98,3% kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV được giải quyết, trả lời

Chia sẻ

Sáng ngày 20/5, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Nỗ lực giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cử tri

Trình bày Báo cáo tại kỳ họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 8 của đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận và tổng hợp được 2.102 kiến nghị của cử tri. Trong đó, có 59 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,8%); 1.951 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 92,82%); 84 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 4%); 08 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,38%).

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo tại kỳ họp.Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp.

So với kỳ họp thứ 7, số lượng kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 giảm 122 kiến nghị. Nội dung các kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Một số lĩnh vực được nhiều cử tri ở nhiều địa phương quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội (202), Tài nguyên, môi trường (172), Giao thông, vận tải (164), Nông nghiệp, nông thôn (146), Y tế (139), Về đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm (107), Giáo dục, đào tạo (103)...

Trong thời gian giữa hai kỳ họp, mặc dù xảy ra đại dịch Covid - 19, vừa phải thực hiện giãn cách xã hội, ứng phó, ngăn chặn sự lây lan của của dịch bệnh, vừa phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự chỉ đạo của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ các cơ quan đã hết sức nỗ lực giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cử tri, đến nay đã có 2.066/2.102 kiến nghị được giải quyết và trả lời cử tri đạt 98,3% . Có thể khẳng định rằng kết quả giải quyết kiến nghị cử tri lần này cho thấy, dù trong hoàn cảnh nào thì nguyện vọng của cử tri luôn được quan tâm ưu tiên xem xét, giải quyết. Từ đó tạo niềm tin, sự phấn khởi, đoàn kết nhất trí một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Các cơ quan của Quốc hội kịp thời xem xét các vấn đề được cử tri và xã hội quan tâm

Đối với Quốc hội (có 59 kiến nghị, chiếm 2,8%), trong đó có 23/59 kiến nghị về xây dựng pháp luật và 36/59 kiến nghị về hoạt động giám sát. Toàn bộ các kiến nghị đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn đạt 100%.

Có thể thấy, "cử tri luôn quan tâm, theo dõi và đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội. Cử tri một số địa phương tiếp tục kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc quản lý đất đai, công sản, tiến độ và chất lượng một số công trình dự án lớn, nhất là các dự án giao thông như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường sắt trên cao Cát linh – Hà Đông. Tại kỳ họp này, cử tri một số địa phương còn kiến nghị cần nghiên cứu xem xét tăng mạnh mức xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tương tự như Nghị định 100, để đảm bảo tính răn đe cao, vì đây là vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người dân. Ngoài ra cử tri một số địa phương còn tham gia đóng góp ý kiến đối với một số dự án luật đã được tiếp thu vào một số dự thảo Luật" -Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Trong thời gian giữa 2 kỳ họp, xuất hiện một số vấn đề được cử tri và xã hội quan tâm như: xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tác động của dịch Covid - 19 đối với kinh tế, xã hội, …đã được các Ủy ban của Quốc hội tổ chức khảo sát, nghiên cứu, để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời xem xét .

Các đại biểu quốc hội tại phòng họp Diên Hồng.Các đại biểu quốc hội tại phòng họp Diên Hồng.

Đối với Chính phủ, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thông tin: Có 1.951 kiến nghị đối với Chính phủ chiếm 92,82% tổng số kiến nghị. Trong đó, đã giải quyết, trả lời 1.915 kiến nghị, đạt 98,2%, còn 214 kiến nghị, chiếm 11,2% đang xem xét, giải quyết. Điều đó cho thấy, Chính phủ, các Bộ, ngành rất tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong xem xét một số lượng lớn các kiến nghị.

Ngay tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 09/4/2020, mặc dù đây là thời điểm mà dịch Covid - 19 đang có diễn biến phức tạp, nhưng Thủ tướng vẫn quyết liệt chỉ đạo các thành viên Chính phủ ngoài việc chống dịch phải quan tâm tới nguyện vọng của cử tri, sớm hoàn thành việc trả lời KNCT, Thủ tướng còn lưu ý, trả lời cử tri phải đúng yêu cầu, có giải pháp cụ thể để xử lý. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ghi nhận các Bộ, ngành đã rất nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong đó, việc giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành ngày càng khoa học, chất lượng, trách nhiệm cao.

Đối với các cơ quan tư pháp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết toàn bộ 84 kiến nghị đã được xem xét, trả lời đạt 100%, nhiều kiến nghị liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đã được tiếp thu giải quyết, như tiếp thu kiến nghị của cử tri Bến tre, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Tiếp thu kiến nghị của cử tri Trà Vinh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra và Kiểm sát viên trong hoạt động điều tra”,... Đặc biệt, tiếp thu phản ánh của cử tri, Hội dồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn việc xét xử tội phạm liên quan đến dịch Covid-19, đảm bảo tính răn đe cao, góp phần tích cực trong phòng, chống dịch bệnh.

Cần nỗ lực hơn nữa trong giải quyết các kiến nghị còn tồn tại

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ghi nhận, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay hầu hết các tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành đã được tiếp thu và khắc phục khá hiệu quả, hiện còn một số ít tồn tại hạn chế như: Vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung kiến nghị, chưa kiểm tra, tìm giải pháp để tháo gỡ nên cử tri tiếp tục kiến nghị. Một số kiến nghị của cử tri yêu cầu kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm nhưng thường trả lời chung chưa nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành vẫn còn chậm.

Mặc dù các cơ quan đã rất tích cực trong giải quyết các kiến nghị, nhưng tính đến nay vẫn còn hàng trăm kiến nghị đang trong quá trình giải quyết đây là những kiến nghị cần có thời gian nghiên cứu hoặc cần có nguồn lực, tuy nhiên cũng cần các bộ ngành chủ động, nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết, các kiến nghị này. Cụ thể như việc xem xét, sửa đổi, bổ sung 199 văn bản quy phạm pháp luật; Việc nâng cấp sửa chữa, đầu tư, xây mới một số tuyến đường giao thông tại một số địa phương (như Quảng Nam, Bình Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình,…); Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm một số vấn đề như: vệ sinh thực phẩm; buôn lậu; tham nhũng, lãng phí; đạo đức công vụ; ô nhiễm môi trường,…; Việc giải quyết một số vấn đề cụ thể như: phối hợp giữa BHYT và BHXH trong chi trả cho người khám, chữa bệnh; về việc chậm triển khai thu phí không dừng, nguyên nhân và trách nhiệm; về sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch tả lợn Châu phi…

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri, đảm bảo rõ ràng, cụ thể, trọng tâm, không kiến nghị trùng lặp; Tích cực khai thác phần mềm ứng dụng phục vụ trả lời KNCT; Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số vấn đề nóng mà cử tri quan tâm.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn chế; Chính phủ phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính để giải quyết đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Đồng thời các Bộ, ngành rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ sau.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.