Các nạn nhân này đều là công nhân của Công ty CP xuất nhập khẩu Biovet.

lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trườnglực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường (Ảnh: Q.S)

Khi vụ cháy xảy ra, Công an huyện Gia Lâm đã huy động 2 xe chữa cháy, 1 xe chỉ huy cùng lực lượng để tổ chức công tác chữa cháy. Tiếp đó, Công an TP Hà Nội đã chi viện 7 đơn vị chữa cháy cùng 15 xe ô tô đến hiện trường. Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy. Đến 14h ngày 6/5, đám cháy đã được khống chế.

Về tài sản, qua quan sát tại hiện trường cháy toàn bộ tầng 3 khu nhà 3 tầng có diện tích mặt bằng khoảng 2.100 m2.

Đối với công trình nêu trên được Công an Thành phổ thẩm duyệt thiết kế về PCCC năm 2005, chưa được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC nhưng đã cố tình đưa công trình vào hoạt động, sử dụng, cho thuê.

Trước đó, ngày 4/9/2019, công trình trên đã bị UBND TP Hà Nội xử phạt 80 triệu đồng vì "Đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.

Đồng thời, trong tháng 9 và tháng 10/2019, công trình này đã bị công an thành phố tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động 2 lần.

Đã khởi tố hình sự vụ án, cần khởi tố cả bị can?

Đến tối 6.5, UBND huyện Gia Lâm cho biết, liên quan đến vụ cháy lớn tại khu công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khiến 3 người tử vong, Công an huyện này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, quy định tại Điều 313 BLHS năm 2015.

Vụ cháy ngày 6/5Vụ cháy ngày 6/5 (Ảnh: Q.S)

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, hậu quả của vụ việc gây ra hậu quả thương tâm, cần sớm khởi tố bị can để xử lý. Theo quy định pháp luật, đối với công trình của mình, chủ tòa nhà đương nhiên phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ PCCC ngay từ khi bắt đầu xây dựng và trong toàn bộ quá trình sử dụng. Mặt khác, người thuê cũng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ PCCC bởi tại Điều 5, Điều 16 Luật PCCC 2001, sửa đổi bổ sung 2013 thì trách nhiệm này thuộc về tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó bao gồm cả chủ tòa nhà và khách thuê. Đồng thời, Điều 479 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất, hư hỏng thì phải bồi thường.

Trong vụ việc này, Công ty TNHH Song Ngân bị phát hiện chưa được nghiệm thu PCCC, đã bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn cố tình cho thuê hàng ngàn mét vuông mặt bằng nhà xưởng đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm nêu trên. Đối với Công ty TNHH Biovet, cần làm rõ việc công ty này có biết việc Công ty Song Ngân chưa được nghiệm thu PCCC hay không và thực hiện các biện pháp PCCC ra sao theo quy định để xử lý. Theo Khoản 3 Điều 313 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy làm chết 03 người trở lên có thể bị phạt tù từ 7 – 12 năm.

Trao đổi thêm, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, quy định pháp luật về PCCC còn có lỗ hổng nên xảy ra tình trạng thiếu kiểm soát về PCCC khi chủ nhà cho thuê công trình của mình. Cùng với đó, việc thanh tra, giám sát chưa thực sự chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện về PCCC vẫn lén lút sử dụng công trình hoặc cho thuê khiến hiểm họa cháy nổ luôn tiềm ẩn. Hậu quả trước mắt của vụ việc là thiệt hại đối với nạn nhân, gia đình và công ty nhưng nhìn xa hơn, đó là hệ lụy đối với kỷ cương hành chính và kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng các quy phạm pháp luật theo hướng gắn chặt trách nhiệm của chính quyền các cấp và cán bộ phụ trách PCCC tại địa phương trong công tác quản lý, thanh kiểm tra vi phạm, tránh tình trạng khi xảy ra cháy nổ thì những người có trách nhiệm hoàn toàn “vô can” làm mất đi sự nghiêm minh của pháp luật.

QUẾ SƠN

 

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.