Các địa phương cần chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Chia sẻ

Việt Nam ngày càng hứng chịu những trận thiên tai dị thường, trái quy luật và vượt các mốc lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu được thiệt hại thông qua việc triển khai các giải pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó dựa trên các kịch bản bất lợi nhất...

Thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều đợt thiên tai bất thường, nguy hiểm đã xảy ra: Xuất hiện dông lốc, sét, mưa đá vào ngày 30, mùng 1 Tết Nguyên đán (điều chưa bao giờ xảy ra); những ngày cuối tháng 4 tại Hà Nội, nhiệt độ xuống đến 16,5 độ, thấp nhất 50 năm gần đây và ngay sau đó là nắng nóng.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây, bảo đảm an toàn mùa mưa bão.Công nhân Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây, bảo đảm an toàn mùa mưa bão. (Ảnh: Anh Tuấn)

Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn đã tạo ra một mốc lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016. Hạn mặn năm nay đến sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ trong nhiều năm, vào rất sâu trên 100km và xuống chậm.

Trên cả nước đã xảy ra 117 trận dông, lốc, mưa lớn trên 34 tỉnh/TP, trong đó 8 đợt trên diện rộng tại 20 tỉnh, TP Bắc Bộ và Trung Bộ (trong đó có Hà Nội); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún để biển tại đồng bằng sông Cửu Long…

Tính đến giữa tháng 5/2020, thiên tai đã làm 15 người thiệt mạng, 85 người bị thương; 1.685 nhà sập, 54.269 nhà bị hư hại, tốc mái; 106.158ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 6.331 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.291 tỷ đồng.

Nhận định chung tình hình thời tiết và thiên tai trong năm 2020, các chuyên gia cho biết sẽ diễn biến theo chiều hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước; mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ.

Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019. Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc.

Những hệ lụy từ sự bất thường của thời tiết nói trên đòi hỏi các cơ quan, ban ngành từ Trung ương tới địa phương phải có kế hoạch, chủ động trong ứng phó và khắc phục và hạn chế tối đa hậu quả, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Hà Nội sẵn sàng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Chủ động ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết và phòng, chống với các tình huống khi có thiên tai, lụt, bão, úng ngập xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại... nhiều đơn vị của Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai phù hợp.

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Phương án số 02/PA-SXD(HT) về ứng phó với một số tình huống phòng chống thiên tai, úng ngập nội thành, khắc phục sự cố cây gẫy, đổ và đảm bảo chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch mùa mưa bão trên địa bàn Thành phố năm 2020; Huy động 100/100 quân số, đảm bảo thực hiện giải tỏa 24/24h/ngày; Ưu tiên xử lý các cây đổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản nhân dân; Xử lý các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính, thu dọn các cây đổ, cắt cây, cành, đánh gốc, san lấp, đảm bảo vệ sinh... đảm bảo giao thông nhanh nhất và trồng cây thay thế sau 10 ngày.

Trong ứng phó với tình huống thiên tai của công tác chiếu sáng công cộng, đơn vị đảm bảo điện thoại trực dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24h hàng ngày tại Trung tâm điều khiển chiếu sáng thành phố (tại số 30 phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội): 0243.9740268 - 024.39746888.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 2673/KH-SGTVT về phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

Ngành y tế cũng sẽ tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 cũng như công tác hậu cần, truyền thông, kiểm tra, giám sát. Mục đích hướng tới là chủ động trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó kịp thời các sự cố, các loại hình thiên tai; giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, thảm họa gây ra.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: