Thư tình

Chia sẻ

Cái năm tôi mười sáu tuổi, tôi hoàn toàn không có khả năng yêu thầm (mà cũng chưa biết yêu) nhưng sự thực là, tôi đã bị người ta thầm yêu.

Mỗi buổi sáng tôi đến phòng học, trên bàn học của tôi đã đặt sẵn một chai sữa bò, đều đặn ngày nào cũng như ngày nào, không bao giờ bị gián đoạn. Tôi đã hỏi rất nhiều bạn học nhưng không ai biết người để những chai sữa ấy là ai.

Tôi đã thử đến lớp rất sớm, thậm chí mượn chìa khoá cửa của thầy giáo để là người đầu tiên mở cửa lớp nhưng khi đến chỗ ngồi của mình thì tôi lại đã thấy chai sữa đặt ở đó rồi.

Sau đó là những ngày mùa đông, tôi bị cảm mạo, ho rất nhiều. Ngày hôm sau, bên cạnh chai sữa đã xuất hiện mấy vỉ thuốc cảm.

Lại có lần tôi bị chấn thương khi đá bóng, đầu gối bị rách phần mềm, hôm sau quả nhiên lại xuất hiện thuốc bôi “Vân Nam Bạch dược” kèm mấy lá cao dán.

Minh họa ưu tầmMinh họa ưu tầm

Lòng tôi rất băn khoăn, muốn biết được người đó là ai nhưng bất luận bằng kiểu gì tôi cũng không thể lần ra tung tích người ấy. Thậm chí tôi muốn bỏ thời gian ban đêm để quan sát phòng học nhưng vì ký túc xá đêm nào cũng có kiểm tra nên đành thôi.

Vậy là, tôi để lại trên bàn học một mẩu giấy, trên đó viết “Cảm ơn sữa bò của bạn, bạn có thể cho tôi biết họ tên được không?”.

Ngày hôm sau, mẩu giấy biến mất còn sữa bò vẫn công nhiên xuất hiện như cũ.

Ngày nào tôi cũng để lại một mẩu giấy, giấy thì bị người ta cầm đi hết nhưng vẫn chẳng có hồi âm nào.

Người bạn học ngồi cùng bàn với tôi nói: “Sự việc thế là đã rõ rồi, người ấy nhất định là một nam giới”.

Trong lòng tôi vỡ “òa” lên một tiếng, như người rơi xuống đáy vực sâu; sau đó tôi lại cảm thấy không thể, ở một địa phương nhỏ bé như chỗ chúng tôi thì không thể xuất hiện một thứ “cực phẩm” như thế này được từ cánh nam giới. Tôi nghĩ, người đó chắc phải là một cô gái nhút nhát, không xinh đẹp và có ít bạn bè.

Nhưng điều đó có can hệ gì đâu! Trong lòng tôi, đó đã là một cô gái thật đáng yêu.
Cho đến một hôm, tôi đá bóng trong giờ thể dục, chỉ lỡ chân đá mạnh một phát là quả bóng đã bay vụt vào người một cô gái. Một tiếng kêu thét vang lên khiến tôi tưởng như cả tòa nhà bị rung chuyển.

Lúc tôi chuẩn bị chạy đến chỗ cô gái để xin lỗi thì có mấy nam sinh chạy đến vây lấy tôi, tức giận hỏi : “Cậu không có mắt hay sao mà làm tổn thương đến hoa khôi của lớp chúng tớ?”.

Tôi liếc mắt, quan sát tỉ mỉ cô gái ấy, khuôn mặt như cái bánh đa đầy trứng cá, eo lưng kiểu thùng phuy đựng nước... những cái đó phối hợp với nhau, tạo nên hình ảnh “hoa khôi của lớp”? Bất giác không nén nổi, tôi mỉm cười.

Bọn họ vừa đấm tôi, vừa giận dữ quát: “Đã làm đau người ta lại còn cười sao?”. Tôi cảm thấy lửa giận cũng từ ngực bốc lên đầu nhưng đã cố gắng kìm lại được. Ai dè lúc họ quay đi thì cô “hoa khôi” kia đi sau tôi nói to: “Được rồi, người này tôi biết. Cậu ấy nói rằng trong trường này có một cô thầm yêu cậu ta, dù thế nào tôi cũng không tin, trừ phi cô gái kia bị mù!”, thế là cả bọn cười ầm lên. Lửa hận trong tôi bốc lên lấn át hết cả lý trí, tôi quay lại đá mạnh vào người một nam sinh đang cười to nhất, thế là bọn tôi xông vào đánh nhau. Anh em trong lớp tôi thấy tôi bị đánh hội đồng liền chạy ùa lại, hai bên ẩu đả loạn xạ.

Qua cái tình huống cực kỳ hỗn loạn ấy, chúng tôi đã giành phần thắng, tôi bèn kéo mấy anh em còn đang say sưa đấm đá, hô: “Thôi, đừng đánh nữa! Họ cũng thật đáng thương và cái cô gái béo mập ấy cũng xứng đáng là hoa khôi của lớp họ rồi!”.

Mấy anh em đưa mắt nhìn cô gái rồi quay người, bỏ đi.

Ngày hôm sau, thầy giáo gọi bọn chúng tôi, bắt làm kiểm điểm tập thể, còn cảnh cáo “phải đuổi con ngựa xấu làm hại cả bầy đàn”. Tôi cảm thấy thật sự là rủi ro vì rõ ràng là tôi đóng vai trò chính trong vụ này nên mọi bất hạnh trút hết cả lên người tôi.

