Khôi phục “ngành công nghiệp không khói” sau dịch Covid-19

Chia sẻ

Sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang nỗ lực khôi phục ngành du lịch vốn được xem là “ngành công nghiệp không khói”.

Bali đón ít nhất 6,3 triệu lượt du khách trong năm 2019Bali đón ít nhất 6,3 triệu lượt du khách trong năm 2019

Mặc dù đa số Chính phủ vẫn khuyến cáo người dân tránh ra nước ngoài không cần thiết nhưng nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng đang bắt đầu nới lỏng biện pháp phong tỏa và các hạn chế biên giới để chào đón du khách trở lại. Sở dĩ nhiều nước chú trọng mở cửa ngành du lịch vì đây là ngành tạo nhiều công ăn việc làm, liên quan nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, hàng không…

Đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra kế hoạch hành động để mở lại biên giới nội khối vào mùa hè. Các nước như Estonia, Latvia và Litva đã hình thành “bong bóng du lịch”, dỡ bỏ hạn chế với công dân của nhau.

Tại Cộng hòa Síp, giới chức nước này sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh, ăn ở cho bất kỳ du khách nào xét nghiệm dương tính với Covid-19 khi đang du lịch ở hòn đảo Địa Trung Hải này.

Kế hoạch chi tiết 5 trang đã được gửi cho các chính quyền địa phương, hãng hàng không và nhà điều hành tour du lịch từ 26/5. Cộng hòa Síp còn dành bệnh viện 100 giường cho khách nước ngoài nhiễm bệnh và dành khách sạn 500 phòng để cách ly người nhà và người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Như vậy, khách sẽ chỉ phải trả tiền vé máy bay. Nước này sẽ mở cửa lại các khách sạn từ ngày 1/6 và các chuyến bay quốc tế sẽ nối lại vào ngày 9/6.

Các điểm du lịch đều áp dụng biện pháp phòng dịch để bảo vệ du khách và người dân như nhân viên khách sạn đeo khẩu trang, găng tay, khử trùng thường xuyên; giữ khoảng cách 2m giữa các bàn ở nhà hàng, quán bar, quán cà phê, quán rượu.

Hòn đảo du lịch Bali (Indonesia) đã thành công trong kiềm chế đại dịch khi chỉ có chưa đầy 350 ca mắc và vài ca tử vong. Bali hy vọng đón du khách vào tháng 10 tới miễn là tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp. Kinh tế Bali phụ thuộc lớn vào du lịch và số lượng du khách tăng lên trong những năm gần đây với khoảng 6,3 triệu lượt năm 2019. Covid-19 đã làm sụp đổ kinh tế Bali. Hiện nay, mọi công dân nước ngoài (trừ một số đối tượng) đều bị cấm vào Indonesia. Giới chức du lịch Bali đang kêu gọi thiết lập “bong bóng du lịch” giữa Bali và Australia.

Khi số ca nhiễm trong nước tương đối thấp, Thái Lan vẫn thận trọng trong mở cửa lại đất nước. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn cho biết thời gian sớm nhất Thái Lan mở cửa đón du khách là vào quý bốn năm nay. Ông nhấn mạnh không mở cửa ngay lập tức và vẫn rất cảnh giác. Thái Lan đang tập trung vào du lịch nội địa. Một số khu nghỉ dưỡng và khách sạn đã được mở cửa lại.

Trong khi đó, Pháp là nước đón nhiều du khách nhất thế giới trước đại dịch Covid-19. Giờ đây, như phần lớn các nước EU, các biện pháp hạn chế đang được áp dụng với các khu vực bên ngoài Schengen. Ít nhất tới 24/7, du khách ngoài EU vào Pháp sẽ phải cách ly bắt buộc 14 ngày.

Thủ tướng Edouard Philippe gần đây thông báo gói kích thích 19,4 tỷ USD để kích thích ngành du lịch.

Tại Hy Lạp, du lịch chiếm gần 20% tổng sản phẩm quốc nội và cứ 5 việc làm thì có một việc làm trong ngành du lịch. Hy Lạp định đón du khách vào ngày 15/6.

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thông báo các chuyến bay quốc tế trực tiếp tới Hy Lạp sẽ dần nối lại từ 1/7 và du khách sẽ không phải xét nghiệm Covid-19 hoặc cách ly. Tuy nhiên, giới chức y tế cho biết sẽ xét nghiệm tại chỗ nếu cần thiết. Hy Lạp nối lại dịch vụ phà tới các đảo từ ngày 25/5. Người trong nước có thể du lịch từ ngày 18/5.

Du khách từ EU cùng với Anh và một số khu vực sẽ được phép vào Italy mà không phải cách ly từ 3/6. Đây là động thái mà Chính phủ nước này gọi là “rủi ro có tính toán”.

Có thể nói các nước đều phải cân nhắc, tính toán giữa lợi ích kinh tế mà ngành du lịch mang lại cũng như rủi ro khi mở cửa trở lại đón du khách.

DƯƠNG THÙY (theo CNN)

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.