Người trẻ đang làm gì với hôn nhân?

Chia sẻ

Làm mẹ đơn thân, hay sinh con mà không kết hôn đã không còn là chuyện hiếm trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Yêu nhanh, cưới nhanh rồi bỏ nhanh cũng được nhiều bạn trẻ cổ súy. Vì sao lại thế?

Người trẻ đang làm gì với hôn nhân? - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

“Lấy chồng sớm làm gì…”

Là người nghiên cứu xã hội học lâu năm, nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận thấy: Giới trẻ bây giờ đang kết hôn muộn và thích độc thân hơn. Là bởi họ ưu tiên sự nghiệp, học hành và vô vàn những áp lực khác đè nặng lên cuộc sống. Trước khi nghĩ tới một tổ ấm, họ cần đảm bảo công việc của mình ổn định, nhà cửa đàng hoàng và kinh tế vững chắc. Và khi nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, họ sẵn sàng “chưa cưới vội”.

Các cơ hội phát triển bản thân và trải nghiệm cũng mở ra ngày càng nhiều và phong phú, khiến giới trẻ ưu tiên hơn là nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình. Một suy nghĩ phổ biến vẫn luôn tồn tại, là có vợ/ chồng hay sinh con chính là bước vào “trại giam cuộc đời”. Theo đó, sau khi kết hôn, mọi người sẽ khoác lên mình 2 từ “trách nhiệm” - gánh vác các vai trò khác nhau, gánh nặng về kinh tế sẽ nặng nề hơn nếu sinh con. Do đó, nhiều người lựa chọn việc kết hôn muộn để đảm bảo một cuộc sống thật vững chắc trước khi lập gia đình, hay đơn giản hơn là để “chơi cho đã”.

Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường iSEE) đã tổ chức một cuộc thảo luận về sinh sản, hôn nhân và tình dục. Ở đó, các bạn trẻ đã bày tỏ băn khoăn: Liệu sinh đẻ và hôn nhân có nhất thiết phải đi với nhau? Đặc biệt với những cặp đôi đi đến ly hôn hay đồng tính, quan niệm này không hề phù hợp với họ. Tiếp nữa, “sinh đẻ” bắt buộc đi liền hôn nhân sẽ khiến có những gia đình tan nát vì không đủ tình yêu, để lại những hệ quả tâm lý tồi tệ hơn rất nhiều so với việc quyết định nuôi con độc thân ngay từ đầu. Tuy thế, các vấn đề về quản lý xã hội sẽ xuất hiện, những người chung sống và sinh sản không hôn nhân sẽ bị coi là vô trách nhiệm.

Sinh đẻ đang bị coi là trách nhiệm cộng đồng, trong khi nuôi dạy con sau khi sinh đẻ lại là trách nhiệm cá nhân. Sinh đẻ là một khả năng tự nhiên của phụ nữ, nhưng lại bị “đánh tráo” thành trách nhiệm phải sử dụng khả năng đó. Những trở ngại trong công việc hay tâm lý của phụ nữ cả trước lẫn sau sinh chưa được nhìn nhận thấu đáo, đôi khi bị “bóp méo” thành “trách nhiệm” đem lại nguồn nhân lực cho gia đình và xã hội.

Cần làm gì để giới trẻ có chuẩn mực về hôn nhân?

Nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, những xu hướng và quan điểm nói trên của các bạn trẻ có lẽ sẽ đụng chạm đến những “chuẩn mực” về hôn nhân truyền thống. Ở bất kỳ thời đại nào, những câu chuyện về tình yêu, hôn nhân và gia đình vẫn cứ nóng rẫy và quan trọng, dù nó có biết bao xu hướng đi nữa nảy sinh.

Nhiều mô hình hôn nhân mới đã hình thành, khái niệm gia đình giờ đây rất phong phú: gia đình 1 người, gia đình đồng tính, gia đình khuyết thiếu, hoặc thậm chí không cần kết hôn mà vẫn sinh con, hoặc kết hôn nhưng xin con nuôi… Các kết quả điều tra về dân số, gia đình đều cho thấy nhiều tình hình mới, những con số phản ánh các xu hướng mới: chỉ số ly hôn tăng, nhưng quan niệm về ly hôn đã bớt dần sự tiêu cực, trở thành chỉ báo cho vấn đề bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ.

Nếu muốn có một xã hội hài hòa, hợp lý, ấm êm, yên ổn, thì các xu hướng hình thành kể cả mới hay cũ, đều phải được điều chỉnh sao cho hợp lý.

“Mỗi người có quyền hành động theo ước muốn của mình. Tùy vào những kế hoạch cá nhân, mọi người có quyền tự quyết định việc kết hôn hoặc sinh con. Vậy nhưng, tự bản thân mỗi người đều phải nhận ra rằng: Mình cần sống có trách nhiệm với xã hội. Các bạn có thể tự do yêu đương, tự do tìm hiểu và làm chủ cuộc hôn nhân của mình, nhưng hãy nhớ, gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi sự tự do của các bạn, nếu có trách nhiệm và ý thức, sẽ góp phần cải thiện đời sống xã hội. Trách nhiệm không phải là gánh nặng, bởi tôi biết có không ít bạn trẻ, vừa thành đạt, vừa có một gia đình hạnh phúc!” TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

NGỌC QUỲNH

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.