Tối hôm đó, tôi để lại trên bàn một mảnh giấy: “Có thể tôi sẽ bị đuổi học, âu cũng là một sự giải thoát. Tôi chỉ hy vọng sẽ biết được bạn là ai để sau đó tôi có thể được nói lời cảm ơn.”

Ngày hôm sau, vừa vào phòng học tôi đã phát hiện ra một mẩu giấy khác. Tim tôi đập kịch liệt như vừa trải qua một cuộc chạy 5.000 mét vậy. Cầm mảnh giấy lên, tay run rẩy tôi mở ra xem thì chỉ thấy vẻn vẹn có một dòng: “Tôi hy vọng bạn sẽ học tập thật giỏi”.

May mắn là tôi đã không bị đuổi học và càng may mắn hơn khi tôi đã biết được “người đó” là ai.

Buổi trưa lúc tôi đến nhà ăn thì nhìn thấy một cô gái có vóc người bé nhỏ đang kiễng chân viết thực đơn ngày hôm đó lên tấm bảng đen. Cô quàng một chiếc khăn màu đỏ, tóc rất dài, không biết xấu, đẹp nhưng chắc chắn là một cô gái ưa sạch sẽ. Dòng chữ trên bảng đen giống hệt bút tích ghi trong mẩu giấy, chữ cô gái viết hơi đổ nghiêng về bên trái, rất dễ nhận biết.

Tôi đã nghe ngóng được rất nhiều điều về cô gái, nghe nói cô là một cô nhi, ở với chú từ nhỏ; chú của cô là nhân viên nhà ăn của trường học; cô mới học hết cấp hai, làm giúp việc trong trường học của chúng tôi, thường đứng thu tiền ở quầy bán sữa bò với bà thím ở cửa nhà ăn.

Minh họa ưu tầmMinh họa ưu tầm

Nguyên là ngày nào tôi cũng gặp nhưng vì không mấy để ý đến cô ấy mà thôi.

Mỗi một buổi sáng ra sân tập chạy, người quan sát tôi từ xa là cô ấy.

Thấy tôi bị chấn thương khi đá bóng, người vội vã chạy ra trạm Y vụ mua thuốc cho tôi cũng là cô ấy.

Khi tôi phải kiểm điểm dưới quốc kỳ, mọi người đều như là đang trải nghiệm một đoạn kịch, duy có một người thực sự lo lắng cho tôi cũng là cô ấy.

Hạng người như tôi có gì mà để cho một thiên sứ như cô ấy phải lo lắng chứ?

Một thời gian dài sau đó tôi mới nghĩ ra, có một lần sau bữa ăn trưa, tôi trông thấy một cô gái bé nhỏ đang gắng sức bê hai thùng sữa bò, trước cửa nhà ăn thì dốc, mặt cô gái đỏ gay, đôi chân run run thì tôi chạy đến, bê đỡ thùng sữa, nói: “Để tôi giúp bạn nhé!”.

Cô gái khẳng khái: “Không việc gì, không cần đâu!”.

Tôi nhanh nhẹn bê đồ vào nhà ăn, cô ấy đỏ mặt nói cảm ơn, tôi chỉ cười quay đầu chạy theo các bạn.

Sau đó, tôi bắt đầu chú ý đến cô ấy.

Cô ấy ít nói, không thích chốn đông người, là một cô gái ưa yên tĩnh, thường quàng chiếc khăn màu đỏ, làm việc rất nhanh nhẹn và cần mẫn; lúc nghỉ tìm chỗ yên tĩnh để đọc sách, trên miệng luôn thấp thoáng một nét cười tươi.

Mùa đông đã tới, sáu giờ sáng cô ấy đã phải dậy để sắp xếp sữa bò, đôi bàn tay lạnh cóng đến nứt nẻ, trông rất đáng thương.

Đã mấy lần tôi muốn gặp cô ấy để trò chuyện, nhưng vừa thấy cô ngẩng đầu lên thì tôi lại do dự, ngượng ngập quay đi.

Yêu thầm là một thứ yếu nhược, mỏng manh và trong suốt như thủy tinh; tôi sợ mọi sự thô bạo và bất cẩn sẽ có thể làm vỡ nó.

Buổi sáng hôm nghỉ đông, tôi đi đến nhà ăn, cô ấy đang bày biện, sắp đặt hàng hóa, tôi nói: “Bán cho tôi một hộp sữa bò”.

Cô thoáng ngây người rồi lấy hộp sữa đưa cho tôi, sau đó lại tiếp tục công việc của mình; tôi chú ý thấy những mảnh giấy tôi viết cho cô đã được cô dán lại cẩn thận thành tập như những bức tình thư phiêu lãng.

Tôi cười: “Bạn không lấy tiền sao?”.

Cô ấy bối rối, quay lại nói: “A, ba..., ba đồng.

Tôi lấy ra đôi găng tay đã được chuẩn bị sẵn, đặt vào tay cô ấy và nói: “Cảm ơn sữa bò của bạn nhé!”.

Trong khoảnh khắc ấy, ánh bình minh chợt chiếu lên người chúng tôi, cô gái bối rối né tránh, vô tình nép sát vào tôi. Ồ, những tia nắng đầu ngày lung linh chiếu sáng như những đóa hoa đẹp của tuổi thanh xuân.

LƯU HOA KIẾM (TQ)

Trần Dân Phong (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.